Apphich chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Trả lời Tuổi Trẻ, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình nói phòng chống tham nhũng được xem là dấu ấn nổi bật nhất trong nhiệm kỳ XII của Đảng. Mục tiêu đích thực của phòng chống tham nhũng là xây dựng bộ máy trong sạch, đội ngũ cán bộ liêm chính.
Ông Nguyễn Hòa Bình nói, mấy năm qua có một điều dần quen thuộc, đó là việc người dân chờ đợi kết quả các phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng.
Hoạt động của Ủy ban Kiểm tra một thời gian dài được xem là thông tin bí mật nhưng bây giờ được công khai, đây là điểm mới của nhiệm kỳ này.
"Vì sao người dân chờ đợi? Bởi vì họ biết mỗi phiên họp sẽ có những quyết định quan trọng về công tác chỉnh đốn xây dựng Đảng, thiết lập kỷ cương, kỷ luật. Và qua đây, người dân hiểu được cuộc đấu tranh này đã diễn ra thực chất như thế nào. Đồng thời cũng giám sát việc làm của Đảng, nói là phải làm, chứ không phải nói rồi giấu giếm" - ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Không còn "đánh từ vai đánh xuống"
* Với hai vai - chánh án TAND tối cao và thành viên Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, ông đánh giá những điểm nào thật sự là mới, đột phá về kết quả phòng chống tham nhũng của nhiệm kỳ này?
- Trong nhiệm kỳ vừa qua, tòa án đã đưa ra xét xử 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ với 14.540 bị cáo. Nhưng còn có những điều thuyết phục hơn khi nhiều vụ án thuộc những lĩnh vực xưa nay ít được quan tâm như lĩnh vực ngân hàng được đưa ra xét xử.
Bắt đầu từ vụ ACB đến Ngân hàng Xây dựng, Oceanbank... lần lượt được đưa ra xét xử. Những lĩnh vực xưa nay ít được "rờ đến" như quốc phòng, các hoạt động nghiệp vụ của công an mà vụ án của Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") là điển hình.
Việc xử lý các cá nhân vi phạm là không có vùng cấm, từ ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang... có sai phạm đều bị đưa ra xét xử.
Cuộc đấu tranh trải qua giai đoạn tố tụng bắt đầu bằng điều tra, truy tố, xét xử thì tòa án là khâu cuối cùng. Nhân dân hoan hỉ hay không chính là ở khâu này, tin hay không tin chính là ở chỗ bản án nghiêm hay không nghiêm.
Có một thời người ta nói chống tham nhũng chỉ "đánh từ vai đánh xuống", nhưng bây giờ chuyện này không còn. Chúng ta đã đi từ xử lý về kỷ luật Đảng đến xử lý bằng các bản án rất nghiêm. Đối tượng chức vụ càng cao thì mức án càng cao, gần như kịch khung, khoản pháp luật cho phép.
Bản án làm cho các đối tượng tham nhũng khuất phục và thuyết phục được người dân. Chính vì vậy không ít bị cáo khi ra tòa xin lỗi Đảng, xin lỗi Tổng bí thư, nhận trách nhiệm, thậm chí khóc tại phiên tòa, ăn năn nhận ra sai sót.
Việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng là điểm nhấn quan trọng, tỉ lệ thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng của thế giới không quá 10% nhưng của chúng ta là 40%, cá biệt có những vụ án thu hồi 100%. Đây là nỗ lực rất lớn.
Xử lý nghiêm nhưng không phải chỉ chú trọng răn đe, mà các bản án cũng luôn có yếu tố nhân văn, nhân đạo.
Ví dụ trong vụ Oceanbank, Đại Tín hay ACB, nhiều nhân viên tham gia chu trình tham nhũng là những người làm công ăn lương, bị phụ thuộc vào cấp trên, không hưởng lợi từ tài sản tham nhũng và tòa đã ân giảm rất nhiều, thậm chí miễn truy tố. Việc này được thống nhất rất cao trong các cơ quan tiến hành tố tụng.
* Đối với công tác của các cơ quan tố tụng, nhất là ngành tòa án, sau những đại án tham nhũng, kinh tế được đem ra xét xử thì có những bài học gì để tiếp tục công cuộc này?
- Không phải chỉ việc tuyên án 5, 10 hay 20 năm, mà HĐXX rất đề cao việc đưa ra các kiến nghị trong bản án. Ví dụ với Trịnh Xuân Thanh, ban đầu bị xét xử về tội cố ý làm trái, nhưng HĐXX thấy Trịnh Xuân Thanh phạm tội tham ô và kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ. Từ kiến nghị này, bản án tiếp theo kết án Trịnh Xuân Thanh về tội tham ô.
Lúc đó dư luận thế giới mới bị thuyết phục, bởi công ước của Liên Hiệp Quốc người ta chỉ nói về tham ô, hối lộ chứ không có tội cố ý làm trái.
Tòa cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm của những người có chức vụ, quyền hạn. Ví dụ, kiến nghị xử lý trách nhiệm với ông Đặng Thanh Bình - cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - đã bổ nhiệm Phạm Công Danh sai, không đủ tiêu chuẩn, gây thất thoát lớn.
Hoặc kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước trong việc khắc phục những kẽ hở, thiếu sót về mặt thực thi pháp luật như quản lý đánh bạc trên mạng, khắc phục các sơ hở trong việc quản lý ngân hàng...
Theo tôi, đây là một thành công nữa của các bản án đã tuyên.
Ông Nguyễn Hòa Bình - bí thư Trung ương Đảng, chánh án TAND tối cao - Ảnh: T.T.
Bắt bớ không bao giờ là mong muốn
* Các bản án về tham nhũng như ông nói là "kịch khung, khoản" theo pháp luật cho phép. Vậy đã có thể tiến tới mục tiêu lớn hơn là làm cho người có khả năng tham nhũng biết sợ, không dám tham nhũng nữa?
- Chống tham nhũng có mục tiêu cao nhất không phải để bắt ông nọ ông kia, không phải hướng đến việc có nhiều quan chức ra tòa, với mức án cao, mà phải xây dựng một đội ngũ cán bộ không tham nhũng.
Hướng đến mục tiêu như vậy thì không chỉ phải làm cho cán bộ, đảng viên không dám tham nhũng mà còn phải không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng.
Chính vì vậy, song song với việc đấu tranh chống tội phạm tham nhũng quyết liệt, không có vùng cấm thì phải đặc biệt coi trọng việc phòng ngừa tham nhũng. Phòng ngừa bằng giáo dục cán bộ, bằng các thiết chế về quản lý kinh tế, về công tác cán bộ để người ta muốn tham nhũng cũng không được.
Các quy định phải rất chặt chẽ, về quản lý cán bộ, về kỷ luật Đảng, về kiểm soát tài sản, thu nhập. Có cách nhìn chiến lược như vậy thì mới bền vững.
Tôi tin rằng người dân không chờ đợi bắt cho nhiều, án tuyên cho cao. Điều người dân chờ đợi nhất là một đội ngũ cán bộ liêm chính, trong sạch. Bắt bớ không bao giờ là mong muốn của dân. Đảng, Nhà nước cũng không bao giờ lấy đó làm mục tiêu.
* Vậy còn bài học về lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, chúng ta có kinh nghiệm gì từ những đại án xét xử nhiều quan chức cao cấp, chưa từng có tiền lệ trong tố tụng và chống tham nhũng?
- Phải kiểm soát rất chặt chẽ, những ai có dấu hiệu phải loại trừ từ sớm. Khi ai đó có vấn đề, người ta thường đòi hỏi "chứng cứ đâu?". Đúng là tìm chứng cứ thì không thể có ngay được.
Nhưng nếu hỏi ông, bà này có trong sạch hay không thì người dân, cấp dưới, qua công việc, qua điều hành, qua cuộc sống hằng ngày, đều biết cả. Có khi chưa có chứng cứ gì nhưng bảo người đó trong sạch thì người dân không tin, đó là điều phải suy nghĩ.
Cho nên trong công tác cán bộ phải lắng nghe người dân, lắng nghe cán bộ cấp dưới, những người trực tiếp làm việc với người được đánh giá. Chẳng hạn đánh giá lãnh đạo cơ quan phải là những người lao động, những cán bộ ở ngay trong cơ quan này.
Lãnh đạo có liêm chính hay không thì phải nghe cán bộ, công chức ở cơ quan đó, người dân địa phương đó nói mới chuẩn. Và không chỉ nghe người ta nói trong cuộc họp hay khi cán bộ đó còn đương chức, còn ở đó, mà cả khi người đó không có mặt, thậm chí khi rời đi, về hưu hay luân chuyển rồi...
Phải biết sử dụng các thông tin như vậy thì đánh giá cán bộ mới thực chất. Nếu không thì sẽ như Tổng bí thư nói: "Đừng thấy đỏ mà tưởng chín".
* Còn điều gì trong công tác phòng chống tham nhũng ở nhiệm kỳ này mà ông thấy còn đọng lại trăn trở, phải chuyển biến hơn nữa?
- Chúng ta đã làm nghiêm rồi, nhưng để cuộc đấu tranh này đi vào hiệu quả thực chất và bền vững thì công tác phòng ngừa phải làm được nhiều hơn nữa. Đây là chờ đợi của dân, qua đây dân tin là chúng ta làm thật, chứ không phải chỉ hô tăng cường, tích cực, nỗ lực, khẩn trương.
Có thể câu chuyện phòng ngừa này không tạo ra cái hoan hô, sự hoan hỉ bộc phát từ dư luận như việc khởi tố, xét xử các vụ án mang lại. Nhưng gắng làm những việc phòng ngừa âm thầm, bền bỉ như vậy thì trong tương lai chúng ta xây dựng được một bộ máy trong sạch, một đội ngũ cán bộ liêm chính. Cái đó mới đích thực là mục tiêu của công cuộc phòng chống tham nhũng này.
"Tôi tin rằng người dân không chờ đợi bắt cho nhiều, án tuyên cho cao, mà chờ đợi nhất là một đội ngũ cán bộ liêm chính, trong sạch. Bắt bớ không bao giờ là mong muốn của dân. Đảng, Nhà nước cũng không bao giờ lấy đó làm mục tiêu!
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao NGUYỄN HÒA BÌNH
Tuân thủ pháp luật để bảo vệ công lý và chính mình
* Ông từng trải qua nhiều vị trí công tác quan trọng trong ngành công an, kiểm sát, tòa án, rồi từng làm công tác Đảng khi là bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi. Những công việc ấy chắc hẳn mang lại cho ông nhiều kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực. Nếu được chọn lựa, ông có mong muốn sẽ tiếp tục gắn bó với nhiệm vụ nào?
- Tôi đã trải qua nhiều cương vị công tác, theo sự phân công của Đảng, các vị trí được phân công ấy chắc ngẫu nhiên thôi nhưng đều gần như là ghế nóng (cười). Bắt đầu là điều tra, sau đó là truy tố, sau đó đến xét xử, rồi có giai đoạn đi làm công tác Đảng.
Chỗ nào cũng mang lại những trải nghiệm, kinh nghiệm. Nhưng bài học kinh nghiệm lớn nhất là tuân thủ pháp luật. Đây là bài học kinh nghiệm bất hủ.
Tuân thủ pháp luật để bảo vệ công lý. Nhưng tuân thủ pháp luật cũng là phương cách để bảo vệ chính mình vững chắc nhất. Không ai có thể bảo vệ được mình nếu như vi phạm pháp luật.
Với tôi, vị trí nào từng trải qua cũng rất quan trọng. Điều tra cũng rất quan trọng, khởi đầu của các cuộc đấu tranh. Truy tố hay xét xử cũng rất quan trọng vì giúp kết thúc một vụ án.
Nhưng tôi cũng tâm niệm và mong muốn trên mỗi vị trí công tác chúng ta đã làm gì cho dân, cho Đảng, cho cuộc đời này và chúng ta đã để lại tình cảm gì cho đồng đội, cho anh em mới là điều quan trọng. Nếu như khi chúng ta rời khỏi vị trí đó mà anh em còn nhắc đến mình với sự tin tưởng thì đó là thành công.
Tôi chỉ mong là mình dù ở vị trí công tác nào, bằng hết sự tâm huyết, bằng nhiệt tình, bằng kinh nghiệm, trách nhiệm của mình làm được những điều tốt cho cuộc đời này, hoàn thành nhiệm vụ, cống hiến được điều gì đó được nhân dân, đồng đội ủng hộ, thừa nhận. Chứ không mong là được tặng thưởng, được có gì đó thăng hoa...
Còn công việc, mình là đảng viên thì không thể nói chọn được chỗ này chỗ kia, tôi cũng không nghĩ đến điều đó. Đảng phân công gì thì làm cái đấy và mình cũng không tự chọn. Và ở vị trí nào được phân công cũng sẽ cố gắng làm cho thật tốt.
Tranh tụng là con đường đi đến công lý
* Tinh thần cải cách tư pháp, xét xử độc lập là mục tiêu được ông đề cập từ đầu nhiệm kỳ. Tinh thần này đã được áp dụng ra sao trong các phiên tòa xét xử án tham nhũng?
- Các phiên tòa về tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế lớn đã được tranh tụng công khai, kết án trên cơ sở tranh tụng.
Đây là bước tiến, bởi qua tranh tụng chúng ta mới có tiếng nói phản biện. Tôi chỉ đạo các thẩm phán phải coi trọng tranh tụng, khuyến khích và xem tranh tụng là con đường để đi đến công lý.
Một điểm nhấn nữa là sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng rất chặt chẽ trên cơ sở phân công và kiểm soát quyền lực, vì có những vụ án do yêu cầu phải đưa ra xét xử rất nhanh.
Tất cả các vụ án tham nhũng lớn chúng tôi đều phân công thẩm phán có năng lực, tiếp cận hồ sơ rất sớm và xét xử trước thời hạn cho phép.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận