Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc buổi tọa đàm - Ảnh: TỰ TRUNG |
Tọa đàm đã nhận được 130 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà sử học, chính trị gia… tên tuổi như Phan Huy Lê, Huỳnh Lứa, Tạ Ngọc Tấn, Đinh Quang Hải, Vũ Quang Đạo, Võ Văn Sen, Hà Minh Hồng, Mai Quốc Liên, Phan Xuân Biên, Phạm Phương Thảo, Quách Thu Nguyệt… Tất cả đều tự hào nhận mình là học trò, là thế hệ đi sau của thầy Trần Văn Giàu.
Rất nhiều câu chuyện, dấu ấn lịch sử của Trần Văn Giàu ở Sài Gòn những tháng năm lịch sử đã được nhắc lại: ông đã từng theo học ở Chasseloup Laubat (nay là trường PTTH Lê Quí Đôn - PV), đã từng lãnh đạo cuộc cách mạng tháng Tám 1945 ở Nam kỳ với vai trò Bí thư Xứ ủy, từng đứng trên lễ đài tuyên bố độc lập, rồi lại tự tay viết lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến… Dấu ấn của ông với lịch sử Sài Gòn - TP.HCM là không thể phai mờ.
Sau hai cuộc kháng chiến dài, ngày thống nhất ông trở lại TP.HCM với vai trò một nhà giáo, nhà khoa học, thầy của các nhà sử học.
Ông đau đáu với việc viết lại bộ sử Việt Nam thật chính xác và hấp dẫn, đặc biệt là miền Nam với sự hình thành từ mảnh đất, con người, tư tưởng qua từng giai đoạn lịch sử.
Đích thân ông đã là tác giả hàng trăm công trình, tự tay viết hàng vạn trang sử nhưng vẫn chưa thấy đủ. Tủ sách của mình, ông gửi tặng làm thư viện. Căn nhà của mình, ông bán gây quĩ làm giải thưởng dành riêng cho những công trình nghiên cứu lịch sử miền Nam.
Cuộc đời trăm năm của giáo sư Trần Văn Giàu nhiều thành quả và tất nhiên nhiều chông gai, thác ghềnh. “Ông là người thấm nỗi đau nhân thế”, nhiều học trò của ông nghẹn lời khi phát biểu.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang phát biểu bế mạc buổi toạ đàm - Ảnh: TỰ TRUNG |
Ông Tất Thành Cang, phó Bí thư Thành ủy xúc động kết luận: “Có những bước ngoặt trong cuộc đời mấy ai biết nông sâu, nhưng bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, tên tuổi Trần Văn Giàu luôn là sự khẳng định về uy tín của một người chính trực, thể hiện sâu sắc một tinh thần cách mạng cao quí, kiên định gian nan không lùi bước, hiểm nguy không sờn lòng".
"Có những thăng trầm đầy gian khó đặt đồng chí trước những thử thách khắc nghiệt, nhưng chính thử thách ấy đã rèn luyện sự kiên định, lòng trung thành của một nhân cách lớn. Nhân cách, phẩm chất, lý tưởng của người cộng sản kiên trung, mẫu mực đã đưa tên tuổi, hình ảnh đồng chí trở thành hình tượng mẫu mực của nhân sĩ Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung”.
Sống trọn một thế kỷ đầy biến động và thay đổi, lúc mất đi ông vẫn còn tiếc là chưa được xem thêm, nhìn thêm, ngắm thêm nước Việt Nam vươn đến hùng cường; vẫn còn đau đáu là những trang sử mới chỉ vẽ được lớp vecni bên ngoài của khối gỗ lịch sử ngàn năm của dân tộc.
Ông để lại cho học trò, thế hệ đi sau những đề bài, những yêu cầu, thúc giục phải tiếp tục làm việc, tiếp tục nỗ lực.
Cái tên Trần Văn Giàu vì thế đã, đang và sẽ vẫn còn gắn bó với lịch sử Sài Gòn - TP.HCM hôm qua, hôm nay và những ngày tháng sau này nữa.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang (trái) dìu nhà lão thành cách mạng Nguyễn Thọ Chân, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh xã hội tại buổi toạ đàm - Ảnh: TỰ TRUNG |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận