29/03/2021 09:46 GMT+7

Dấu ấn Trịnh qua miền đất này - Kỳ 2: Chợt nghe quê quán tôi xưa

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - "Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa". Nghe câu hát đó nhiều người hỏi: Trịnh Công Sơn quê quán ở Huế nhưng cụ thể là người làng nào?

Dấu ấn Trịnh qua miền đất này - Kỳ 2: Chợt nghe quê quán tôi xưa - Ảnh 1.

Trịnh Công Sơn thời thiếu niên được mẹ mua cho cây đàn guitare - Ảnh Gia đình nhạc sĩ TCS cung cấp

Hình như chữ "quê nhà" phải được hiểu là ở quê hương đó có một mái nhà của mình. Vì có một mái nhà nên dù lưu lạc ở nơi đất khách quê người thường vẫn có một nỗi hoài hương. Muốn về để được đặt bàn chân lên thềm, để ngắm nhìn lại những kỷ niệm đã trở thành linh hồn của mỗi nơi nằm, ngồi, đi đứng.

Trịnh Công Sơn

Trong bản tiểu sử của ông ghi rằng: quê làng Minh Hương, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên. Một ngôi làng mà ngay người Huế cũng ít biết đến. Chúng tôi đi về vùng phố cổ Bao Vinh ở ngoại ô Huế để tìm lại họ Trịnh và ngôi làng ấy.

Làng Minh Hương xa xưa

Từ phố cổ Bao Vinh phía đông bắc kinh thành Huế theo con đường lớn đi thêm hơn một cây số là gặp làng Minh Hương, nay thuộc phường Hương Vinh, thị xã Hương Trà. 

Các tài liệu lịch sử cho hay khi nhà Minh bị thay thế bởi nhà Thanh, một bộ phận dân các tỉnh ven biển phía nam Trung Quốc đã di cư sang các nước. 

Ở xứ Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã cho phép người Hoa đến định cư tại một số nơi và ra đời các làng cùng mang tên là Minh Hương, trong đó có khu vực phố cảng Thanh Hà (Huế) vào khoảng cuối thế kỷ 17. 

Theo học giả Trần Kinh Hòa (Viện đại học Huế), làng Minh Hương ở phố cảng Thanh Hà thành lập vào khoảng năm 1636. Làng này từng có đến 41 dòng họ từ Trung Quốc sang, trong đó có họ Trịnh.

Qua hơn 200 năm sinh sống trong lòng xứ Huế, người Hoa làng Minh Hương đã trở thành người Huế với nhiều đóng góp lớn cho quốc gia, sản sinh nhiều người con tài đức như tiến sĩ Trần Tiễn Thành - phụ chánh đại thần triều vua Tự Đức, các nhà cách mạng Trần Trinh Linh, Lâm Mậu, Trịnh Xuân An, nữ trí thức Trần Thị Như Mân (vợ giáo sư Đào Duy Anh)... 

Ông Trịnh Hoài Đức, quan hiệp trấn thành Gia Định, cũng là người của họ Trịnh làng Minh Hương, đời ông nội sống ở đây sau đó chuyển vào Biên Hòa.

Họ Trịnh đã rời làng từ lâu lắm

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, họ Trịnh đã có mặt ở làng Minh Hương này ít nhất trên 14 đời. Nhưng gia phả chi nhánh họ Trịnh của Trịnh Công Sơn chỉ chép được bảy đời, kể từ đời thứ nhất là cụ Trịnh Xuân Tăng, đến thân sinh Trịnh Công Sơn là ông Trịnh Xuân Thanh (sinh 1915) là đời thứ năm. 

Ông Thanh có bốn người anh ruột là Trịnh Xuân Nhẫn (còn có tên là Đính), Trịnh Xuân Phong, Trịnh Xuân Vân và Trịnh Xuân Tích. Ông Tích (sinh 1912) chính là người đã đưa ông Trịnh Xuân Thanh lên Buôn Ma Thuột và sinh ra Trịnh Công Sơn ở đó.

Chúng tôi gặp ông Trần Nguyên Đăng, hậu duệ của ngài Trần Tiễn Thành, là người cao niên (86 tuổi) và biết rõ về lịch sử làng Minh Hương. 

Ông Đăng cho biết qua thời gian, dân Minh Hương tiếp tục di cư đi nhiều nơi, nên 41 dòng họ ban đầu chỉ còn khoảng 10 họ, nhưng họ Trịnh thì tuyệt tích, không còn một dấu vết gì ở làng, kể cả mồ mả. Ông Đăng tìm hiểu thì biết rằng chi nhánh họ Trịnh của Trịnh Công Sơn đã di cư lên sinh sống ở vùng Bến Ngự.

Bến Ngự, đó là nơi ông Trịnh Xuân Thanh sinh ra và lớn lên, cũng là nơi ông đưa vợ con rời Buôn Ma Thuột năm 1943 trở về sống. Và quãng đời niên thiếu của cậu bé Trịnh Công Sơn đã gắn liền với ngôi nhà ở dốc Bến Ngự, với ngôi trường tiểu học Nam Giao, chùa Phổ Quang - nơi ông đã quy y thành phật tử...

Dấu ấn Trịnh qua miền đất này - Kỳ 2: Chợt nghe quê quán tôi xưa - Ảnh 3.

Chiếc ghế và bàn viết của Trịnh Công Sơn năm xưa vẫn còn ở Gác Trịnh - Ảnh: MINH TỰ

Bến Ngự thời niên thiếu

Có một người bạn thời niên thiếu Bến Ngự với Trịnh Công Sơn mà ít người biết đến, cũng tên là Thanh như hai người tên Thanh khác ở Huế. 

Đó là Trần Văn Thanh, thầy giáo tiếng Anh hiện đang sống ở Đà Nẵng (hai người kia là Trương Văn Thanh - chơi violon và La Quang Thanh thổi hắc tiêu trong ban nhạc ở Trường sư phạm Quy Nhơn). 

Ông giáo Thanh cùng tuổi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939) lại ở cùng một đường kiệt (hẻm) trên đường Van Vollenhoven (từ năm 1965 có tên là Nguyễn Hoàng, nay là đường Phan Bội Châu), lưng chừng dốc Bến Ngự. 

Vì vậy, trò Thanh và trò Sơn tuy học khác lớp nhưng chung đường đến trường. Trịnh Công Sơn bắt đầu đi học lớp 5 (tức lớp 1 bây giờ) Trường tiểu học Nam Giao (nay là Trường tiểu học Trường An) vào niên khóa 1945-1946.

Nơi gia đình Trịnh Công Sơn ở bấy giờ chính là nơi ông bà nội của cậu ta sinh sống, sau này là ông Trịnh Xuân Đính, bác ruột ông Sơn, ở và lo việc thờ tự. Ngôi nhà ấy bây giờ nằm ở 101/2 Phan Bội Châu, trước cửa chính vào nhà có gắn tấm bảng bằng chữ Hán "Nam Trịnh Đường". 

Trong ngôi từ đường ấy có bát hương và di ảnh Trịnh Công Sơn, hậu duệ đời thứ sáu của chi nhánh họ Trịnh này. Từ nhà Trịnh đi xuôi dốc Bến Ngự khoảng 200m rẽ phải dọc theo đường sắt sẽ gặp một ngôi chùa cổ tên là Phổ Quang. 

Đó là nơi Trịnh Công Sơn và toàn thể gia đình đã quy y tam bảo, trở thành Phật tử với pháp danh Nguyên Thọ vào cuối năm 1955, sau khi thân phụ qua đời bởi tai nạn giao thông trên đường từ Quảng Trị về Huế.

Ngã Giữa và tiệm Thanh Tâm

Sáu năm sống ở Bến Ngự (1943-1949), ông Trịnh Xuân Thanh liên tục bị bắt giam vì tham gia hoạt động chống Pháp. 

"Thời gian này tại Huế, mẹ tôi và tôi thay nhau đi thăm nuôi và năm 1949 tôi được vào nhà lao Thừa Phủ ở cùng ba tôi, một năm trước khi cả gia đình kéo nhau vào Sài Gòn", Trịnh Công Sơn viết như thế trong bài "Nỗi ám ảnh thời thơ ấu". 

Gia đình Trịnh vào sống ở Sài Gòn từ năm 1949 đến 1954. Sau hiệp định Geneve, khoảng tháng 8-1954 họ trở về lại Huế và mở tiệm Thanh Tâm buôn bán xe đạp, ban đầu ở phía đường Hàng Bè, sau chuyển qua nhà số 79B đường Gia Long (thường gọi là Ngã Giữa, nay là đường Phan Đăng Lưu).

Đó là nơi đôi bạn Bửu Ý - Trịnh Công Sơn tình cờ gặp nhau lần đầu tiên và không ngờ đã trở nên thân thiết cho đến khi nhạc sĩ họ Trịnh rời cõi tạm. 

Đó cũng là nơi họa sĩ Đinh Cường, một người bạn tri âm tri kỷ, thường tới lui vui chơi với Trịnh Công Sơn. Sau nhiều lần chuyển đổi, ngôi nhà ấy nay là tiệm điện tử Sài Gòn, số 111 đường Phan Đăng Lưu, nhưng chủ nhà vẫn giữ lại con số 79B trên góc cửa.

Gác Trịnh và hiện vật đặc biệt

Một ngày cuối tháng 3-2021, tôi trở lại căn gác trên tầng hai khu chung cư bên cầu Phủ Cam, mà người Huế đã quen với tên gọi: Gác Trịnh. Đây là nơi gia đình Trịnh Công Sơn chuyển từ Ngã Giữa về sống từ năm 1960 đến 1970.

Căn gác ấy là một không gian lãng mạn với hàng cây long não, thấp thoáng ngôi giáo đường và dòng sông nắng đục mưa trong. 

Ca khúc Diễm xưa thấm đẫm thi ca và triết học theo phong cách Trịnh cùng với nhiều tình khúc bất hủ và ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn đã ra đời từ "căn gác đìu hiu" này. 

Đó là nơi diễn ra bao cuộc hội ngộ đầy khí phách của những trí thức trẻ tiêu biểu của Huế và của cả miền Nam bấy giờ: Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đỗ Long Vân, Trịnh Công Sơn, Bửu Ý, Đinh Cường... Là "căn nhà của những gã lang thang" theo cách gọi đầy ẩn dụ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, người đã tiếp tục sống trong căn gác đó sau khi nhạc sĩ Trịnh rời Huế (năm 1979).

Nhà thơ Lê Huỳnh Lâm, người đang quản lý Gác Trịnh, chỉ cho tôi xem một hiện vật đặc biệt vẫn còn giữ nguyên trên góc gác phía sau, nơi Trịnh vẫn thường ngồi viết nhạc. Đó chiếc ghế mà ba nghệ sĩ tài danh Trịnh Công Sơn, Đinh Cường và Bửu Chỉ đã từng ngồi để vẽ chung một bức tranh tràn ngập cảm xúc. 

Họa sĩ Đinh Cường nhớ lại: "Bửu Chỉ vẽ xong rồi tôi vẽ/và Sơn giành vẽ, đẹp vô cùng/chiếc ghế gỗ cây còn không ở đó". Thật tuyệt vời, không chỉ chiếc ghế, mà cả chiếc bàn gỗ Trịnh vẫn thường ngồi viết vẫn còn nguyên trên căn gác này.

------------------------

Trịnh Công Sơn học Trường Sư phạm Quy Nhơn chỉ hai năm nhưng để lại nhiều dấu ấn sâu đậm. Chúng tôi đã trở lại "thành phố mắt đêm đèn vàng" và khám phá thêm nhiều chuyện thú vị về anh giáo sinh Trịnh Công Sơn.

Kỳ tới: Thành phố mắt đêm đèn vàng

Dấu ấn Trịnh qua miền đất này - Kỳ 1: Ngày mẹ cho mang nặng kiếp người Dấu ấn Trịnh qua miền đất này - Kỳ 1: Ngày mẹ cho mang nặng kiếp người

TTO - 20 năm trước, ngày 1-4-2001, nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn trút hơi thở cuối để về với thiên thu.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên