Duane thi đấu ở Giải HDBank 2017. Ảnh: T.P |
Hơn 5 năm trước, Duane vẫn còn là một cái tên đỉnh cao trong làng cờ vua Jamaica với ngôi vị số 1. Nhưng công việc bận rộn của một kỹ sư tốt nghiệp trường ĐH luôn xếp trong tốp 10 thế giới theo nhiều bảng xếp hạng khác nhau, không cho phép kỳ thủ người Jamaica có thể toàn tâm toàn ý cho việc đánh cờ của mình nữa. Sau khi lấy được tấm bằng thạc sĩ ở ĐH Cambridge vào năm 2008, Duane trở về quê nhà Jamaica với nhiều giấc mơ trong ngành năng lượng.
“Thời điểm mới trở về nước, tôi tham gia rất nhiều giải đấu quốc tế (khoảng 3-4 giải/năm). Đó là thời điểm đỉnh cao trong sự nghiệp của tôi. Khi đó tôi vừa học xong và nghĩ mình vẫn còn thời gian nhiều cho những đam mê. Nhưng dần dà công việc không cho phép tôi dành nhiều thời gian đi đây đi đó. Ngoài ra, cờ vua chỉ là một đam mê chứ không mang lại thu nhập đáng kể và tôi còn có gia đình, vợ con” - Duane nói.
Từ giai đoạn 2014, Duane không còn tham gia nhiều giải đấu quốc tế nữa. Anh tập trung cho công việc của mình ở một viện nghiên cứu tại quê nhà và lẽ đương nhiên cũng bắt đầu tụt hạng dần trên bảng xếp hạng của FIDE. Nhưng với bộ óc kiệt xuất của một kỳ thủ nhà nghề xuất thân ĐH Cambridge, kỳ thủ 39 tuổi này không từ bỏ đam mê của mình. “Với tôi, đánh cờ chỉ là suy nghĩ, làm việc cũng là suy nghĩ. Tôi không bao giờ ngừng việc tư duy. Khi không làm việc, tôi nghĩ về các ván cờ, các nước đi. Tôi yêu thích sự tư duy, nó khiến tôi khuây khỏa chứ không mệt mỏi” - Duane nói.
Duane trong trận cờ đáng nhớ giữa ĐH Cambridge và Oxford. Ảnh: engr.psu.edu |
Duane thi thoảng vẫn tham gia một giải đấu quốc tế trong năm như HDBank 2017. Anh trở thành một kỳ thủ có hành tung rất “bí ẩn”, luôn xuất hiện vừa kịp lúc trước khi ván cờ bắt đầu, thở hổn hển, mồ hôi nhễ nhại. Hỏi ra mới biết Duane dành phần lớn thời gian trong ngày để đi thăm thú các nơi, từ các viện bảo tàng cho đến một số địa danh quanh TP.HCM như địa đạo Củ Chi...
“Tôi thích đi du lịch, vì vậy mỗi một chuyến tham dự giải đấu tôi đều xem đó là một cơ hội đi du lịch. Đánh cờ từ lâu đã không còn mang lại thu nhập gì cho tôi nữa. Để sang Việt Nam, tôi phải tự trang trải mọi chi phí và tốn khoảng 3.000 USD. Những giải đấu khác cũng vậy, các kỳ thủ đều phải tự túc kinh phí và không ai tài trợ cho tôi cả. Nhưng không có vấn đề gì. Tôi đã đi qua 26 quốc gia khác nhau, thăm thú nhiều nơi và còn gặp được các kỳ thủ quốc tế” - Duane kể.
Chuyến “du lịch” tại TP.HCM của Duane kết thúc sau 8 ngày, không thực sự nhiều vì anh chỉ xin được chừng đó ngày nghỉ phép. Nhưng với một giải đấu “2 trong 1”, chừng đó là đủ để cựu sinh viên của ĐH Cambridge thỏa mãn. “Nơi này rất tuyệt vời. Nếu trong tương lai, Việt Nam tiếp tục tổ chức những giải đấu quốc tế, có thể tôi sẽ trở lại” - Duane nói.
“Cuộc chiến Cambridge - Oxford” Là một kỳ thủ chuyên nghiệp, Duane không xa lạ gì với những đấu trường đẳng cấp quốc tế. Nhưng nơi mà kỳ thủ người Jamaica nhớ nhất là những ván cờ thời còn thi đấu cho Trường Cambridge khi đối đầu với đội của Trường Oxford trong một cuộc đấu cờ vua có lịch sử hơn 163 năm tuổi (bắt đầu từ năm 1853). Cùng với London, Cambridge và Oxford là ba trường ĐH tốt nhất của Anh. Sự kèn cựa giữa các ngôi trường này cũng rất cao, đặc biệt trong các cuộc cạnh tranh thể thao. Cờ vua - một môn thể thao trí tuệ - vì thế biểu trưng cho một cuộc “so tài” đúng nghĩa giữa hai ngôi trường. Kể từ khi thành lập năm 1853, trận cờ giữa Cambridge và Oxford có sức ép, độ căng thẳng chẳng khác gì một cuộc đấu “siêu kinh điển” giữa Barca và Real Madrid trong bóng đá. “Năm đó tôi đánh bại Olena Boytsun - một nữ kỳ thủ nổi tiếng của Ukraine. Niềm vui đến không chỉ bởi cô ấy là một kỳ thủ lừng danh mà còn bởi tôi đã mang lại vinh quang cho Cambridge. Điều đó chẳng khác gì một đội tuyển bóng đá quốc gia thi đấu cho màu cờ sắc áo cả” - Duane nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận