Tưởng niệm 20 năm nhạc sĩ rời “cõi tạm”, phóng viên Tuổi Trẻ đã trở lại những cột mốc trong hành trình 62 năm làm “người hát rong đi qua miền đất này” như lời tự sự của ông, để tìm hiểu thêm cuộc đời nhạc sĩ thiên tài mà người hâm mộ vẫn hằng mong nhưng chưa thể biết đến.
"Trịnh Công Sơn chào đời ngày 28-2-1939 tại Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), nơi cha mẹ ông tạm cư lập nghiệp từ năm 1937". Trong bản tiểu sử nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do gia đình nhạc sĩ cung cấp, cũng như trong hàng chục cuốn sách, hàng ngàn bài báo viết về nhạc sĩ họ Trịnh, cũng chỉ ghi vắn tắt như thế.
Vậy thì nơi cậu bé ấy cất tiếng khóc chào đời, nơi vợ chồng người chủ hiệu may từ Huế đã "cắt rốn chôn nhau" cho đứa con trai và đặt tên là Trịnh Công Sơn ở đâu nơi cao nguyên miền thượng đó?
Tuổi hài đồng là kỷ niệm bất khả tri của đời người. Dù vậy, Trịnh Công Sơn vẫn coi rằng đây là thời kỳ trọng đại nhất trong cuộc đời của anh, và anh cố tìm đọc trong đó những tín hiệu định mệnh mà anh sẽ phải đảm nhận sau này...
Trích bút ký “Địa đàng còn in dấu chân” của Hoàng Phủ Ngọc Tường
Ngày 28-2-1939, làng Lạc Giao
Một ngày giữa tháng 3-2021, chúng tôi nhận được bản sao chụp tờ "chứng thư thay giấy khai sinh" của Trịnh Công Sơn, trong đó ghi nơi sinh: làng Lạc Giao, đạo Darlac (tỉnh Đắk Lắk sau này). Chúng tôi lên Đắk Lắk để tìm về nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cất tiếng khóc chào đời.
Thật may mắn khi vẫn còn hai người thân thuộc của nhạc sĩ đang sinh sống ở đây. Họ là con gái và con trai ông Trịnh Xuân Tích, anh trai của ông Trịnh Xuân Thanh - thân sinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông Trịnh Xuân Ấn (con trai ông Tích) năm nay 72 tuổi (sinh 1949), nhỏ hơn Trịnh Công Sơn 10 tuổi nhưng khá gần gũi với ông Sơn thời trai trẻ.
Ông Ấn cho biết năm 1937, chú ông tức ông Trịnh Xuân Thanh, thân sinh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đưa vợ là bà Lê Thị Quỳnh lên đây lập nghiệp theo lời khuyên của cha ông, tức ông Trịnh Xuân Tích. Trước đó, họ đã sinh con trai đầu lòng tại Huế (năm 1936) nhưng đã mất.
Qua năm 1937, vợ chồng ông Thanh lên đây lập nghiệp mở một tiệm may, và sinh ra Trịnh Công Sơn vào ngày 28-2-1939, nhằm ngày 10 tháng giêng năm Kỷ Mão. Vì vậy, ông Sơn sinh thứ hai nhưng là anh cả của bảy đứa em. Ông Ấn nói hồi đó ai sinh ra ở khu trung tâm này đều ghi khai sinh là "làng Lạc Giao, Ban Mê Thuột".
Lạc Giao là ngôi làng đầu tiên của người Kinh từ các tỉnh Trung Kỳ lên đây lập nghiệp và lập làng vào khoảng cuối thập niên 1910. Theo tài liệu lịch sử Buôn Ma Thuột, ban đầu xóm người Kinh chỉ vài nóc nhà, bên cạnh buôn của tù trưởng Ama Thuột.
Năm 1928, làng người Kinh chính thức có tên là Lạc Giao với ý nghĩa: Lạc là con Lạc cháu Hồng, Giao là bang giao với người Thượng. Làng Lạc Giao mở rộng dần ra cả một khu vực rộng lớn, tạo thành khu phố người Việt ở trung tâm thị xã, thường gọi là phố An Nam của người Việt, nằm cạnh khu phố Tây của người Pháp. Dấu tích làng Lạc Giao xưa đó là đình làng vẫn còn tọa lạc ở đường Phan Bội Châu bây giờ.
Cậu bé Trịnh Công Sơn lúc sơ sinh ở Ban Mê Thuột - Ảnh: Gia đình nhạc sĩ TCS cung cấp
Nhà may Kam Tik hay Taylor Trịnh Xuân Thanh?
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, trong cuốn sách Trịnh Công Sơn có một thời như thế, ông Trịnh Xuân Thanh có nghề may áo quần tây mà người Huế bấy giờ hay gọi là "đóng đồ tây". Ông Thanh học nghề may từ cụ Lê Minh, và được thầy gả cô con gái tên Lê Thị Quỳnh (còn có tên là Hòe) làm vợ vào năm 1935 tại Huế.
Năm 1937, theo lời khuyên của anh trai Trịnh Xuân Tích, vợ chồng ông Thanh - bà Quỳnh lên Ban Mê Thuột lập nghiệp và mở tiệm may đặt tên là Kam Tik. Tiệm may của họ làm ăn rất phát đạt. Năm 1939, cậu bé Trịnh Công Sơn ra đời trong điều kiện thuận lợi như thế.
Nhà văn Sâm Thương trong bài "Thời thanh xuân của Trịnh Công Sơn" cung cấp những thông tin tương tự, và cho biết rõ hơn: "cửa hiệu may mặc Kam Tik trên đường Nguyễn Thái Học (nay là đường Điện Biên Phủ), cạnh rạp chiếu bóng Buôn Ma Thuột".
Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Ấn, người anh con bác ruột của nhạc sĩ, cho biết trong một tấm ảnh ông đang lưu giữ thì tiệm may của chú ông có tên là "Taylor Trịnh Xuân Thanh". Ông Thanh thuê lại một căn nhà mặt phố ở đường Lý Thường Kiệt để mở tiệm may và cũng là nhà ở của gia đình.
Vị trí căn nhà đó bây giờ là chỗ quán Nem Việt - nem nướng Ninh Hòa, 14-16 Lý Thường Kiệt, gần ngã tư giao với đường Nơ Trang Long. Ông Ấn biết được điều đó là do mẹ ông, một người gốc Ninh Hòa, chỉ cho ông rõ khi ông Thanh đã rời Ban Mê Thuột. Ông Ấn nhớ lại: "Trong một lần núp mưa ở đó, mẹ tôi chỉ: đây là nhà mà chú Thanh đã mướn làm tiệm may".
Ông Trịnh Xuân Thanh và con trai Trịnh Công Sơn - Ảnh: Gia đình nhạc sĩ TCS cung cấp
Nơi chôn rau cắt rốncủa cậu bé Trịnh Công Sơn
Ông Ấn cũng nghe người nhà nói "chú Sơn sinh ra là nhờ bà đỡ tên bà Pùi ở nhà bảo sanh Phước Sanh". Bà Pùi đã qua đời nhưng con cái bà vẫn còn ở đây. Chúng tôi cùng ông Ấn đến gặp chị Trần Quế Lan, con gái bà Pùi, hiện sống ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Buôn Ma Thuột.
Chị Lan cho biết mẹ chị là bà Lâm Hy, chủ nhà bảo sanh Phước Sanh ở số 79 (cũ) đường Quang Trung. Chồng bà Lâm Hy là ông Trần Ngọc Bùi, người Hoa từ Sài Gòn lên đây lập nghiệp khoảng 1938. Người Hoa ở khu vực này thường phát âm "bà Bùi" thành "bà Pùi" nên từ đó ai cũng gọi là "nhà bảo sanh bà Pùi".
Chị Lan cho biết ban đầu mới lên đây, bà Pùi chỉ đi đỡ đẻ ở nhà sản phụ, do bấy giờ người ta vẫn còn sinh con ở nhà. Đến năm 1957 bà Pùi mới mở nhà bảo sanh Phước Sanh thuộc xã Lạc Giao, Ban Mê Thuột. "Có thể năm đó (1939) má tôi đã đến nhà để đỡ đẻ cho má anh Sơn" - bà Lan nói.
Ông Trịnh Xuân Ấn cũng đồng ý với điều mà chị Lan đưa ra, nhưng do những người đương thời không còn, mà tư liệu liên quan thì quá ít ỏi nên vẫn chưa thể xác định cụ thể nơi cậu bé Trịnh Công Sơn cất tiếng khóc chào đời. Chỉ biết rằng cuống rốn của cậu bé ấy đã được chôn xuống và hòa tan trong đất đỏ của làng Lạc Giao, Ban Mê Thuột. Những bước đi chập chững đầu đời của nhạc sĩ thiên tài Trịnh Công Sơn in dấu trên mảnh đất này.
Cũng vào năm Trịnh Công Sơn chào đời (1939), Chiến tranh thế giới thứ hai đã bùng nổ ở châu Âu. Những chấn động của cuộc chiến lan sang Đông Dương và lan lên đến tận vùng đất cao nguyên này. Đời sống người dân vì vậy càng khó khăn hơn.
Ông Ấn cho hay tiệm may của ông Trịnh Xuân Thanh chuyên may áo quần cho quan và lính Pháp nên rất khấm khá. Nhưng rồi một lần vì không chịu được sự bạo ngược của lính tây, ông Thanh đã xung khắc với một viên cảnh sát Pháp đến mức căng thẳng. Vì vậy năm 1943, ông Thanh đã đưa vợ và hai con trai nhỏ về lại Huế (một người em kế ông Sơn sinh 1941). Năm đó, cậu bé Trịnh Công Sơn mới 4 tuổi, đã rời xa nơi chốn khởi đầu "mẹ cho mang nặng kiếp người".
Kỳ tới: Chợt nghe quê quán tôi xưa
Trịnh Công Sơn quê quán ở Huế nhưng cụ thể là người làng nào? Trong bản tiểu sử của ông ghi rằng: quê làng Minh Hương, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên. Một ngôi làng mà ngay người Huế cũng ít biết đến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận