Muốn làm đầu bếp, hãy… ăn thật nhiều
"Cần làm gì để bắt đầu theo nghề đầu bếp?", một sinh viên đặt câu hỏi với đầu bếp Chrisine Hà trong buổi giao lưu tại Trường đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) chiều 26-9.
Chia sẻ với những sinh viên có niềm đam mê ẩm thực, Christine Hà khuyên khi còn trẻ, hãy cố gắng thử càng nhiều món ăn càng tốt. Từ những món ăn bạn thích đến những món bạn chưa thích, từ những nguyên liệu quen thuộc của Việt Nam đến những nguyên liệu mang điểm nhấn văn hóa từ những quốc gia khác nhau.
Nếu có cơ hội, hãy đi thật nhiều nơi, những địa phương Việt Nam đến quốc tế. Tới đâu, hãy thưởng thức thật nhiều món đặc trưng của địa phương để vị giác làm công việc "lưu lại" những hương vị.
Theo cô, thời trẻ là lúc vị giác hoạt động tốt nhất để nếm các món ăn, tạo nên những dữ liệu về các món ăn trong chính bạn, giúp bạn dễ sáng tạo được những món ăn mới.
"Khi thưởng thức một món ăn, bạn nên luôn đặt câu hỏi: Mình có thể làm được món này không? Món này có điểm nào hay, điểm nào chưa đạt? Và quan trọng nhất: Mình có thể làm tốt hơn hay không?", Christine Hà nói và cho biết nếu giữ được tâm thế như vậy khi bước vào nghề bếp, các bạn trẻ sẽ không ngừng tiến bộ.
Cũng tại buổi trò chuyện, khi chia sẻ về bí quyết giúp chinh phục cuộc thi các món ăn dù khiếm thị, Christine Hà cho biết nấu ăn là một quá trình sáng tạo đòi hỏi sự tổng hợp của tất cả giác quan.
Vì vậy nếu thị giác yếu vẫn có thể dùng 4 giác quan còn lại để bù đắp. Chẳng hạn để biết mình trình bày một món ăn có ổn hay chưa, cô thường dùng những… đầu ngón tay để sờ và cảm nhận. Cô ví von các đầu ngón tay của mình đã làm thế phần việc cho đôi mắt.
"Tôi bị mất thị giác khi đã trưởng thành. Tôi có một khoảng thời gian thời trẻ có thể nhìn thấy. Vì thế, tôi còn nấu ăn bằng trí nhớ, hồi tưởng những món ăn mà mình từng được ăn, từng được nhìn thấy khi còn trẻ", Christine Hà nói.
Biến tấu món Việt phục vụ khách Mỹ
Trả lời câu hỏi về cách phục vụ những món ăn Việt Nam cho các khách hàng Mỹ trong khi cả hai lại có khẩu vị khác nhau, Christine Hà cho biết mình cảm nhận được rất rõ nét khác biệt văn hóa trong ẩm thực. Nơi cô sinh trưởng là bang Texas có gu ăn uống rất đặc trưng.
Cô rất thích những món Việt như mắm tôm, mắm nêm nhưng lại khó có thể sử dụng nhiều tại những nhà hàng nơi đây. Ngay cả nước mắm cũng chỉ dùng một cách hạn chế nếu phục vụ cho khách Mỹ, để vừa giữ được mùi vị của món ăn nhưng vẫn không gây "sốc" cho thực khách.
Hay tại nhà hàng mà cô đang quản lý, món chả cá quen thuộc của người Việt cũng được điều chỉnh cho ra tỉ lệ chả và cá cho phù hợp khẩu vị của khách ăn ở Texas.
Theo quan điểm của đầu bếp Christine Hà, không nhất thiết phải giữ "nguyên bản" của những món ăn gốc. Khi bước ra thế giới, các nguyên liệu hay món ăn buộc phải biến tấu để hướng đến những thực khách mà các bạn đang phục vụ.
Không thể phục vụ một món theo cách người đầu bếp muốn nấu, mà là cách phần đông thực khách muốn ăn. "Sáng tạo là trách nhiệm của người đầu bếp, tuy nhiên họ cũng cần biết đâu là những phần nên biến tấu và đâu là những phần cần đặc trưng cần giữ lại cho món ăn", cô nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận