Ông Nguyễn Tâm Chiến, chủ tịch Hội Việt - Mỹ, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, viếng và ghi sổ tang thượng nghị sĩ John McCain tại Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội ngày 27-8 - Ảnh: Hội Việt - Mỹ
Thượng nghị sĩ John McCain là người đi đầu trong giải quyết các vấn đề phức tạp nảy sinh cản trở tiến trình bình thường hóa và phát triển quan hệ cùng có lợi cho hai nước Việt - Mỹ.
Các diễn biến quốc tế thường do xu thế phát triển quyết định, nhưng vai trò của những cá nhân nhiều khi thật quan trọng. Và khi nói về quá trình bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong hơn 30 năm qua, trường hợp ông John McCain rất đáng được nhắc đến.
Động lực từ quá khứ chiến tranh
Chắc rằng đối với ông McCain, ký ức về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là sâu sắc nhất bởi vì ông đã từng là phi công của Hải quân Mỹ tham chiến và từng bị giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò.
Có lẽ vì là một cựu binh của cuộc chiến nên ông càng trân trọng quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và đã không ngừng có nhiều đóng góp cho mối quan hệ đó đi lên.
Cũng phải đến 20 năm sau chiến tranh kết thúc, vào tháng 7-1995, thượng nghị sĩ McCain mới có thể đứng bên cạnh tổng thống Clinton khi tổng thống tuyên bố quyết định về thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Những nỗ lực của cả hai bên, nhất là việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) đã được tiến hành trước đó nhiều năm, đã góp phần mở rộng tiếp xúc, xây dựng lòng tin, để đưa đến sự kiện đó.
Trong những năm tiếp theo, ông đã dành nhiều thời gian đến thăm Việt Nam, có lúc đi với cả gia đình để cùng vợ con thưởng thức vẻ đẹp của các bãi biển và hương vị ngon lành của ẩm thực Việt.
Và phải chăng nhờ đó mà hình ảnh Việt Nam trong ông càng là một đất nước tươi đẹp, hòa hiếu, mến khách chứ không phải là một cuộc chiến tranh?
Tình cảm đối với Việt Nam và lòng tin về quan hệ hai nước cũng luôn được ông thể hiện trong tiếp xúc.
Khi gặp người Việt nếu có nhắc đến ký ức về quá khứ chiến tranh, ông thường trả lời đó là lý do, động lực để cần phải thúc đẩy phát triển quan hệ hơn nữa trong hiện tại và tương lai.
Người hóa giải các rào cản
Ở cương vị một chính trị gia lớn của nước Mỹ, ông John McCain thiên suy tính về những vấn đề chiến lược của đất nước ông.
Và vấn đề Việt Nam cũng như quan hệ Mỹ - Việt đối với ông là một phần quan trọng trong tầm nhìn bức tranh lớn của thời cuộc.
Ông đã nhiều lần nói với các đoàn Việt Nam thăm Mỹ về một nước Việt Nam độc lập và phát triển phồn vinh là phù hợp lợi ích của Mỹ.
Sau khi đã tích cực hỗ trợ đàm phán để ký kết Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (BTA), ông luôn dành nhiều mối quan tâm cho việc thực hiện hiệp định đó.
Tôi qua Mỹ công tác từ cuối năm 2001, đúng vào dịp bắt đầu đưa BTA vào hiệu lực, và nhớ mãi sự hỗ trợ quý báu của ông nhằm giải quyết hợp lý vụ phía Mỹ lần đầu tiên kiện Việt Nam về bán phá giá cá da trơn (cá tra, cá ba sa).
Chính ông đã đưa vụ kiện ra trước Quốc hội Mỹ để lý giải công minh, tạo đà cho quan hệ kinh tế thương mại hai nước vừa mới thiết lập phát triển.
Tiếp theo đó là những vấn đề về tăng quota hàng dệt may cho Việt Nam, xử lý khúc mắc về chất phụ gia trong hải sản, về xuất xứ đồ gỗ của Việt Nam xuất khẩu qua Mỹ... Và vấn đề quan trọng nhất là đàm phán về Việt Nam vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Chúng ta cảm ơn những sự hỗ trợ của thượng nghị sĩ và các nghị sĩ đồng nghiệp của ông trong nhóm nghị sĩ hữu nghị với Việt Nam tại Quốc hội Mỹ, có người đã thức đến 2h sáng, để chờ đợi kết quả bỏ phiếu ở hai viện Quốc hội về việc dành cho Việt Nam Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) - điều quyết định để có thể thực hiện việc kết nạp Việt Nam vào WTO.
Có thể nói trong đa số các trường hợp, thượng nghị sĩ McCain đều có những cố gắng nhằm giải tỏa các điểm nghẽn, giữ cho quan hệ Việt - Mỹ trên đường ray đi lên.
Vốn xuất thân từ gia đình truyền thống nhà binh và nhiều năm ở cương vị chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện Mỹ, những tưởng ông là một con người chỉ có tính cách "quân sự", nhưng thực tế ông là người dễ hòa đồng khi tiếp xúc.
Trong dịp thăm quê hương ông, bang Arizona, tôi được biết ông đã có nhiều quan tâm để phát triển kinh tế của bang mình; người dân nhắc đến công lao của ông trong phát triển ngành công nghiệp quốc phòng và điện tử tại một vùng đất đai phần nhiều là đồi núi.
Xin vĩnh biệt một người bạn thật quen biết và kính trọng của Việt Nam, "một trong hai ông John" (John McCain và John Kerry) gần gũi đối với rất nhiều người Việt Nam ta.
Nước Mỹ tổ chức viếng John McCain tại 3 thành phố
Bà Cindy McCain, vợ thượng nghị sĩ John McCain, bên linh cữu chồng tại tòa nhà Nghị viện bang Arizona ở Phoenix - Ảnh: Reuters
Theo Đài CNN, linh cữu thượng nghị sĩ John McCain được đưa tới 3 thành phố trong tuần này để mọi người có thể tiễn biệt ông.
Trong ngày 29-8, hàng dài người dân đã xếp hàng viếng ông tại nhà thờ Baptist North Phoenix của bang Arizona.
Trong dòng người tới viếng, có thống đốc bang Arizona, ông Doug Ducey, thượng nghị sĩ Jeff Flex, cựu thượng nghị sĩ John Kyl, ba cựu thống đốc bang là Fife Symington, Janet Napolitano và Jan Brewer.
Sau lễ viếng tại quê nhà, linh cữu ông được chuyển tới thủ đô Washington.
Ngày 30-8, linh cữu ông John McCain được đặt tại trụ sở Quốc hội Mỹ. Tại đây dự kiến Phó tổng thống Mike Pence sẽ đại diện Nhà Trắng tới viếng đám tang ông McCain.
Ngày 31-8, đông đảo người dân tập trung tại Nhà thờ Quốc gia ở Washington để tiễn biệt ông. Ngày 2-9, ông McCain được mai táng tại nghĩa trang Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, Maryland.
ĐỖ DƯƠNG
Dễ gần, nhiệt tình, thẳng thắn
Vĩnh biệt người quá cố, với truyền thống của dân tộc Việt, xin được bày tỏ sự biết ơn đối với thượng nghị sĩ John McCain về sự kiên định hỗ trợ Việt Nam và quan hệ Việt - Mỹ, về tình cảm mà ông đã dành cho nhân dân và đất nước Việt Nam trong tiến trình đổi mới, hội nhập để phát triển.
Là người đã có nhiều dịp gặp gỡ với ông, tôi cảm nhận về ông một con người rất dễ gần, không câu nệ, nhiệt tình và thẳng thắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận