Lần đầu tiên thể thao Việt Nam giành 136 huy chương vàng và đứng đầu bảng tổng sắp trong một kỳ SEA Games tổ chức bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ý chí, nghị lực phi thường và sự xuất thần của các VĐV đã làm nên thành công của thể thao Việt Nam tại đại hội.

Tối 17-5, ngọn đuốc SEA Games 32 đã tắt trên sân vận động Morodok Techo, kết thúc 3 tuần tranh tài đỉnh cao của thể thao Đông Nam Á. SEA Games 32 đã khép lại, nhưng những xúc cảm về tinh thần thể thao cao thượng, nỗ lực thi đấu để mang vinh quang về cho tổ quốc của các VĐV thì còn mãi trong lòng người hâm mộ.

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 1.
Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 2.

Nguyễn Thị Oanh đã đi vào lịch sử điền kinh Việt Nam khi giành 12 HCV cá nhân SEA Games

Không ai khác, VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh chính là nhân vật nổi bật nhất SEA Games 32 của đoàn thể thao Việt Nam. Cô gái bé nhỏ quê Bắc Giang đã thiết lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi giành bốn huy chương vàng cá nhân ở bốn nội dung "khủng" tại đại hội là: 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m, 10.000m. Thành tích này đã nâng tổng số huy chương vàng Oanh giành được trên đấu trường SEA Games lên con số 12.

Điều đáng nói, Nguyễn Thị Oanh thi hai nội dung trong chiều 9-5 và giành cả hai huy chương vàng ở cự ly 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Lịch thi đấu của hai nội dung chỉ cách nhau 20 phút, Oanh vì thế vừa chạy như bay về nhất cự ly 1.500m sau đó đã chạy đến khu vực xuất phát cự ly 3.000m vượt chướng ngại vật để chạy tiếp. Cô đánh bại mọi đối thủ để giành cả hai huy chương vàng. Thành tích của Nguyễn Thị Oanh không chỉ tạo lập kỷ lục điền kinh Việt Nam mà với cả thể thao Đông Nam Á.

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 3.

Bước chạy thần tốc của Oanh trong chiều 9-5, cô thi 1.500m xong lại tiếp tục thi 3.000m vượt chướng ngại vật và giành 2 HCV chỉ trong hơn 30 phút

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 4.
Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 5.

Những tấm huy chương vàng SEA Games trở nên đáng giá hơn nữa khi gắn liền với các kỷ lục. Xét trên tiêu chí này, kình ngư Phạm Thanh Bảo là một trong những VĐV xuất sắc nhất SEA Games 32. Anh không chỉ giành huy chương vàng hai nội dung 100m và 200m ếch mà còn phá kỷ lục SEA Games cả hai nội dung này.

Từ một năm trước, người hâm mộ môn bơi đã ưu ái đặt cho Phạm Thanh Bảo cái biệt danh dí dỏm "hoàng tử ếch". Đơn giản là bởi Bảo sở trường các cự ly bơi ếch.

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 6.

Kình ngư Phạm Thanh Bảo đã giành 2 HCV, lập 2 kỷ lục cự ly 100m, 200m ếch tại SEA Games 32

Thanh Bảo nổi lên từ SEA Games 30 trên đất Philippines. Ở tuổi 18 khi đó, kình ngư quê Bến Tre đã đoạt 2 tấm huy chương bạc nội dung 100m và 200m ếch. Đến 3 năm sau ở SEA Games 31 tại sân nhà, Thanh Bảo "vượt vũ môn", đoạt hai huy chương vàng các nội dung 50m ếch và 100m ếch. Thành tích này một phần nhờ vào việc nhóm những kình ngư hàng đầu khu vực nội dung bơi ếch như Lionel Khoo (Singapore), James Deiparine (Philippines), Nuttapong Ketin (Thái Lan) đều đã chạm ngưỡng 30 tuổi.

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 7.

Thanh Bảo tỏa sáng trên đường đua xanh SEA Games 32.

Nhưng đến SEA Games năm nay, Thanh Bảo chứng minh anh là ông vua bơi ếch thực thụ của khu vực bằng việc phá các kỷ lục. Theo định hướng của ban huấn luyện, kình ngư 22 tuổi tập trung vào 2 cự ly 100m, 200m. Ở đường đua 100m, anh đạt thành tích 1 phút 0,97 giây (kỷ lục cũ là 1 phút 1,46 giây). Còn ở đường đua 200m, Bảo phá kỷ lục cũ 2 phút 11,93 giây (của Maximillian Ang) đầy kịch tính với thành tích 2 phút 11,45 giây.

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 8.

Song hành cùng kỳ tích đó là một câu chuyện xúc động, khi Thanh Bảo cho biết gửi tặng những tấm huy chương của mình đến bà nội. Vì đi tập huấn, Bảo không thể về chịu tang bà nội. Kình ngư người Bến Tre còn là câu chuyện điển hình của nỗ lực vươn lên từ nghèo khó.

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 9.
Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 10.

Màn ăn mừng bàn thắng thứ 2 vào lưới Myanmar trong trận chung kết của Thanh Nhã và các đồng đội

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã lập kỷ lục bốn lần liên tiếp giành huy chương vàng SEA Games sau khi đánh bại đối thủ khó chịu Myanmar 2-0 trong trận chung kết SEA Games 32.

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 11.

Huỳnh Như duyên dáng với chiếc nón lá Việt Nam khi lên bục nhận HCV

Đây là kỳ tranh tài không hề dễ dàng với thầy trò HLV Mai Đức Chung khi nằm ở bảng đấu "tử thần" với 2 đối thủ mạnh Philippines và Myanmar. Đội lại không có trung vệ số một Chương Thị Kiều vì chấn thương. Nhưng với tài cầm quân của HLV Mai Đức Chung, đội tuyển nữ Việt Nam đã vào đến trận chung kết. Tại đây, các cô gái Việt Nam đã đánh bại Myanmar 2-0 để lần thứ 8 vô địch SEA Games trong lịch sử 13 lần đại hội tổ chức môn bóng đá nữ. Hơn 3 huy chương vàng so với đại kình địch Thái Lan.

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 12.

Bản thân HLV Mai Đức Chung cũng trở thành HLV thành công nhất trong lịch sử bóng đá nữ Việt Nam và khu vực. Ông đã đưa đội tuyển nữ Việt Nam giành 6 huy chương vàng SEA Games.

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 13.

Đội tuyển nữ Việt Nam lập kỳ tích 8 lần vô địch SEA Games, trong đó có 4 lần liên tiếp.

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 14.

Ông Đặng Hà Việt - trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - cho biết sự xuất sắc của VĐV điền kinh Trần Thị Nhi Yến chính là một trong những dấu son của thể thao Việt Nam tại đại hội.

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 15.

Trần Thị Nhi Yến (số đeo 558) được kỳ vọng là “nữ hoàng tốc độ” mới của điền kinh Việt Nam

Trần Thị Nhi Yến năm nay mới 18 tuổi, cao 1,73m và có chưa đầy 1 năm theo đuổi sự nghiệp thể thao đỉnh cao. Cô gái Long An lần đầu được tham dự SEA Games và cũng là lần đầu ra nước ngoài thi đấu. Vậy nhưng Nhi Yến đã giành 1 huy chương đồng cự ly 100m với thời gian 11 giây 75. Cô giành thêm một tấm huy chương bạc cự ly 200m với thời gian 23 giây 54. Màn ra mắt ấn tượng khiến Nhi Yến được kỳ vọng có thể nối gót đàn chị Lê Tú Chinh để sớm trở thành "nữ hoàng tốc độ" mới của điền kinh Việt Nam.

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 16.

Nhi Yến “sốc” khi giành HCĐ 100m với thời gian 11 giây 75. Cô chụp cùng HLV Thanh Hương sau khi cán đích

Ông Đặng Hà Việt cho biết ngành thể thao sẽ đầu tư trọng điểm để 2-3 năm nữa Nhi Yến có thể chạy 100m với khoảng 11 giây 20 và có cơ hội giành huy chương châu Á.

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 17.
Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 18.
Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 19.

Lý Hoàng Nam bị đau dạ dày, ói ngay trong trận chung kết đơn nam

Không thể bảo vệ huy chương vàng SEA Games 32 nhưng hình ảnh của tay vợt Lý Hoàng Nam tại đại hội đã làm nhiều người xúc động. Tại SEA Games 32, Lý Hoàng Nam đã có một hành trình khắc nghiệt, gian khổ. Anh không chỉ phải thi đấu với các tay vợt khác, mà còn phải chiến đấu với những cơn đau xuất phát từ bên trong cơ thể.

Trận chung kết đơn nam gặp Muhammad Rifqi Fitriadi (Indonesia), Lý Hoàng Nam lộ rõ dấu hiệu mệt mỏi. Anh thi đấu dưới phong độ, thường xuyên đánh hỏng và không tích cực đuổi theo bóng mỗi khi Fitriadi tấn công. Lý do bởi Lý Hoàng Nam bị đau dạ dày trong suốt quá trình tham dự SEA Games.

Để vào đến trận chung kết, Lý Hoàng Nam đã phải chiến đấu cật lực bằng tất cả sức mạnh thể chất, tinh thần mình có khi mà cứ ăn vào là anh lại bị ói, bụng đau quằn quại. Trong trận đấu cuối, thậm chí Nam đã ói ngay trên sân. Thế nhưng thay vì bỏ cuộc, Lý Hoàng Nam đã thi đấu đến cuối cùng dù không thể bảo vệ huy chương vàng mình đã giành được ở SEA Games 31 trước đó. Tinh thần thi đấu tuyệt vời, quyết không từ bỏ của tay vợt số 1 Việt Nam cũng là hình ảnh đẹp, xúc động của thể thao Việt Nam tại SEA Games 32.

Dấu ấn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 - Ảnh 20.

Lý Hoàng Nam không bỏ cuộc dù đau đớn, kiệt quệ thể xác tại SEA Games 32

KHƯƠNG XUÂN - HUY ĐĂNG - ĐỨC KHUÊ - NGUYÊN KHÔI
NAM TRẦN - NGUYÊN KHÔI - ĐỨC KHUÊ
AN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0