Đường D5 giao với đường D2, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao Hà Nội Tô Văn Động nói rằng đây là một trong những hướng nghiên cứu có thể thực hiện trong tương lai.
Một đường nhiều tên, một tên nhiều đường
“Việc đặt tên đường phố Hà Nội theo số tức là có thể đặt tên đường phố số 1, 2, 3, 4… và trên những tuyến phố đó cũng cụ thể tên ngõ theo số ngõ và số đường” - ông Động cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Động, việc đặt tên đường phố theo số hiện nay chưa thực hiện được vì nghị định của Chính phủ chưa quy định.
“Trước mắt Hà Nội sẽ nghiên cứu việc đặt tên đường phố theo số, sau đó sẽ kiến nghị sửa đổi nghị định của Chính phủ để thực hiện” - ông Động cho biết.
Không chỉ Hà Nội, đây là xu hướng khó cưỡng cho tất cả đô thị VN khi mà kho tên đường theo kiểu đặt tên danh nhân đã cạn, tên đã đặt thì trùng lắp gây khó khăn cho việc tìm kiếm, giao tiếp của người dân và quá khó cho công tác quản lý hành chính.
Như ở TP.HCM chẳng hạn, tên đường chủ yếu đặt theo tên danh nhân nhưng có thời gian có đến 2 “ông” Trần Hưng Đạo là Trần Hưng Đạo A và Trần Hưng Đạo B dù cùng là một con đường.
Hoặc nhà ở cũng rất khó tìm vì đường trùng tên, như đường Nguyễn Đình Chiểu thì phải là “Nguyễn Đình Chiểu nào?”, Nguyễn Đình Chiểu Phú Nhuận hay Nguyễn Đình Chiểu quận 3? “Lê Lợi là Lê Lợi nào?”, Lê Lợi Gò Vấp hay Lê Lợi quận 1? “Hoàng Hoa Thám là Hoàng Hoa Thám nào?”, Hoàng Hoa Thám Bình Thạnh hay Hoàng Hoa Thám Tân Bình?...
Có chuyện nói cạn quỹ tên để đặt tên đường nhưng lại có hiện tượng “lãng phí” là một con đường mà có nhiều tên giáp ranh, hàng loạt tên đường trùng nhau chỉ vì lỡ đi qua nhiều quận như Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa; Hai Bà Trưng - Phan Đình Phùng - Nguyễn Kiệm - Nguyễn Oanh; Cách Mạng Tháng 8 - Trường Chinh - quốc lộ 22; Xô Viết Nghệ Tĩnh - Nguyễn Thị Minh Khai; Hùng Vương - Hồng Bàng - Kinh Dương Vương; Bạch Đằng - Phan Đăng Lưu - Hoàng Văn Thụ...
Những con đường “chiến sự”
Nhiều tên đường khác xuất phát từ gọi mãi thành tên nghe rất “chiến sự” như Tên Lửa, Nữ Dân Công hoặc rất “nguy hiểm” như Điện Cao Thế, Kênh Nước Đen…
Bởi thế nên xuất hiện đặt tên đường theo số, thoạt đầu thấy ổn vì khó mà trùng lắp, cũng như đề án mà Hà Nội đưa ra lần này nhưng do đặt kiểu tự phát từng địa phương nên việc trùng lắp, tìm kiếm còn khó khăn hơn.
Đơn cử như quận Thủ Đức có nhiều con đường số 17 nên trong bảng giá đất, Nhà nước phải phân biệt bằng cách ghi tên đường kèm theo tên phường phía sau như đường 17 P.Hiệp Bình Phước, đường 17 P.Linh Chiểu, đường 17 P.Linh Trung...
Hoặc quận 8 có đến mấy “ông” Cao Lỗ như đường Cao Lỗ 218, Cao Lỗ 232. Cũng vậy quận 12 có hàng chục con đường mang tên phường và số như Hiệp Thành 13, Hiệp Thành 17, Tân Chánh Hiệp 33, Tân Chánh Hiệp 36...
Thật ra vấn đề này đã được đặt ra từ lâu nhưng chính quyền ngần ngại, chưa quyết đoán vì sợ làm xáo trộn giao dịch dân sự của người dân nên đâu vẫn vào đấy và ì à ì ạch đến tận bây giờ.
Lý do mang tính lịch sử là vì TP.HCM được hợp nhất từ hai đơn vị hành chính TP Sài Gòn và tỉnh Gia Định. Do đó, khi cả hai nhập lại TP.HCM mới có sự trùng lặp tên đường giữa các quận, thậm chí trong quận.
Năm 1995, UBND TP.HCM quyết định thành lập Hội đồng đặt đổi tên đường mới với 20 thành viên kiêm nhiệm. Ban đầu hội đồng được chỉ đạo mỗi tên chỉ đặt cho một đường.
Nhưng nếu làm như vậy sẽ gây xáo trộn lớn, làm khổ, làm thiệt đồng bào, nhất là về giấy tờ hộ tịch, bằng cấp, bất động sản nên đành chấp nhận nguyên tắc: tên đường được trùng nhau giữa các quận huyện nhưng không được trùng trong một quận huyện (nếu có sẽ phải đổi).
Với tốc độ bùng nổ đô thị như hiện nay, các khu dân cư mới tiến nhanh ra ngoại thành hay mọc lên ngay chính ở những khu dân cư cũ để thay thế đòi hỏi chính quyền đô thị phải một lần nữa đối mặt với vấn đề đặt lại tên đường.
Sẽ đến lúc những đô thị lớn phải sơ đồ hóa, số hóa tên đường bằng cách đặt theo số toàn thành phố.
Sẽ có những hoài niệm về tên đường cũ và thậm chí sẽ có ý kiến phản ứng vì sự phiền toái ban đầu mang lại khi giao dịch vì đổi tên đường nhưng muốn quản trị đô thị tốt, muốn giao dịch dân sự thuận lợi thì không có con đường nào khác tốt hơn.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Bạn đọc có thể trao đổi với tác giả qua ô bình luận bên dưới hoặc gửi email về [email protected]. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận