08/05/2019 15:40 GMT+7

Đầu bếp - nghề tiềm năng trong cuộc sống hiện đại

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) đang cần rất nhiều nhân lực đủ tay nghề và kỹ năng làm việc trong thời đại mới.

Đầu bếp - nghề tiềm năng trong cuộc sống hiện đại - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều bạn trẻ chọn học nghề bếp - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Khi đời sống kinh tế ngày càng khá giả, chuyện ăn uống không còn đơn thuần chỉ để no mà đòi hỏi sự cầu kỳ và công phu trong từng công thức để đạt sự hoàn hảo cả về mùi vị lẫn hình thức.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng và khó tính của thực khách, ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) đang cần rất nhiều nhân lực đủ tay nghề và kỹ năng làm việc trong thời đại mới.

Con đường khác biệt...

Đến Trung tâm hướng nghiệp Á Âu (Q.3, TP.HCM) vào một giờ học lớp bếp nóng, thấy học viên đang tỉ mỉ khoác lên những món bánh dân gian Việt như bánh chuối hấp, bánh da lợn… một lớp "áo" trang trọng.

Khoảng 20 học viên và một giảng viên cùng nhau trao đổi về quy trình thực hiện nhiều loại bánh, cách trang trí, phục vụ, cho đến cả những chi tiết nhỏ như mẹo dùng dao cắt bánh để giữ được miếng bánh đẹp nhất.

Không gian lớp học không lớn nhưng được trang bị và bố trí thiết bị hiện đại của những nhà hàng lớn, đặc biệt có hệ thống xử lý khói và mùi.

Bạn Nguyễn Phương Thư - sinh viên năm 2 Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, đang theo học khóa nấu nướng - cho rằng học quan trọng nhất là đam mê nấu nướng và khả năng làm việc trong môi trường đòi hỏi áp lực và sáng tạo.

"Nhà hiện có một quán ăn nhỏ nên mình học thêm nấu ăn ngoài giờ học cao đẳng để sau này có thêm kinh nghiệm hỗ trợ quán ăn của gia đình" - Thư chia sẻ.

Nhiều bạn trẻ ngày nay cũng đã chuyển sang học nghề bếp thay vì vào ĐH. Chẳng hạn, Nguyễn Thụy Uyên từng theo học khoa Đông phương học Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhưng vì "không hợp" nên chưa hết năm nhất đã bỏ học.

Uyên quyết định trở về quê Nha Trang theo học một trường trung cấp dạy nấu ăn mà nhiều người đã bĩu môi cho rằng Uyên chọn sai đường.

Thật ra, Uyên cho biết mình lại rất thoải mái và yêu thích ngành học này. "Sau khi học xong mình xin vào làm cho một nhà hàng nhỏ tại Nha Trang. Mình thấy chỉ cần có ý thích đem lại những món ăn ngon cho mọi người và một chút năng khiếu, bạn hoàn toàn có thể làm " - Uyên chia sẻ.

Học nghề bếp ở đâu?

Đầu bếp - nghề tiềm năng trong cuộc sống hiện đại - Ảnh 2.

Giảng viên Hướng nghiệp Á Âu hướng dẫn học viên cách sử dụng dao cắt bánh sao cho chuyên nghiệp nhất - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Theo các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, tiềm năng của nghề bếp hiện nay rất rộng mở, có xu hướng đón đầu trong 5 - 10 năm tới. Điển hình, hiện có hơn 1.000 dự án của các tập đoàn nhà hàng khách sạn quốc tế đang đầu tư vào các thành phố du lịch tại VN.

Dẫu vậy, nghề bếp không chỉ là năng khiếu do đặc thù của nghề bếp nói riêng và các ngành F&B và nhà hàng khách sạn nói chung thường phải đi từ cấp thấp nhất như phụ bếp đến những thứ bậc cao hơn như bếp chính, bếp phó, bếp trưởng, bếp trưởng điều hành…

Do đó nếu được đào tạo bài bản, nhân sự theo nghề có nhiều cơ hội thăng tiến nhanh hơn trong nghề so với người chỉ làm việc theo bản năng. Môi trường hành nghề bếp ngày càng được cải thiện và hiện đại, mức lương không hề kém cạnh so với những nghề khác, đặc biệt có cả cơ hội du học hay xuất khẩu lao động…

Tại TP.HCM có nhiều nơi đào tạo nghề bếp. Học viên ngành đầu bếp hay bếp trưởng với nhiều khóa học chuyên môn hệ ngắn hạn từ 4 đến 6 tháng kèm theo 3 tháng thực tập. Khi đăng ký theo học, học viên có thể lựa chọn chuyên sâu vào một hướng đi cụ thể như bếp trưởng bếp Âu, nghiệp vụ bếp Á, bếp trưởng bếp Việt, bếp trưởng bếp Nhật, nghiệp vụ bếp chay...

ThS Nguyễn Đăng Lý - hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM - cho biết: "Kỹ thuật chế biến món ăn là ngành đang rất hot. Sinh viên ngành này sau khi ra trường 6 tháng đều lên chức tổ trưởng".

Học sinh có thể theo học hệ dài hạn tại các trường trung cấp nghề ở TP.HCM với thời gian 3 năm cho học sinh tốt nghiệp THCS và 2 năm với học sinh tốt nghiệp THPT. Một số trường có đào tạo nghề nấu ăn ở TP.HCM gồm: Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, Trường trung cấp Việt Giao, Trường trung cấp du lịch và khách sạn Saigontourist, Trường trung cấp nghề du lịch và khách sạn Khôi Việt…

Điểm khác biệt giữa trường trung cấp và các trung tâm chính nằm ở chỗ sinh viên theo học trung cấp vẫn có thể theo học một số chương trình văn hóa, và có thể liên thông lên các cấp bậc cao đẳng hay đại học.

Cô gái chinh phục nghề bếp

TTO - Nữ đầu bếp Vũ Hoàng Trinh, 22 tuổi, đến từ Đắk Lắk, đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc thế giới tại kỳ thi tay nghề trẻ thế giới năm vừa qua.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên