09/09/2014 12:35 GMT+7

Đất Quảng với phong trào Duy Tân - Kỳ 1: Nơi hội tụ thủ lĩnh

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Phong trào Duy Tân hồi đầu thế kỷ 20 được cho là ngọn triều cách mạng có ảnh hưởng và tiếng vang rộng lớn trong cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền đất nước.

Đôi bạn Phan Bội Châu (trái) - Huỳnh Thúc Kháng ở Huế Ảnh chụp lại từ nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng

Đất Quảng - nơi phong trào Duy Tân phát khởi - cũng là nơi có những hoạt động duy tân sôi nổi, điển hình, đầy hứng khởi cách mạng. Đúng 110 năm kể từ khi Duy Tân hội ra đời, những câu chuyện duy tân của cha ông vẫn còn được nhiều người xứ Quảng kể lại bằng ký ức truyền lưu với xúc cảm nồng nàn...

“Không biết tại răng Quảng Nam lại có nhiều người “làm Duy Tân” quá”- nhiều người ở Quảng Nam đã nói. Câu hỏi họ đặt ra cũng là nhận định của các nhà nghiên cứu rằng “Quảng Nam là đất tụ nghĩa Duy Tân”. Chính từ những cuộc gặp gỡ, kết giao của các ông Phan Bội Châu, Nguyễn Thành, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp..., phong trào đấu tranh mới mẻ này đã được khai sinh...

Từ ngôi nhà bên sơn trang Nam Thạnh

Ngôi nhà xưa của ông Nguyễn Thành - thường được gọi là Tiểu La, ở làng Thạnh Mỹ (xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) bị hư hỏng, người cháu nội của ông đã xây ngôi nhà mới ngay trên nền cũ. Đây từng là “bản doanh” của Duy Tân hội, do chính Nguyễn Thành (1863-1910) và Phan Bội Châu (1867-1940) lập ra vào năm 1904.

Giữa đế đô Huế bị kìm hãm bởi Nam triều và thực dân Pháp, năm 1903 từ Huế, Phan Bội Châu đã tìm đến Nguyễn Thành, từng là Tán tương quân vụ của Nghĩa hội Quảng Nam - một tổ chức Cần vương chống Pháp - bị thất bại, về ẩn mình nơi sơn trang nhằm để chờ thời cơ.

Thấy các cuộc chống Pháp bằng vũ lực từ Văn thân đến Cần vương đều bị thất bại, qua việc đọc Tân thư của các nhà cách mạng Trung Quốc như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi... rồi nhìn các nước trong vùng, nhất là Nhật Bản, nhờ biết duy tân - đổi mới mà giàu mạnh, cũng như các bậc khoa bảng không màng chuyện làm quan lúc bấy giờ, hai ông đã mở đầu việc thực hiện sách lược duy tân cứu nước.

Nhìn bức chân dung đầy ưu lự của Nguyễn Thành, nhớ lại những trang sử của ông và của Phan Bội Châu, trong ngôi nhà mang hơi hướm người xưa, giữa rừng cây nơi trảng đất từng là sơn trang Nam Thạnh ngày trước, thật xúc động khi nghĩ đến sự gian lao vì đại cuộc của hai ông. Hăm hở với đường lối đấu tranh được bạn đồng chí Tiểu La cùng mình vừa trù hoạch, từ Quảng Nam Phan Bội Châu trở ra Huế gặp Kỳ ngoại hầu Cường Để đặt vấn đề lập Duy Tân hội.

Mở đầu việc hiệu triệu người hưởng ứng phong trào, Phan Bội Châu lại “rút ruột gan” viết Lưu Cầu huyết lệ tân thư tìm cách phát tán. Bức tâm thư về thảm trạng của người dân mất nước, về việc phải mở mang dân trí, bồi đắp dân khí để lấy lại đất nước từ kẻ ngoại xâm, về việc kỳ vọng vào những bậc thức giả, hào kiệt đưa vai gánh việc cứu nước đã lay động, thức tỉnh được nhiều người. Và chính áng văn bi hùng này đã tạo cuộc hội ngộ, kết giao Phan Bội Châu với ba nhà yêu nước của đất Quảng lúc bấy giờ: Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng.

Nguyễn Thành lại xăng xái với việc tập hợp đồng chí, lấp kế hoạch vận động tài chính ở nội vùng. Phan Bội Châu thì bôn ba vào Nam, đến tận Châu Đốc, Sa Đéc kiếm tìm đồng chí cho việc lập Duy Tân hội. Phải làm nhanh! Không chậm trễ khi đã tìm được lối đi, sau thời gian vận động không dài, tháng 4-1904, tại nhà của Nguyễn Thành, Duy Tân hội đã được khai sinh với hơn 20 đại biểu tham dự. Ngoài hoạt động duy tân trong nước như lập hội buôn, trường học, cải cựu canh tân nếp sống, việc trọng yếu của Duy Tân hội là chọn đưa thanh niên sang Nhật Bản du học, về sau được gọi là phong trào Đông du.

Ngôi nhà được cháu nội cụ Nguyễn Thành xây ngay trên nền nhà của cụ Nguyễn Thành, ở làng Thạnh Mỹ, là nơi Duy Tân hội được khai sinh, 1904 Ảnh: H.V.M.

Lời hiệu triệu giữa trường thi

Nước mất, dân chúng lầm than, những bậc sĩ phu thấy nặng trách vụ của mình với dân với nước. Chán chường, khinh bỏ việc thi đậu để ra làm quan, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp - ba vị đậu đại khoa cùng thời - đã cùng nhau nhận ra đường duy tân cứu nước.

Phải lên đường! Năm 1905, Phan Châu Trinh từ quan, cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp Nam du cho kế hoạch đấu tranh mới. Quả là lý thú, trong chuyến Nam du này họ đã tạo nên một biến động duy tân tích cực, ấn tượng. Đến Bình Định, gặp khi sĩ tử ở đây đang vào kỳ khảo hạch toàn tỉnh, ba ông đã nghĩ ngay ra kế sách: cải làm thí sinh ký tên là Đào Mộng Giác để làm bài nộp.

...Đối với giang sơn người anh hùng cũng không còn nước mắt để khóc
Muôn dân chịu nô lệ dưới ách cường quyền
Nhiều người đang say mê trong giấc mộng văn chương bác cổ
Không biết ngày nào mới thoát khỏi chốn lao lung
Các anh chưa hẳn là người không tâm huyết
Mong hãy xem từ đầu chí cuối bài thơ này

(bản dịch)

Bài thơ Chí thành thông thánh (nguyên tác Hán văn) của Phan Châu Trinh là lời tâm huyết thức tỉnh sĩ tử và cả quan trường. Như “sấm giữa trời quang”, bài thơ này và bài phú Lương sơn danh ngọc (do Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp làm) nộp lên đã làm đám quan triều hốt hoảng. Quả là cuộc tuyên truyền duy tân ngoạn mục và hiệu quả.

Lại tiếp tục bước chân. Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp lo tuyên truyền vận động việc duy tân ở địa phương. Phan Châu Trinh lại ra Bắc, lên tận Yên Thế gặp tướng quân Hoàng Hoa Thám để luận định thế cuộc. Năm 1906, Phan Châu Trinh lại sang Trung Quốc, rồi đến Nhật xem xét việc duy tân của nước này.

Mùa hạ năm 1906 Phan Châu Trinh về nước, cùng với Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp tiếp tục vận động thực hiện duy tân, không chỉ ở Quảng Nam mà còn ở cả các tỉnh lân cận. “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, khẩu hiệu của phong trào Duy Tân bó gọn chừng ấy nhưng là cả một lô công việc đổi mới phải làm.

Về việc học phải học chữ quốc ngữ, bỏ lối học từ chương để theo lối thực nghiệp với các môn khoa học thường thức, nên học cả ngoại ngữ, tập rèn luyện thân thể. Về lối sống phải từ bỏ hủ tục, mê tín, nam phải cắt tóc ngắn, mặc âu phục, bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ... Về kinh tế phải canh cải việc sản xuất, nhất là công nghệ, coi trọng việc buôn bán, lập hội thương, hội nông...

Đây cũng là nội dung mà Duy Tân hội đã xướng xuất, thực hiện một phần trước đó. Nhờ vậy cùng với cuộc vận động của Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và một số nhà duy tân trụ cột ở các địa phương như Lê Cơ, Phan Thúc Duyện... công cuộc duy tân như một làn sóng tỏa lan nhanh ở Quảng Nam rồi đến các nơi khác ở miền Trung (và ra cả miền Bắc), được gọi là phong trào Duy Tân là vậy.

Duy Tân hội với phong trào Đông du do hai ông Nguyễn Thành, Phan Bội Châu lập năm 1904 với chủ trương cải cách để đấu tranh bạo động khi thuận hợp. Còn phong trào Duy Tân do các ông Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp xướng xuất vào năm 1906 với chủ trương cải cách nhưng bất bạo động. Có thể xem đây là hai phái Duy Tân, cùng song song tồn tại, không đối lập nhau tuyệt đối mà đan xen, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển, và phần lớn trí thức Nho học cùng ủng hộ, tham gia cả hai phong trào.

___________

Kỳ tới: Làng Duy Tân có một không hai

 

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên