Đôi Hậu hoặc Hậu Đôi
Những ngày qua, thông tin về việc đặt tên xã sau sáp nhập xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An thành xã Đôi Hậu nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.
Ông Hồ Quang Tuấn - bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Đôi - cho biết Quỳnh Đôi là tên làng, được lấy để đặt cho tên xã có lịch sử hơn 600 năm với nhiều địa danh văn hóa, lịch sử như làng Quỳnh Đôi, làng Cá Gỗ. Đây cũng là quê hương nữ sĩ Hồ Xuân Hương được mệnh danh "Bà chúa thơ Nôm".
Phương án ban đầu sau khi sáp nhập là lấy tên Quỳnh Đôi, nhưng xã Quỳnh Hậu không đồng ý. Xã Quỳnh Hậu yêu cầu lấy tên là Hậu Đôi hoặc Đôi Hậu, vì muốn giữ chữ Hậu trong tên gọi mới.
"Cán bộ và người dân xã Quỳnh Đôi rất muốn giữ cái tên xã Quỳnh Đôi vì nó đã gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hóa và máu thịt của bao thế hệ, nhưng rất khó vì xã Quỳnh Hậu cũng muốn giữ cái tên của xã mình", ông Tuấn nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Xuân Dinh - phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu - cho biết trong giai đoạn 2023 - 2025, huyện Quỳnh Lưu thực hiện sắp xếp lại 17 đơn vị hành chính cấp xã thành 8 đơn vị hành chính mới.
Việc đặt tên xã mới sau sáp nhập, phương án lựa chọn ban đầu của huyện là theo tinh thần chỉ đạo tại nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương.
Khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính sau sáp nhập nhằm tạo thuận lợi nhất sau sáp nhập, nhất là giảm bớt áp lực cho người dân trong chỉnh sửa các giấy tờ.
Do vậy phương án dự kiến đặt tên ban đầu huyện lựa chọn là giữ lại tên của 1 trong 2 xã sáp nhập.
Ví dụ xã Quỳnh Long sáp nhập xã Quỳnh Thuận, lấy tên xã mới là Quỳnh Thuận; hay xã Sơn Hải sáp nhập xã Quỳnh Thọ lấy tên Sơn Hải; xã Quỳnh Hậu sáp nhập Quỳnh Đôi lấy tên Quỳnh Đôi…
Tuy nhiên, khi lấy ý kiến trong ban chấp hành Đảng bộ các địa phương sáp nhập, một số cán bộ, đảng viên các địa phương không đồng tình với phương án huyện đưa ra và đề xuất một phương án khác.
Thời gian qua, các tổ công tác của Ban chỉ đạo huyện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã cùng với các địa phương nghiên cứu, bàn bạc thống nhất các tên gọi ghép tên "cơ học" hai xã với nhau.
Cụ thể như xã Quỳnh Đôi sáp nhập xã Quỳnh Hậu, dự kiến tên xã mới là Đôi Hậu; sáp nhập xã Quỳnh Mỹ và Quỳnh Hoa dự kiến tên xã mới là Hoa Mỹ; sáp nhập xã Quỳnh Lương và Quỳnh Minh dự kiến tên xã mới là Minh Lương.
"Việc ghép tên hai xã sáp nhập thành tên xã mới theo phương án hiện tại, huyện cũng đang có những băn khoăn, trăn trở. Ngoài các yếu tố tôn trọng lịch sử thì huyện sẽ cân nhắc lựa chọn phương án đúng nhất và phải tính đến sự chung nhất, chứ không phải mang tính cục bộ ở một địa phương", ông Dinh nói.
Cân nhắc chọn tên xã để tạo đồng thuận
Ông Dinh cho hay do còn có nhiều ý kiến trái chiều nên việc xác định tên gọi các đơn vị hành chính sau sáp nhập tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của cử tri và nhân dân, dự kiến tổ chức vào ngày 3 đến 5-5; nếu còn có ý kiến trái chiều thì tiếp tục xem xét và làm lại quy trình.
Sau ý kiến của cử tri, hội đồng nhân dân xã sẽ tiến hành họp, đến huyện và tỉnh họp để thông qua đề án sắp xếp đơn vị hành chính, khi đó tên gọi mới được "chốt" chính thức để trình trung ương xem xét, quyết định.
Lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An cho hay trong giai đoạn 2019-2021, tỉnh đã sắp xếp được 36 đơn vị cấp xã, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, giảm chi ngân sách nhà nước.
Thời điểm đó, việc lấy tên xã sau sáp nhập thông thường được ghép tên các xã với nhau như ba xã Nam Trung, Nam Phúc, Nam Cường thành xã Trung Phúc Cường; xã Nam Thượng, Nam Tân, Nam Lộc thành xã Thượng Tân Lộc.
Mới đây sở cũng nhận được văn bản đề nghị đổi tên xã sau sáp nhập của một số huyện và tiếp thu các ý kiến cử tri, dư luận.
Sở cũng lưu ý các huyện cân nhắc kỹ lưỡng phương án lấy tên xã sau sáp nhập để đảm bảo có ý nghĩa, phù hợp với yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa và nhận được sự đồng thuận của nhân dân.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025, Nghệ An có một đơn vị hành chính cấp huyện và 67 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp, trong đó có 27 đơn vị cấp xã liền kề.
Tỉnh Nghệ An chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành công việc ở từng cấp đúng tiến độ để trình Chính phủ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và xã tại Nghệ An giai đoạn 2023-2025 trong tháng 6-2024.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận