28/02/2015 10:37 GMT+7

​Đặt tên con là Hạnh Phúc

ĐOÀN BẢO CHÂU
ĐOÀN BẢO CHÂU

TT - Căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM của hai vợ chồng ông Lê Thành Công và bà Phạm Thị Kiều Uyên thường xuyên đầy ắp tiếng cười của bé Lê Hạnh Phúc, 4 tuổi.

Ông Lê Thành Công tập cho bé Hạnh Phúc chơi đàn - Ảnh: Quang Định

Ít ai biết bé là con nuôi của hai vợ chồng và họ đang từng ngày giúp bé chống chọi căn bệnh bại não bẩm sinh.

Thương con từ cái mắt cái mũi, quen có nó nằm bên ngọ nguậy mỗi tối, sao đành lòng bỏ con. Mấy đứa nhỏ bệnh tật thế này còn cần mình hơn, tôi nói với vợ nhất quyết không bỏ
Ông LÊ THÀNH CÔNG

“Vì con cần mình”

Cưới nhau 10 năm, đã xấp xỉ 50 tuổi nhưng không có con, lúc hai vợ chồng gần như chấp nhận cuộc sống thiếu bóng dáng con thơ thì ông bà nhận được tin một người mẹ trẻ vừa sinh xong đã bỏ rơi con.

Suốt nhiều năm đắn đo không dám nhận con nuôi vì sợ điều kiện gia đình khó khăn, không chăm sóc tốt cho con, lần này trước hoàn cảnh đáng thương của cháu bé, ông bà quyết định nhận nuôi và đặt tên con là Hạnh Phúc với hi vọng có thể mang hạnh phúc đến cho con. 

Tuy nhiên niềm vui ngắn chẳng tày gang, Hạnh Phúc được 8 tháng tuổi nhưng chưa biết lật, hai vợ chồng mang con đi khám mới biết bé bị giãn não thất hai bên, chẩn đoán bại não bẩm sinh. “Khi nghe bác sĩ nói bé không có cách gì chữa được, tôi tưởng như cả thế giới sụp đổ.

Về nhà tôi khóc suốt hai tháng nhưng thấy con nhìn mình, mắt tròn xoe ngây ngô thì biết là cuộc chiến phải bắt đầu, cha mẹ sẽ đi với con đến cùng!” - bà Kiều Uyên bộc bạch.

Biết tin Hạnh Phúc bị bại não, nhiều người quen của hai vợ chồng khuyên đưa bé vào trại trẻ mồ côi hoặc mái ấm chuyên nuôi trẻ bại não nhưng “nuôi con đã tám tháng, mến chân mến tay, thương con từ cái mắt cái mũi, quen có nó nằm bên ngọ nguậy mỗi tối, sao đành lòng bỏ con.

Mấy đứa nhỏ bệnh tật thế này còn cần mình hơn, tôi nói với vợ nhất quyết không bỏ” - ông Lê Thành Công nhớ lại.

Làm “giáo án” dạy con

Hạnh Phúc càng lớn, nhiều bệnh phát sinh, ông bà càng vất vả. Bé chưa tự ngồi được, không biết đi, cũng không biết nói, còn bị suy dinh dưỡng. Ban đầu, bà Uyên gửi bé vào trường bán trú chuyên chăm sóc trẻ bại não để đi làm nhưng thấy con sụt cân, buồn hiu, bà xót quá nên quyết định nghỉ việc, toàn tâm toàn ý chăm con, chỉ còn chồng gánh vác gia đình với nghề dạy đàn. 

Bà đưa con đi hết trung tâm vật lý trị liệu này đến chỗ bấm huyệt khác, “ở đâu người ta nói có thể chữa được bệnh cho trẻ bại não là tôi ráng đưa con tới chữa” - bà nói. Tuy nhiên càng đưa con đi nhiều nơi, bà càng nhận ra một điều là: “Mẹ vừa là mẹ vừa là bác sĩ chính cho con.

Bác sĩ ở các trung tâm phải chữa bệnh cho rất nhiều trẻ, không có thời gian quan tâm từng bé, chủ yếu là nghe bác sĩ hướng dẫn về làm lại”.

Vậy là thay vì trông chờ hoàn toàn vào các buổi trị liệu, tối nào cũng vậy, sau khi con và chồng đã yên giấc, bà lên mạng kiếm thông tin về chăm sóc trẻ bại não, hoặc tranh thủ đến các buổi hướng dẫn phụ huynh chăm sóc con bại não ở bệnh viện...

Tất cả thông tin đều được bà - một phụ nữ vốn chỉ đi nấu ăn cho các gia đình người Hàn Quốc, không biết gì về sư phạm - ghi chép tỉ mẩn, nắn nót vào một cuốn tập cỡ lớn, gọi là “giáo án”, từ cách tập thể lực, tập nói, tập con đi, cho con ăn...

Dần dà với quyết tâm làm theo các chỉ dẫn khoa học, điều kỳ diệu đã đến khi Hạnh Phúc có thể ngồi được và giờ đang tập đi.

Không có tiền mua thiết bị tập đi hiện đại, ông bà tìm cách tái chế cái ghế xoay trong nhà, bỏ đi phần lưng và tay vịn, chỉ còn mặt ngồi để con bám vào, theo bánh xe lăn mà tập đi khắp trong nhà. Để con hứng thú tập đi hơn, bà Uyên còn tìm nơi đóng giày cho người khuyết tật để mang về cho Hạnh Phúc đôi giày bé xíu, xinh xắn. 

Bên cạnh đó, do tay phải của Hạnh Phúc bị co quắp, bà tập cho con cách chơi đồ chơi và trò chơi đầu tiên là học cách rót nước, nấu ăn, chiên trứng, làm cá bằng hai tay. Giờ Hạnh Phúc biết cách tự rót nước uống và cũng có thể cho quả trứng nhựa vào chảo, bật bếp đồ chơi thành thạo.

Bà Uyên tâm sự: “Mình không thể trông mong con là ông này bà kia, nhưng ít nhất cũng phải tập được cho con cách tự chăm sóc bản thân, để sau này cha mẹ già yếu, con có thể tự sống được!”.

Biết ngồi, biết nhận thức rồi thì lại đến tập nói, “trần ai lắm vì lúc đầu con không hề có khái niệm gì về ngôn ngữ” - bà Uyên kể. Biết được một bác sĩ chuyên điều trị về ngôn ngữ trị liệu nhưng lại xa nhà, không thể đưa con đến điều trị mỗi ngày, bà đến xin bác sĩ tư vấn rồi về tự dạy lại cho con.

Từng tiếng “cái bánh”, “con cá”, “đi chơi”, “đi học” đơn giản là vậy nhưng để Hạnh Phúc phát âm được, cha mẹ phải cực nhọc biết bao. Mất gần một năm, bé bập bẹ được những tiếng cơ bản. “Ngày nào hai vợ chồng cũng động viên nhau nói chuyện với con để con vui, con thích nói” - bà Uyên chia sẻ.

“Thương lắm, thương đến tận giờ”

Tiếng nói đầu tiên Hạnh Phúc nói được là “bố” vì bé gắn bó với cha, và thời gian của cha (trừ lúc đi làm) cũng dành trọn cho bé. Vốn là tình nguyện viên cho bếp ăn từ thiện Phúc Ân ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) suốt năm năm qua, ông Công không xa lạ với việc nấu nướng lẫn chăm sóc trẻ nhỏ, kể cả các bé khuyết tật. 

Mỗi ngày, 6g, ông cho con tập đi, chiều vừa về đến nhà là tiếp tục chở con đi dạo. Bao giờ ông cũng giành phần tắm rửa, cho con ăn từng muỗng cơm. Hạnh Phúc dường như cũng cảm nhận được tình thương đó của cha nên khi nghe hỏi “ai đút cho con ăn?”, “ai thay tã cho con?”, em đều giơ cánh tay trái yếu ớt của mình chỉ ông Công và bập bẹ “bố”.

Lý giải điều này, ông Công hiền lành cho biết: “Hồi đó tôi là người nhận con về. Lúc ấy con mới có một tháng tuổi, mình ẵm con trong lòng ngồi trên taxi, nó cứ tròn xoe mắt nhìn mình, thương lắm, thương tới tận bây giờ!”.

Vốn là giáo viên dạy đàn, ông còn cho con tập đàn mỗi ngày như một cách giúp con tập vận động tay, nhất là bàn tay phải bị co rút. Sau hai năm, hiện nay Hạnh Phúc đã rất thích thú khi được bế lên ghế ngồi đàn với cha, bàn tay em bình thường co rút, khi được chạm vào những phím đàn thì giãn ra, gõ từng tiếng yếu ớt nhưng rộn ràng theo nhịp đàn của cha mình. 

Câu chuyện của chúng tôi kết thúc khi ông Công cười nói: “Tôi đưa con đi cắt tóc đây, tóc dài quá rồi”. Thế là ông thay quần áo, mang giày cho con, để hai cha con vi vu lên đường trong tiếng cười rộn rã.

ĐOÀN BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tổ ấm dạy con