Chàng lãng tử Trịnh Công Sơn ở phố núi Đà Lạt - Ảnh: tư liệu
Như một duyên nợ cứ thôi thúc tôi đi tìm những câu chuyện, những con người từng gắn bó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Lần này, cơ may tôi lại được gặp những dấu ấn sinh động của chàng lãng tử họ Trịnh ở miền sương khói Đà Lạt.
Cuộc tao ngộ Trịnh Công Sơn - Khánh Ly
Quán cà phê Tùng là chốn thân quen. Nơi này vẫn còn giữ một góc nhỏ nơi Trịnh Công Sơn thường ngồi uống cà phê với Khánh Ly.
Trong một lần phỏng vấn, tôi được bà Lê Thị Giác, vợ ông Trần Đình Tùng (chủ quán), cho biết bà và Khánh Ly từng nhận nhau làm chị em. Mỗi đêm khi hát ở hộp đêm về, Khánh Ly thường qua đây ngủ lại với bà. Kể cả sau này, khi Khánh Ly về lại Việt Nam hát, tình cảm ấy vẫn như xưa.
Ca sĩ Khánh Ly tên thật là Lệ Mai. Ngày 15-11-1962, lần đầu tiên Lệ Mai tham gia hát ở Night Club và thường xuyên qua lại hát ở hộp đêm Tulipe Rouge. Vào một ngày gần cuối tháng 8-1964, Trịnh Công Sơn từ B’Lao lên Đà Lạt.
Trước khi vào Tulipe Rouge, cả nhóm bạn bè đến hiệu ảnh Văn Khánh chụp ảnh kỷ niệm. Trong lúc chờ đoàn Thăng Long từ Sài Gòn lên biểu diễn, hộp đêm giới thiệu Lệ Mai ra hát.
Nghe giọng hát lạ, Trịnh Công Sơn ngỡ ngàng, chủ động làm quen. Về sau, mỗi lần lên Đà Lạt, Trịnh Công Sơn thường đến Night Club để nghe Lệ Mai hát. Có lần, ông còn đưa Lệ Mai ra vùng đồi Đà Lạt chơi và nhờ cô hát ca khúc J’entends siffler le train để mang về vùng B’Lao cho bạn bè nghe.
Giáng sinh năm 1965, họa sĩ Đinh Cường tổ chức triển lãm tại Alliance française de Dalat, Trịnh Công Sơn và Lệ Mai lại gặp nhau. Từ đó, mở ra một hành trình mới của cặp đôi trứ danh Trịnh Công Sơn - Khánh Ly.
Võ sĩ judo Trịnh Công Sơn
Một lần, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng hỏi tôi: "Người anh em có biết ông Sơn từng là võ sinh judo không?". Và ông dẫn tôi đến thăm người từng dạy judo cho Trịnh Công Sơn. Đó là võ sư Lê Văn Luyện ở Câu lạc bộ Judo Đà Lạt.
Ông Luyện tiếp chúng tôi bằng cái vỗ vai mạnh đầy thân mật. Ông kể, vào đầu thập niên 1960, ông cùng võ sư Nguyễn Bình, giáo sư Phạm Lợi, võ sư Ishida dạy võ cho sinh viên ở Đại học xá ngã sáu Chợ Lớn.
"Trong số những võ sinh có Trịnh Công Sơn, một người dễ thương, dễ gần và thích hát. Tôi vẫn cảm nhận ở Sơn có gì đó khang khác, mục đích học võ không phải trở thành võ sư mà để có tinh thần thượng võ" - ông Luyện nói.
Sơn luyện tập ở võ đường khoảng một năm thì lên đai cam. Lúc chuẩn bị thi chuyển đai thì Sơn nghỉ, nghe đâu vì bận rộn cùng sinh viên tham gia xuống đường biểu tình. Sau thời gian đó, ông cũng rời đại học xá về Đà Lạt làm việc và dạy võ.
Cuối tháng 8-1964, Trịnh Công Sơn từ B’Lao lên Đà Lạt, ghé thăm võ sư Lê Văn Luyện, sau đó họ cùng vào hộp đêm Tulipe Rouge và vô tình ông trở thành chứng nhân của cuộc tao ngộ Trịnh Công Sơn - Khánh Ly.
Võ judo đã trở thành một dấu sâu đậm trong đời Trịnh Công Sơn, gắn liền với một biến cố thời trẻ ở Huế. Theo lời tự sự của Trịnh, ông đã học judo từ nhỏ ở Huế.
Trong một lần vào năm 18 tuổi (năm 1957), ông cùng em trai ôn luyện môn judo tại nhà, không có lót thảm, chỉ trải chiếu xuống nền nhà. Cậu em trai đã quăng anh Sơn quá mạnh, đập ngực xuống nền nhà, vỡ mạch máu phổi. Sơn phải nằm liệt giường gần hai năm.
Đó là quãng thời gian để ông nghiền ngẫm sách vở, nghe nhạc và tìm đến với việc sáng tác. "Khi rời khỏi giường bệnh, trong tôi đã có niềm đam mê khác - âm nhạc... Khát khao đó đã ẩn chứa từ trong phần sâu kín của tiềm thức bỗng được đánh thức, trỗi dậy..." - Sơn tự sự.
Trịnh Công Sơn và bạn trên đồi Cù (Đà Lạt) - Ảnh: tư liệu
Bài hát lưu lạc tận Paris
Tôi trở về Huế, đến thăm anh Phan Hữu Lượng, cựu trưởng đoàn văn nghệ sinh viên - học sinh Huế những năm 1960 - 1970, để tìm hiểu thêm về Trịnh Công Sơn.
Thật bất ngờ, anh Lượng cho tôi xem bài hát Cho quê hương mỉm cười của Trịnh Công Sơn viết tặng Cao Thị Quế Hương do ông tự hát, một người ở nước ngoài ghi lại, rồi lưu lạc tận Paris.
Về bài hát này, Trịnh Công Sơn từng kể vào năm 1970, trong một đêm không ngủ cùng các sinh viên ở Đại học Huế, ông và các bạn đọc được bài báo viết về Cao Thị Quế Hương, một cô gái Đà Lạt, thoát ly hoạt động nội thành Sài Gòn đến tháng 3-1970 thì bị bắt, bị tra tấn dã man trong tù.
"Trong bóng đêm yên lặng, nỗi đau đớn trên thân xác bạn bè hình như đã trở thành nỗi đau chung trong mỗi con người để cuối cùng òa vỡ ra, dù không ai bảo ai, thành một tiếng hát vừa phẫn nộ vừa trầm hùng.
Gần bốn giờ sáng thì tôi viết xong bài hát để tặng Quế Hương và các bạn trong tù. Bài hát được tập ngay và chúng tôi đã cùng nhau hát cho đến lúc mặt trời lên...".
Trước đó, mùa hè năm 1966, Trịnh Công Sơn và Trần Viết Ngạc lên Đà Lạt gặp Cao Thị Quế Hương và Cao Thu Cúc tổ chức đêm nhạc Trịnh Công Sơn giới thiệu "Ca khúc da vàng" tại Trường tư thục Việt Anh và Viện đại học Đà Lạt. Bà Quế Hương sau này là phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng trước khi nghỉ hưu.
Anh là Trịnh Công Sơn, ở lại với con người
Sau khi được tin Trịnh Công Sơn rời cõi tạm, đã có hàng trăm bài báo viết về ông. Lương y Huỳnh Tấn Đó là người đầu tiên đã tìm mua các bài báo đóng thành tập sách tưởng nhớ Trịnh Công Sơn. Đài PT-TH Lâm Đồng cử ngay một nhóm phóng viên về TP.HCM thực hiện phóng sự "Vĩnh biệt đóa hoa vô thường" tiễn đưa người nhạc sĩ tài hoa.
10 năm sau ngày mất của Trịnh Công Sơn, nhóm văn nghệ Khát Vọng ở Đà Lạt xuất bản một ấn phẩm về Trịnh Công Sơn và cùng Trung tâm Văn hóa Lâm Đồng, Công ty Thành Ngọc, khách sạn Kỳ Hòa tổ chức đêm tưởng niệm "Hát rong qua miền hư ảo" tại đồi Mộng Mơ (Đà Lạt).
Một lời tưởng niệm được đọc trên nền nhạc saxophone ca khúc Một cõi đi về thật thiêng liêng, có đoạn: "Đà Lạt - thành phố ngàn hoa ngưỡng mộ, tri ân anh bằng cách riêng của mình: lặng lẽ âm thầm đốt nến, dâng trầm, uống từng ca từ của anh, cho lòng mình lắng lại, sáng trong; dựng tượng trên đồi cao để có dịp đi về thắp nén nhang thơm...
Và đâu đó trong từng căn nhà nhỏ lại thổn thức những ca khúc mà anh đã từng hiến dâng cho đời... Những đóa hoa tươi thắm được vun xới tưới tắm qua ngày nắng đêm sương, bão dông giá rét và sự chăm chút của người Đà Lạt xin được một lần, xin được vạn lần hiến tặng. Trăm năm sau, nghìn năm sau... anh vẫn là Trịnh Công Sơn ở lại với con người".
Mối tình giấu kín ở thành phố buồn
Tại Đà Lạt, Trịnh Công Sơn đã gặp không ít người đẹp, như Thanh Sâm, Tôn Nữ Kim Phượng, Vân Linh. Nhưng có một phụ nữ đặc biệt, P.T.L. là nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn viết bài hát Như cánh vạc bay.
Năm 1994, trong video "Ru tình", nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho hay bài hát Có một dòng sông đã qua đời được ông viết tại Đà Lạt năm 1966 về một chuyện tình có thật nhưng phải giấu kín.
Bài Hoa vàng mấy độ cũng viết cho một người đẹp Đà Lạt có tên như một loài hoa màu vàng. Câu hát "Về trên phố cao nguyên ngồi/Tiếng gà trưa gáy khan trên đồi..." trong bài Lời thiên thu gọi cũng là cảm hứng từ phố cao nguyên Đà Lạt.
***********
Ngoài xứ Huế quê hương, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gắn bó nhiều vùng đất như Quy Nhơn, B’Lao, Đà Lạt, Sài Gòn và để lại dấu ấn sâu đậm trong sáng tác của ông. Nhưng ít người biết rằng Trịnh cũng có duyên nợ với vùng đất nắng gió và khói lửa Quảng Trị.
>> Kỳ tới: Qua vùng nắng gió Quảng Trị
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận