Xưởng tiện, phay, bào của arsenal de Saigon đầu thế kỷ XX - Ảnh tư liệu |
>> Kỳ 1:
>> Kỳ 2:
Nơi này đã được gắn bảng di tích lịch sử quốc gia, đặt tượng Chủ tịch Tôn Đức Thắng, thường xuyên diễn ra các lễ đặt hoa, dâng hương, hoạt động truyền thống...
Tại đây, cách nay 90 năm, ngày 4-8-1925, một sự kiện mang tính biểu tượng của giai cấp công nhân đã diễn ra tại Ba Son, và thời điểm đó cũng được chọn làm ngày truyền thống Ba Son.
4-8-1925
Giáo sư Trần Văn Giàu viết trong Giai cấp công nhân Việt Nam:
“Xí nghiệp đầu tiên mà Pháp lập ở Việt Nam là sở Ba Son... Không bao lâu, sở Ba Son đã tập hợp gần nghìn thợ và “cu-li”.
Các công việc xây dựng, đóng thuyền ở đây đã làm nảy sinh một lớp công nhân ở Sài Gòn”. Từ “thợ thuyền” để chỉ công nhân đã sinh ra chính ở đây, lúc này.
Cùng với cuộc khai thác thuộc địa của chế độ thực dân, số lượng công nhân tăng nhanh trong các vùng nhượng địa, dưới chế độ làm việc hà khắc và đồng lương rẻ mạt.
Đầu thế kỷ XX, công nhân trở thành một lực lượng xã hội đông đảo, bắt đầu tiếp xúc với những tư tưởng cách mạng tiến bộ thông qua những tài liệu, sách báo do các nhà yêu nước ở hải ngoại gửi về, và nhất là qua “đồng thợ, đồng thuyền” là những người Việt bị bắt đi lính, làm công cho Pháp trong Thế chiến thứ nhất nay được hồi hương. Một trong số đó là Tôn Đức Thắng.
Tôn Đức Thắng vào làm ở xưởng Ba Son, mau chóng được những người thợ gọi là anh Hai. Hơn một năm, anh chuyển đi nơi khác và uy tín của “anh Hai” trong giới công nhân cứ cộng thêm, nhân lên cùng với đời thợ.
Một tổ chức công hội theo hình thức Công hội Đỏ của công nhân Pháp được “anh Hai” thành lập, hoạt động bí mật trong giới công nhân, tuyên truyền lòng yêu nước, tinh thần chống thực dân, chống áp bức bóc lột...
Hội viên nhanh chóng được nhân rộng từ Trường Bá nghệ sang nhà đèn Chợ Quán, xưởng Ba Son, hãng xăng dầu Soloni, hãng FACI...
Cuối tháng 7-1925, chiến hạm Jules Michelet, đang trên đường từ châu Âu sang Trung Quốc để tham gia trấn áp các cuộc đấu tranh cách mạng của dân vùng tô giới, bị hỏng hóc phải kéo vào ụ tàu Ba Son sửa chữa.
Để tỏ tình đoàn kết công nhân quốc tế, “anh Hai” Tôn Đức Thắng giao nhiệm vụ: “Anh em thợ Ba Son tận dụng thời cơ làm ngưng trệ, kéo dài thời gian sửa chữa chiến hạm”.
Ngoài Lê Văn Lưỡng, đốc công phân xưởng đồng ống, nhận nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy công nhân, hoạt động lần này của Công hội còn có sự tham gia lần đầu nhưng rất tích cực của Ngô Văn Năm, một họa đồ viên có uy tín lớn trong hàng ngũ viên chức Ba Son.
Cơ hội để có một lý do kinh tế cho cuộc bãi công chính trị đến vào ngày 3-8, ngày công nhân lĩnh lương đầu tháng. Chính phủ Pháp trước đó đã có quy định bằng văn bản: ngày lĩnh lương, công nhân được nghỉ sớm 30 phút.
Viên giám đốc mới của Ba Son Courthial ra lệnh bỏ lệ này, yêu cầu công nhân phải làm bù 30 phút. Lĩnh lương xong, công nhân được các thành viên Công hội rỉ tai: “Ngày mai tất cả công xưởng nghỉ việc”.
Lịch sử Ba Son ghi lại rất chi tiết: “Sáng sớm ngày 4-8-1925, khi tiếng còi tầm hú vang gọi thợ làm việc, trong xưởng hầu như vắng teo. Chủ, cai xếp và một số thợ ăn lương tháng ngơ ngác.
Ban lãnh đạo đình công đưa yêu sách: bỏ lệ làm bù ngày lĩnh lương, tăng lương cho tất cả công nhân lên 20%, gọi trở lại những công nhân đã bị đuổi trong cuộc đình công trước đó”.
Các ông chủ Pháp đương nhiên không có gì phải lo lắng. Đồng lương của thợ chẳng đủ ăn mấy ngày, tự chén cơm manh áo sẽ gọi họ về làm việc.
Thế nhưng lần này công nhân Ba Son không đơn độc. Công hội đã vận động công nhân các xưởng khác, nhân dân lao động Sài Gòn tương trợ cho họ. Các xưởng ở Ba Son cứ im lìm tới ngày thứ 7, thứ 8, 9, 10.
Giới chủ Sài Gòn xôn xao: “Bọn thợ lấy tiền ở đâu, ai giúp để chúng bãi công kéo dài tới 9, 10 ngày?”.
Báo Impartial viết: “Chúng ta biết rằng chiến hạm Michelet phải được sửa chữa gấp rút để sang Trung Quốc giúp việc củng cố tô giới. Hiện giờ cuộc bãi công ở Ba Son vẫn tiếp tục...”. Toàn quyền Đông Dương quở trách chính phủ Nam kỳ. Chính phủ Nam kỳ quở phạt giám đốc Ba Son.
Ngày 13-8, giám đốc Ba Son thông báo: “Bỏ lệ làm bù ngày lĩnh lương, thợ được tăng lương 10%, các thợ bị đuổi được quay lại làm việc, những ngày đình công cũng được trả lương”.
Thợ quay lại làm việc và tiếp tục các hành động lãn công khác để giam chân chiến hạm Michelet tới tận cuối tháng 11.
Cuộc đấu tranh đã thành công vang dội cả khía cạnh kinh tế lẫn chính trị, ghi dấu một bước chuyển mình của phong trào công nhân non trẻ từ tự phát sang tự giác, có tổ chức, và hơn thế nữa, còn lần đầu thể hiện tình đoàn kết quốc tế.
Chiếc máy mà công nhân Tôn Đức Thắng đã từng sử dụng - Ảnh: Tự Trung |
Di tích sống
Dành nhiều trang trong tác phẩm của mình viết về cuộc bãi công Ba Son theo “lời thuật lại của hai lão đồng chí Tôn Đức Thắng và Lê Văn Lưỡng”, giáo sư Trần Văn Giàu còn trích lời báo Impartial số ra ngày 6-8-1925:
“Cuộc bãi công xảy ra trong lúc mà bạn đồng nghiệp ở Pháp Le Quotidien báo tin rằng viên chủ tịch của Quốc tế cộng sản vừa mới tuyên bố rằng: ngày nay Trung Quốc đang nổi dậy, ngày mai sẽ tới phiên Đông Dương, Ấn Độ nổi dậy”.
Quả vậy. Cuộc bãi công Ba Son đã mở đường cho giai đoạn mới: phong trào công nhân trở thành cốt lõi, động lực của phong trào dân tộc.
Tháng 1-1926, nhân viên Sở Bưu điện Sài Gòn bãi công, đòi tăng thêm người làm việc. Chủ sở phải ký cam kết chấp nhận yêu sách trước mặt nhân viên. Tháng 4-1926, công nhân nhà in Trung ương Ấn quán Sài Gòn bãi công đòi thanh toán lương mà chủ trả chậm mấy tháng.
Tháng 5-1925, công nhân Ba Son lại sát cánh cùng học sinh Trường thợ máy Sài Gòn bãi công đòi trả lương tương xứng với sức lao động...
Năm 1929, Tôn Đức Thắng bị bắt, bị tra tấn, bị kết án 20 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo, nhưng Công hội mà ông đã thành lập thì vẫn ngày một lớn mạnh trong công nhân.
Cùng với Công hội, Hội Ái hữu Ba Son ra đời, sau đó là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, công nhân Ba Son chính thức bước vào con đường đấu tranh cách mạng với nhiều người dẫn đầu phong trào.
Nhiều con đường ở TP.HCM hôm nay mang tên họ: Tôn Đức Thắng, Ngô Văn Năm, Trần Đình Xu, Lý Chính Thắng, Đoàn Văn Bơ, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Bảo, Nguyễn Văn Lượng.
Mang dấu ấn sâu đậm như vậy, xưởng cơ khí số 323 trên đường số 12 trong khuôn viên Tổng công ty Ba Son được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng năm 1993.
Đây là một trong số rất ít những di tích vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động như những ngày đầu thành lập. Một di tích sống.
Chiếc máy mà người thợ Tôn Đức Thắng đã từng thao tác, sử dụng những ngày đầu thế kỷ trước đang được lưu giữ trong nhà truyền thống Ba Son, còn những anh em công nhân đời sau của ông vẫn đang miệt mài và nỗ lực từng ngày trong gian xưởng xưa.
Không di tích nào về giai cấp công nhân có độ dày thời gian, nhân chứng và giàu sức sống như vậy.
__________
Kỳ tới: Di tích trong đất vàng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận