Theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), khi xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến động vật bắt buộc phải tuân thủ quy định, tiêu chí về vùng an toàn dịch bệnh. Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng muốn hướng tới xuất khẩu một cách an toàn thì buộc phải tuân thủ các quy định này.
Cụ thể hơn, nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì sau khi đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh của Việt Nam, phải nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Trần Văn Chiến - phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh - cho biết, năm 2024, đàn gia cầm của tỉnh có khoảng 10 triệu con, sản lượng thịt đạt hơn 62.000 tấn.
Hiện các hộ dân đang chuyển sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung theo hướng an toàn sinh học. Tỉnh hiện có 116 trang trại chăn nuôi gia cầm với tổng đàn khoảng 9 triệu con. Trong đó, có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
"Nông nghiệp Tây Ninh sẽ tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ. Từ đó hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao", ông Chiến nhấn mạnh.
Nếu làm tốt vùng an toàn dịch bệnh, Việt Nam có thể xuất khẩu được thịt heo qua Nhật, Hàn Quốc, thậm chí có thể xuất khẩu ức gà sang châu Âu. Hiện giá trị ức gà châu Âu cao gấp 2-3 lần ở Việt Nam.
Thời gian tới, tỉnh phấn đấu hoàn thành các mục tiêu dài hạn. Giai đoạn 2024 - 2025, Tây Ninh sẽ phấn đấu có 3 vùng cấp huyện đạt an toàn dịch bệnh theo quy định Việt Nam, 1 vùng cấp huyện đạt an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới với bệnh cúm gia cầm…
Vùng an toàn dịch bệnh là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ động vật an tâm sản xuất, kinh doanh.
Đó cũng là nơi được các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư, từ đó tỉnh sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Đẩy mạnh xây dựng vùng an toàn dịch bệnh không chỉ phục vụ cho việc phòng chống dịch bệnh mà còn đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.
Hiện tỉnh có 2 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đến hơn 60 quốc gia trên thế giới. Thời gian tới, 2 doanh nghiệp này cùng nhiều doanh nghiệp khác sẽ đầu tư và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tây Ninh tổ chức chuỗi sự kiện về nông nghiệp
Ngày 19-5, tỉnh Tây Ninh sẽ tổ chức đồng loạt các chuỗi sự kiện nông nghiệp. Cụ thể, chuỗi sự kiện bao gồm: lễ khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh, lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025 - 2030 và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.
Đây có thể được coi là chuỗi sự kiện có tầm quan trọng, quy mô quốc tế lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực nông nghiệp tại Tây Ninh và vùng Đông Nam Bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận