TTCT - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư ủng hộ cách đặt tên các phường mới theo địa danh xưa của Sài Gòn - Gia Định, tuyệt đối bỏ những địa danh hành chính mang tên số. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: D.N.HÀThưa ông, nhiều địa phương tại TP.HCM đề xuất tên phường mới với những địa danh xưa như Bình Quới, Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây... Đây đều là những cái tên xưa của đất Sài Gòn. Việc đặt tên phường mới như vậy có nên không?Quan điểm của tôi là muốn tôn trọng các dấu tích lịch sử. Vì vậy, khi còn là thành viên của Hội đồng đặt trên đường, tôi đã có chủ trương nên bảo tồn những địa danh xưa của Sài Gòn. Không phải là tất cả nhưng những nơi có địa danh xưa thì nên dùng để đặt tên đường để nhắc nhở con cháu nhớ tới công lao của tổ tiên. Nơi nào không thuận tiện đặt địa danh thì mới đặt tên người. Hội đồng tán thành quan điểm đó nên TP.HCM hiện có nhiều tên đường là tên địa danh.Những tên gọi như Bình Quới đã gắn bó rất lâu đời với Sài Gòn. Ảnh: Cương TrầnKhi TP.HCM thành lập lại các cái quận, tôi cũng không tán thành quan điểm đặt tên cho các quận bằng số. Cách đặt tên bằng số là chịu ảnh hưởng của phương Tây, ví dụ các quận của thành phố Paris đều là số bởi xã hội phương Tây xem trọng khoa học kỹ thuật, với họ tên gọi đơn giản chừng nào thì hay chừng đó. Tôi thấy rằng mình không nên bắt chước người ta bởi truyền thống của người Việt Nam xem trọng nguồn gốc, truyền thống, lịch sử và luôn muốn bảo tồn các di tích lịch sử. Vì vậy nên có điều kiện thì nên nhắc lại các cái địa danh đó để con cháu không quên. Quan điểm đó của tôi được quận 1 thực hiện và đã chuyển tất cả các tên phường từ số thành tên chữ, nên giờ mới có phường Bến Nghé, Đa Kao... Nhiều quận khác vẫn còn tên phường số.Còn hiện nay, Nhà nước đang sắp xếp lại đơn vị hành chính, là cơ hội lớn để đặt lại tên các đơn vị hành chính. Tôi không được chính quyền mời tham khảo ý kiến. Theo tôi, chính quyền muốn đặt tên các phường mới bằng các địa danh cũ thì rất hoan nghênh, rất quý và thể hiện truyền thống "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của người Việt.Chúng ta bây giờ sống và hưởng sự sung sướng, giàu có của TP.HCM thì nhớ tới cái công lao của tổ tiên mình từ ngày khai phá đất hoang lập nghiệp, không phải là mình được hưởng thành quả mà quên mất thời gian gian khổ của tổ tiên.Những địa danh như Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây của TP.HCM… có từ bao giờ?Những địa danh như Thạnh Mỹ, Bình Hòa, Bình Quới có từ thời ông Nguyễn Hữu Cảnh lập nền hành chánh ở đất Sài Gòn Gia Định.(*) Thạnh Mỹ Tây là tên của một xã có từ trước khi người Pháp đến Sài Gòn. Xã Thạnh Mỹ nguyên thủy rất rộng, sau đó nhiều người dân đến lập nghiệp trở nên đông đúc. Thời vua Minh Mạng, chính quyền chia xã Thạnh Mỹ thành nhiều xã khác nhau để quản lý và xã Thạnh Mỹ Tây là khu vực phía tây xã Thạnh Mỹ cũ. Vì địa danh này không dùng đã lâu nên nhiều người chưa nghe hoặc đã quên.Xã Bình Quới - thật ra là Bình Quý do người miền Nam đọc trại đi - là một xã nằm trên đường Thiên Lý bắc nam. Xã này cũng có từ thời Nguyễn Hữu Cảnh, từ Biên Hòa phải qua đò Bình Quới - Thanh Đa rồi mới đi vào nội thành. Nếu giờ đặt tên phường thì rất hay, để con cháu nhớ đến công lao cha ông đã dày công khai phá, lập đất, lập nước.Hoặc xã Tân Sơn nguyên thủy cũng là một vùng rộng bao la bát ngát, dân ít lắm, không phải nhiều như bây giờ. Cho đến khi qua đến đời vua Minh Mạng thì dân số tăng lên rất nhiều, quản lý khó khăn nên chính quyền mới chia Tân Sơn thành là bốn xã, trong đó có Tân Sơn Nhất, Tân Sơn Nhì. Sau này nhiều xã chia nhỏ ra cũng giữ tên cũ làm gốc, thêm đông, tây hay nhất, nhì, tam, tứ… phía sau.Theo tôi biết thì xã Bình Hòa có trước xã Thạnh Mỹ Tây. Thời ông Nguyễn Hữu Cảnh đã có xã Bình Hòa - cùng với xã Thạnh Mỹ. Bình Hòa là trung tâm sinh hoạt của Gia Định. Thời đó, rạch đi vô Bình Hòa còn rộng, ghe thuyền ghé tới ở chỗ Cầu Bông bây giờ để buôn bán. Chợ Bà Chiểu trước đây ở phía Rạch Miễu. Sau này, người Pháp xây trụ sở tỉnh Gia Định (là trụ sở UBND quận Bình Thạnh bây giờ) nên dời chợ Bà Chiểu về vị trí ngày nay.Những cái tên Bình Hòa, Bình Quới, Gia Định thể hiện mong muốn gì của người dân hay chính quyền thời lập ấp?Theo chữ Hán, bình là yên lặng, hòa là hòa hợp với nhau. Vì người dân sống ở đây không phải cùng một nơi đến, hay cùng một dòng họ mà là dân tứ chiếng từ miền Trung di cư vào làm ăn theo chính quyền.Lúc đó, miền Trung có ít ruộng đất, dân đông, ai theo lời kêu gọi của chính quyền di cư vào vùng đất mới sẽ được cấp lương thực 6 tháng, cấp cho dụng cụ canh nông để khai thác. Do vậy nên tên Bình Hòa thể hiện mong muốn, ước nguyện của người dân: bình yên và hòa hợp với nhau. Cũng như tên Gia Định: gia là tăng, định là ổn dịnh, một khu mới mong được ổn định để mở rộng. Bình Quới là bình an và quý trọng.Khu Tân Sơn bây giờ không có núi nhưng trước đây có những gò cao, ở chỗ hiếm núi nên gò cao người ta gọi là sơn. Hồi đó cây cối rậm rạp, có những gò, giồng đất cao, người dân phải khai phá từng chút một mới được như bây giờ. Phía Gò Vấp là những đồi thấp hơn nên gọi là gò.TP.HCM hiện có những địa danh rất thuần Việt như Bảy Hiền, Thủ Đức… Có vẻ như tên gọi của một nhân vật nào đó được đặt cho vùng đất?Bên cạnh những tên có từ trước kia là những tên gốc chữ Hán, ở TP.HCM còn có những địa danh dân gian người dân quen miệng gọi, sau đó chính quyền đặt thành tên gọi hành chánh.Ví dụ như vùng Thủ Đức, tức từ sông Sài Gòn đến giáp Biên Hòa. Vùng này xưa không phải là Thủ Đức mà thuộc huyện Bình An của Thủ Dầu Một (Bình Dương bây giờ). Huyện Bình An sau đó chia ra, khu vực dưới này gọi là huyện Nghĩa An. Còn tên Thủ Đức vốn là tên của chợ Thủ Đức, người Pháp dùng địa danh đó đặt tên huyện là Thủ Đức. Ngày xưa, chính phủ giao người đứng đầu một vùng để thu thuế, người này được gọi là thủ, ông thủ thu thuế lập ra cái chợ cho người dân buôn bán nên người ta nhớ ơn ông gọi là chợ Thủ Đức. Thủ Thiêm là do ông thủ của vùng đó tên Thiêm.Còn tên gọi là ngã tư Bảy Hiền là vì khu vực đó trước đây có nhà của ông Bảy Hiền ở miền Trung vô lập nghiệp. Nhà ông Bảy Hiền ở khu vực trung tâm gần đường đi về các tỉnh. Khu vực đó chưa có tên gì cả. Người ta đi tới đi lui gọi chỗ đó là chỗ Bảy Hiền, tức là khu gần nhà ông Bảy Hiền. Sau đường mới mở ra thành ngã tư thì gọi là ngã tư Bảy Hiền.Cá nhân ông có đề xuất đặc biệt giữ lại hoặc khôi phục một địa danh nào của Sài Gòn không?Nguyên tắc của tôi là nên dùng các địa danh hành chánh cũ để đặt tên cho các đơn vị hành chính mới để nhắc nhở con cháu nhớ đến công ơn tổ tiên. Còn đặt tên gì, tên như thế nào thì phải nghiên cứu, xem xét cụ thể từng địa danh, từng khu vực để cân nhắc. Ví dụ khi nghiên cứu đến vùng Hóc Môn chẳng hạn, phải xem khu vực đó có những địa danh hồi xưa là gì, tên gọi hiện tại ra sao…Thưa ông, những cái tên cũ có thể hay nhưng chưa chắc người trẻ, hoặc những người mới nhập cư sẽ không hiểu hết ý nghĩa?Sau khi chính quyền đã đặt tên các đơn vị hành chính mới rồi thì nên biên một quyển sách giải thích kỹ cho dân chúng biết ý nghĩa của các địa danh mới trong thành phố. Dân thấy hay thì mới chấp nhận và tìm hiểu thêm. Đó cũng là cách dạy lịch sử địa phương cho người trẻ. Quyển sách này ai làm cũng được, nhưng tốt hơn là Sở Văn hóa Thể thao nên chủ trì, nếu người nào đó có đam mê thì họ làm. Trước đây tôi có viết sách địa danh hành chính TP.HCM, quyển sách chỉ mang tính thống kê thôi chứ không giải thích. Nhưng giờ thời gian của tôi không còn nhiều, tôi phải hoàn thành một số đầu sách đang dang dở. ■ Với những địa danh đã quen thuộc, có từ nhiều năm trước như Nha Trang, Đà Lạt nên giữ lại như thế nào?Theo tôi, địa danh có sẵn rồi thì mình nên duy trì lại. Ví dụ như địa danh Nha Trang là tiếng của người Chiêm Thành, phiên âm tiếng Việt gọi là Nha Trang. Giờ đã quen rồi, đã thành địa danh quen thuộc của người Việt nói tiếng Việt rồi thì nên giữ lại, không nên thay đổi. Ngoài ra, những địa danh đã thành thân quen trong văn kiện hành chánh thì không nên xáo trộn để dân chúng dễ theo dõi. Phải triệt để thay đổi những đơn vị mang tên số. (*) Chú thích của biên tập viên: Liệt truyện Nguyễn Hữu Cảnh trong Đại Nam liệt truyện chép: "Năm Mậu Dần (1698) mùa xuân, chúa sai Hữu Cảnh làm Thống suất, đem quân đi kinh lược Chân Lạp, lấy đất Đồng Phố, đặt làm phủ Gia Định phân chia đất ấy, lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt doanh Trấn Biên, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng doanh Phiên Trấn. Mở đất nghìn dặm, dân được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính trở vào nam cho ở đất ấy. Đặt xã, thôn, phường ấp, khai khẩn ruộng đất, định ngạch tô thuế, làm sổ đinh". Ngoài một số tên địa danh với địa bàn rộng lớn, chưa thấy có các tên thôn cụ thể như Bình Hòa, Bình Quới, hay Thạnh Mỹ (Tây). Gia Định Thành thông chí 1820, "Trấn Phiên An", nói Bình Hòa là "thôn mới lập", và có tên "Bình Quới thôn, Tây giáp", nhưng chưa có các tên Thạnh Mỹ hay Thạnh Mỹ Tây với tư cách thôn. Một số nghiên cứu thời hiện đại nói nhiều tên gọi ở vùng đất mới Nam Bộ có những chữ Bình do Nguyễn Hữu Cảnh - vốn người Quảng Bình - đặt, tuy là suy đoán hợp lý, nhưng chưa có cơ sở sử liệu thật sự vững chắc. Về xã Tân Sơn ở dưới, GĐTTC chép hai thôn chung một mục, cũng thuộc phần "Trấn Phiên An": "Tân Sơn thôn, nhì giáp; và Tân Sơn Thôn, nhứt giáp", tức như hai ấp được lập cùng lúc của một thôn. Tags: Nhà nghiên cứu nguyễn đình tưSài Gòn - Gia ĐịnhTên phườngĐịa danh xưa
Sắp xếp lại đơn vị hành chính: để Mỹ Tho, Đà Lạt không trở thành phường, xã cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 10/04/2025 1816 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Trung ương thống nhất sau sáp nhập còn 34 tỉnh, thành phố, giảm 60-70% cấp xã TỔNG BÍ THƯ TÔ LÂM 12/04/2025 Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Trung ương Đảng thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố).
Mỹ thông báo miễn thuế đối ứng với smartphone, máy tính THANH BÌNH 12/04/2025 Mỹ vừa loại trừ một số mặt hàng điện tử như điện thoại thông minh (smartphone) và máy tính khỏi các mức thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tám người bị khởi tố trong đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả là ai, vai trò thế nào? DANH TRỌNG 12/04/2025 Quá trình tổ chức khám xét 19 địa điểm là nhà máy sản xuất, văn phòng làm việc của các nghi phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ 84 loại sữa bột với số lượng 26.740 lon/90 lô sản xuất.
Chính phủ lập đoàn đàm phán với Mỹ do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm trưởng đoàn NGỌC AN 12/04/2025 Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định số 753 ngày 12-4 về việc thành lập đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Mỹ.