14/12/2015 07:50 GMT+7

​Đâu chỉ tháo dỡ “biệt phủ” là xong

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA

TT - Khi việc tháo dỡ hoàn tất, câu chuyện với chủ nhân biệt phủ sẽ khép lại nhưng với dư luận, vấn đề của biệt phủ còn đó nếu chưa xử lý những người có trách nhiệm đã để biệt phủ mọc lên trái phép.

Thợ lành nghề và công nhân tháo dỡ cổng vào ngôi biệt phủ trên núi Hải Vân - Ảnh: V.Hùng

Chủ biệt phủ xây trái phép trong khu rừng đặc dụng ở Đà Nẵng đã cho công trình. 

Việc xây dựng nhà trái phép đã xảy ra ở nước ta từ nhiều năm nay, không chỉ ở nông thôn mà ở những thành phố lớn, kể cả ở thủ đô.

Trước hết, do nhu cầu nhà ở quá lớn của rất nhiều người dân trong khi pháp luật không theo kịp, quy hoạch quá chậm, thủ tục hành chính rườm rà.

Thay vì buộc đập bỏ, Chính phủ đã từng có chủ trương tháo gỡ cho người dân, như quy định nếu khu vực đó hợp với quy hoạch thì có thể chỉ “phạt và cho tồn tại”. Quy định này là giải pháp tình thế, chỉ áp dụng cho một thời điểm nhất định.

Tuy nhiên, giải pháp này cũng vấp phải phản ứng của người dân, bởi hai hệ lụy.

Hệ lụy thứ nhất: tạo ra sự bất công với những người chấp hành đúng pháp luật, và khi pháp luật không công bằng thì người ta không tôn trọng, không tin tưởng pháp luật và cơ quan bảo vệ pháp luật.

Hệ lụy thứ hai: nó khuyến khích những người vi phạm tiếp tục vi phạm và lôi kéo những người chưa vi phạm tham gia phạm pháp, vì hi vọng vẫn có thể được “phạt và cho tồn tại”.

Qua các báo cáo của Chính phủ và thực tiễn đời sống, tình hình phạm pháp đang “báo động đỏ”. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình hình này là do pháp luật không được thực thi đầy đủ và nghiêm minh.

Ở các nước phát triển, người dân sợ nhất là vi phạm pháp luật, vì sẽ bị phát hiện rất nhanh, xử lý rất nghiêm và hậu quả rất khắc nghiệt.

Pháp luật bị lờn thuốc còn có nguyên nhân là áp dụng và xử lý không công bằng.

Khi nghe những cao ốc, những khu phố, những biệt thự xây dựng trái phép chỉ bị phát hiện sau vài tháng, thậm chí sau vài năm, khi “chuyện đã rồi”, nhiều người dân đã chua chát nhận xét: cả khi họ sửa nhà hợp pháp, chỉ cần đổ mấy bao cát, mấy xe gạch, chưa đầy một giờ sau là đã có các nhân viên “công lực” đến hỏi giấy tờ rồi.

Tình trạng pháp luật không nghiêm, không công bằng làm cho pháp luật không còn hiệu lực. Trong khi pháp luật có hai đặc tính cực kỳ quan trọng, mà nếu thiếu thì nó không còn là pháp luật.

Đặc tính thứ nhất: “vi phạm thì phải trả giá, gây thiệt hại thì phải bồi thường”. Đặc tính thứ hai: “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.

Hai đặc tính này tạo ra giá trị cao nhất của pháp luật, cũng là giá trị cao nhất của xã hội văn minh, đó là công lý. Công lý đòi hỏi kẻ vi phạm phải bị trừng trị hoặc phải bồi thường thỏa đáng.

Nhưng phải sòng phẳng, đó là những công chức đã không kiên quyết thực thi luật pháp, vì thiếu trách nhiệm hay vì lý do nào khác, đã vi phạm pháp luật cũng phải bị xử lý theo pháp luật.

Bởi vì trong nhà nước pháp quyền, chỉ có một công lý chung cho mọi người, không phân biệt dân hay “quan”.

Đơn vị, cá nhân nào không làm tròn trách nhiệm, để biệt phủ mọc lên trái phép phải được xử lý nghiêm. Có như thế pháp luật mới công bằng, công lý mới được thực thi.

Luật sư TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên