12/05/2021 11:11 GMT+7

Đặt tác phẩm của Trần Nữ Yên Khê, Ưu Đàm, Andy Cao vào nơi làm việc

HOÀI PHƯƠNG
HOÀI PHƯƠNG

TTO - Mong muốn thay đổi thói quen muốn thưởng thức nghệ thuật phải đến phòng trưng bày, anh Dương Đỗ đã hợp tác với các nghệ sĩ đưa tác phẩm nghệ thuật lắp đặt cố định vào không gian làm việc, thu hẹp khoảng cách giữa nghệ thuật và công chúng.

Đặt tác phẩm của Trần Nữ Yên Khê, Ưu Đàm, Andy Cao vào nơi làm việc - Ảnh 1.

Tác phẩm nghệ thuật trong không gian làm việc giúp nhiều người thưởng thức bất kỳ lúc nào - Ảnh: NVCC

Tôi chọn tác phẩm của nghệ sĩ cảnh quan Andy Cao, nghệ sĩ thị giác Trần Nguyễn Ưu Đàm và nghệ sĩ Trần Nữ Yên Khê vì họ có những tác phẩm mang thông điệp ý nghĩa. Mỗi ngày, người đi làm được truyền cảm hứng, thông điệp từ các tác phẩm này. Hoặc ít nhất, mỗi người sẽ cảm thấy tiêu chuẩn thẩm mỹ của mình được nâng cao hơn.

Dương Đỗ nói với Tuổi Trẻ Online

Anh Dương Đỗ, người sáng lập Toong và Gốc Creation, cho biết việc đưa các tác phẩm nghệ thuật đương đại đặt cố định trong không gian làm việc chung xuất phát từ mong muốn nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo không gian sáng tạo cho nhiều người.

Đặt tác phẩm của Trần Nữ Yên Khê, Ưu Đàm, Andy Cao vào nơi làm việc - Ảnh 3.

Dương Đỗ, người sáng lập Toong và Gốc Creation

Thay đổi thói quen thưởng thức nghệ thuật

Việc đưa tác phẩm nghệ thuật vào không gian làm việc chung sẽ giúp thay đổi thói quen, thưởng thức nghệ thuật không chỉ là đến với bảo tàng hay phòng tranh.

Anh Dương Đỗ đã kết hợp với 3 nghệ sĩ được nhiều người biết đến tại môi trường nghệ thuật quốc tế là Andy Cao, Trần Nguyễn Ưu Đàm và Trần Nữ Yên Khê, để đưa tác phẩm nghệ thuật đương đại vào không gian của Toong, tạo nên năng lượng mới cho môi trường làm việc.

Đặt tác phẩm của Trần Nữ Yên Khê, Ưu Đàm, Andy Cao vào nơi làm việc - Ảnh 4.

Tác phẩm ‘Vortex, Living Water’ của Trần Nữ Yên Khê kết nối 5 tầng lầu của tòa nhà - Ảnh: NVCC

Trần Nữ Yên Khê chia sẻ với Tuổi Trẻ Online lý do hợp tác với Toong để cố định tác phẩm Vortex, Living Water: "Trưng bày tác phẩm ở không gian làm việc chung là tạo "ô nhiễm tích cực" không tránh được, bắt buộc mọi người phải nhìn thấy tác phẩm. Là một nạn nhân của nghệ thuật không phải là điều tệ nhất trong đời".

Trần Nguyễn Ưu Đàm cũng cho rằng đây là điều rất hay của nghệ thuật công cộng. Tác phẩm được nhiều người tiếp cận.

"Nghệ thuật không phải chỉ tiếp cận ở bảo tàng, phòng trưng bày. Tại đây, lúc nào cũng có người đến xem và không phải mua vé, hơn hết nhận được thông điệp hằng ngày đi ngang qua tác phẩm, để nghệ thuật gần gũi hơn", Ưu Đàm nói.

Nghệ thuật như một chất dinh dưỡng thiết yếu nên được thẩm thấu vào tâm thức cộng đồng, để quá trình thụ hưởng vô thức hay ý thức đóng vai trò là chất xúc tác, góp phần nâng cao hiệu suất và chất lượng sống của mỗi cá nhân. Và nghệ thuật là một minh chứng hoàn hảo cho nguồn năng lượng hay sinh khí mở.

Dương Đỗ

Lan tỏa năng lượng tích cực

Tại tòa nhà Toong Coworking Space (quận 1, TP.HCM), Dương Đỗ chọn đặt tác phẩm "Vortex, Living Water" của Yên Khê sáng tác năm 2020, cao 17m, kết nối 5 tầng lầu, thể hiện dòng nước được vật chất hóa bằng nhựa thu hồi từ chai nước khoáng.

"Tòa nhà này nằm gần hồ Con Rùa, một công trình quan trọng của TP.HCM. Trước đó, hồ Con Rùa có một tháp nước nên Yên Khê làm một tác phẩm về nước, trong đó có hiện tượng xoáy nước", Yên Khê chia sẻ.

Thông điệp của tác phẩm này không chỉ hướng đến giá trị của tương lai mà còn tôn trọng giá trị của quá khứ.

Đặt tác phẩm của Trần Nữ Yên Khê, Ưu Đàm, Andy Cao vào nơi làm việc - Ảnh 6.

Gần 1.000 bọc nilông nhiều sắc màu của ‘Thở’ tạo thêm năng lượng tích cực cho nhiều người - Ảnh: NVCC

Còn tại Toong Vista Verde (thành phố Thủ Đức, TP.HCM) đặt tác phẩm sắp đặt "Thở" của Ưu Đàm, sáng tác năm 2019. Với gần 1.000 cái bọc nilông hoạt động liên tục phồng lên, xẹp xuống, tạo ra âm thanh thú vị, mô phỏng nhịp thở của thành phố. Đây được xem là tác phẩm độc nhất vô nhị vừa thổi, vừa xẹp.

"Với thiết kế này, người đi lên tầng 2 sẽ đi vào trong tác phẩm. Quầy lễ tân được thiết kế đặc biệt với xác xe máy cũ trong lòng kính như vật trong bảo tàng. Từ đó, ống khí chạy lên, bơm vào những bọc nilông, mang lại cảm giác như những vật trong tủ kiếng có sức sống", Ưu Đàm cho biết.

Đặt tác phẩm của Trần Nữ Yên Khê, Ưu Đàm, Andy Cao vào nơi làm việc - Ảnh 7.

Tác phẩm “Quả biển” được đặt cố định tại quầy lễ tân cho nhiều người chiêm ngưỡng - Ảnh: NVCC

Tác phẩm "Quả biển" của Andy Cao đặt tại Toong Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) năm 2020. Tác phẩm với thiết kế đặc trưng xứ biển, khơi gợi ký ức về thời ấu thơ chơi đùa với biển.

Tất cả không chỉ mang đến thói quen vừa có thể làm việc vừa thụ hưởng nghệ thuật mỗi ngày mà còn nâng giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật trong mỗi người.

Chị Nguyễn Trần Diễm Quỳnh, nhân viên văn phòng, cảm thấy thích thú khi làm việc trong môi trường này, giúp tiếp thêm năng lượng và sự sáng tạo.

Ưu Đàm triển lãm sắp đặt xe gắn máy tại Nhật Ưu Đàm triển lãm sắp đặt xe gắn máy tại Nhật

TTO - Nghệ sĩ VN Ưu Đàm mang tác phẩm sắp đặt với 12 xe gắn máy và hơn 150 tác phẩm điêu khắc bóng khí góp mặt tại triển lãm Body/Play/Politics tại Bảo tàng nghệ thuật Yokohama, Nhật Bản.

HOÀI PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên