
TP Phan Rang - Tháp Chàm được sắp xếp thành 5 phường cùng tên Phan Rang, chỉ khác số thứ tự phía sau - Ảnh: T.D.
Theo nghị quyết của Tỉnh ủy Ninh Thuận về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh này sẽ có 24 xã, phường. Trong đó, dự kiến tên gọi các xã, phường mới sau sắp xếp cơ bản giống nhau, chỉ khác số thứ tự đi kèm.
Cần xét đến khía cạnh văn hóa, lịch sử khi đặt tên xã, phường
Ông Trần Thanh Sơn ở thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) cho biết ông và đa số người dân cùng quê đồng thuận việc bỏ cấp huyện và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã.
Tuy nhiên, ông Sơn kiến nghị việc đặt tên cho các xã, phường mới sau sắp xếp cần tính đến các phương diện về văn hóa, phong tục tập quán và bề dày lịch sử của từng cộng đồng dân cư.
"Tên gọi nơi sinh sống phần nào nói lên bản sắc văn hóa và con người nơi đó. Nếu đặt tên theo đề xuất hiện nay như cả huyện cũ cùng một tên, phân biệt xã này với xã kia bằng con số, những cái tên có bề dày lịch sử và văn hóa hàng trăm năm ở Ninh Thuận như Đắc Nhơn, Mỹ Tường, Kinh Dinh, Cà Ná, Ninh Chữ… bỗng dưng biến mất" - ông Sơn bày tỏ.

Thị trấn Tân Sơn - trung tâm hành chính của huyện Ninh Sơn hiện nay - Ảnh: T.D.
Cũng theo ông Sơn, việc đặt tên xã phường mới cũng nên rà soát thật kỹ, tránh nhầm lẫn sau khi sắp xếp, sáp nhập.
Để dẫn chứng, ông Sơn nói: Ninh Thuận dự kiến có 3 xã cùng tên Ninh Phước, chỉ khác số thứ tự từ 1 đến 3. Tương tự có 3 xã tên Ninh Hải, 4 xã có tên Ninh Sơn. Các xã này cũng chỉ khác nhau số thứ tự phía sau.
Điều đáng nói là ở thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) hiện nay cũng có 3 xã trùng tên là xã Ninh Phước, Ninh Hải và Ninh Sơn.
"Sau này khi sáp nhập, tỉnh mới có tên là Khánh Hòa, địa danh Ninh Thuận sẽ không còn. Do đó, khi nhắc đến xã Ninh Phước, tỉnh Khánh Hòa, dễ nhầm lẫn giữa xã Ninh Phước của tỉnh Khánh Hòa hiện nay và xã Ninh Phước của tỉnh Khánh Hòa mới.
Tương tự, các xã Ninh Sơn và xã Ninh Hải cũng rất dễ gây nhầm lẫn địa danh trước và sau khi sáp nhập" - ông Sơn nói.

Phường Mỹ Đông sáp nhập với phường Mỹ Bình, Mỹ Hải và một phần phường Đông Hải (trừ thôn Phú Thọ) dự kiến thành phường Phan Rang 2 - Ảnh: AN ANH
Trên 50% dân đồng ý mới giữ nguyên tên xã, phường do tỉnh gợi ý
Hiện nay, UBND các phường ở TP Phan Rang - Tháp Chàm đã niêm yết công khai thông tin về đề án sáp nhập xã phường để người dân biết. Nhiều người dân mong muốn giữ lại tên địa danh Ninh Thuận, cùng nhiều tên gọi khác mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa ở địa phương này như Tháp Chàm, Kinh Dinh, Phú Quý, Ninh Chữ, Du Long…
"Tên đất, tên làng gắn liền với lịch sử đời người, như món đồ cổ nếu giữ càng lâu sẽ càng giá trị. Thay vì đánh số sau tên gọi các xã phường, tôi kiến nghị nên có phường, xã tên Ninh Thuận" - bà Thoa, người dân ở phường Phủ Hà (TP Phan Rang - Tháp Chàm), nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hải - giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Ninh Thuận - cho biết hiện nay tỉnh đang triển khai lấy ý kiến người dân về đề án sáp nhập cấp xã và tỉnh.
Riêng việc đặt tên các xã, phường sau khi sắp xếp sáp nhập, Ninh Thuận thực hiện theo hướng dẫn của trung ương. Tỉnh ủy cũng đã ban hành nghị quyết, trong đó có dự kiến tên gọi các xã phường sau khi sắp xếp, sáp nhập.
"Sau khi lấy ý kiến người dân, nếu có trên 50% đồng tình với tên gọi trong nghị quyết đã nêu thì tỉnh sẽ giữ nguyên. Ngược lại, nếu tỉ lệ người dân không đồng tình chiếm trên 50% thì tỉnh sẽ xem xét, tính toán lại cho phù hợp" - ông Hải cho hay.
UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành văn bản số 1705 ngày 18-4 về việc triển khai lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình và họp Hội đồng nhân dân các cấp thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của tỉnh Ninh Thuận.
Phiếu lấy ý kiến cử tri sẽ gồm 2 nội dung: Sáp nhập Ninh Thuận và Khánh Hòa, trung tâm hành chính đặt tại Khánh Hòa; Sáp nhập các xã, phường trên địa bàn 7 huyện, thành phố thuộc tỉnh Ninh Thuận.
Việc lấy ý kiến sẽ được Sở Nội vụ tổng hợp và chậm nhất đến ngày 22-4 phải gửi về UBND tỉnh.
Tổ chức họp HĐND cấp xã thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã của tỉnh Ninh Thuận chậm nhất ngày 24-4. Tiếp tục trình HĐND cấp huyện thông qua chủ trương này để gửi về Sở Nội vụ chậm nhất ngày 25-4.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận