11/04/2018 08:26 GMT+7

Đất Phú Quốc lại 'sốt 39 độ'!

K.NAM - H.T.DŨNG
K.NAM - H.T.DŨNG

TTO - Tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tại huyện Phú Quốc (Kiên Giang) thời gian qua diễn ra khá phức tạp, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Đất Phú Quốc lại sốt 39 độ! - Ảnh 1.

Khách tìm hiểu đất mặt tiền đường trục nam - bắc đảo đoạn qua ấp Suối Đá, xã Dương Tơ - Ảnh: K.NAM

Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa giao Thanh tra Chính phủ bổ sung thanh tra việc quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc vào kế hoạch thanh tra của đoàn thanh tra theo quyết định ngày 28-3 của tổng Thanh tra Chính phủ.

Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ, ông Trương Hòa Bình lưu ý phải tập trung làm rõ trách nhiệm quản lý đất đai; việc san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở trên đất nông nghiệp... 

Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phú Quốc (Kiên Giang) thời gian qua diễn ra khá phức tạp, có nguy cơ phá vỡ quy hoạch nhưng chưa được ngăn chặn và xử lý kịp thời.

"Đảo ngọc" hết bình yên

Thời gian gần đây, đi dọc trục đường từ thị trấn An Thới ở phía nam đảo tới xã Gành Dầu ở phía bắc đảo Phú Quốc, những cánh rừng bạt ngàn xanh mướt ngày nào đã không còn. 

Thay vào đó, người ta đã san ủi mặt bằng, phơi ra từng khoảng đất sỏi đỏ nham nhở. Những căn nhà tiền chế khung thép lợp tôn được cất vội để chiếm đất mọc lên san sát.

Bám trên trụ đèn, gốc cây, biển báo là đủ thứ tờ rơi, biển quảng cáo mua bán đất nền, đất công (1 công = 1.000m2), đất chính chủ, đất dự án có sổ đỏ... 

Ông Phan Văn Tân (xã Dương Tơ), trước đây làm nghề sửa ôtô nay kiêm thêm làm "cò" đất, cho biết bây giờ đất ở trung tâm đảo giá cao ngất ngưởng, một nền nhà vài trăm mét vuông giá đã lên tới vài chục tỉ đồng. 

Giá cao khiến đất nền không còn hấp dẫn, thay vào đó người ta đổ xô mua đất "công" (tức đất trồng cây lâu năm).

Từ quán cà phê, nhà hàng đến quán nhậu, công sở... đâu đâu trên đảo Phú Quốc cũng đều nghe bàn tán chuyện mua bán đất. 

Đảo Phú Quốc không còn bình yên như ngày nào, mà trở nên huyên náo hơn. Ngoài khách du lịch, mỗi ngày có một lượng rất lớn đại gia đi ôtô xịn đắt tiền với biển số từ khắp nơi đổ về đây giao dịch mua bán đất đai đón đầu đặc khu kinh tế.

"Có hẳn một khu vực chuyên bán các món ăn miền Bắc tại thị trấn Dương Đông để phục vụ du khách đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vô" - một chủ quán cà phê ở thị trấn Dương Đông cho hay. 

Theo thống kê mới nhất của cơ quan chức năng, đảo Phú Quốc hiện có 6.000 ôtô và khoảng 80.000 môtô các loại đăng ký lưu hành, chưa kể số phương tiện từ đất liền mang ra đảo lưu thông nhiều không thể thống kê hết.

Do lượng ôtô từ đất liền ra đảo rất lớn nên giao lộ ngã năm ngay trung tâm thị trấn Dương Đông bắt đầu xuất hiện tình trạng kẹt xe cục bộ vào giờ cao điểm. 

Ngoài ra, đoạn đường 30-4 và Nguyễn Trung Trực đi qua hai văn phòng công chứng số 1 và số 2 cũng thường xuyên ách tắc do lượng ôtô đậu hai bên quá nhiều, phần đường còn lại rất hẹp, không đủ cho các loại phương tiện khác qua lại.

Ai hưởng lợi nhờ sốt giá đất?

Ông Đặng Đức Giới - giám đốc một văn phòng giao dịch đất đai ở thị trấn Dương Đông - cho rằng có rất ít người dân cố cựu ở Phú Quốc được hưởng lợi từ những lần sốt đất, do đã bán đất ngay từ lần sốt giá đầu tiên cách đây cả chục năm. 

Ngoài ra, nhiều người dân gốc ở đảo bị mất đất là do các dự án xây dựng resort, khách sạn... thu hồi đất.

Tiền đền bù ít hay nhiều tùy theo thời điểm, có nhiều người cũng có tiền tỉ trong tay, nhưng rồi cũng dần trở nên nghèo đi do mất tư liệu sản xuất duy nhất là mảnh đất đã gắn bó bao đời nay. 

"Chỉ có giới đầu cơ "lướt sóng" đất đai Phú Quốc hưởng lợi. Giới "cò" đất cũng được hưởng theo nhưng không đáng kể" - ông Giới khẳng định.

Giá đất tăng chóng mặt khiến nhiều người có đất bán lầm cho "cò" phải ôm hận. Ông H. (ngụ ấp 4, xã Cửa Cạn) cho biết vừa bán 22 công đất trồng cây lâu năm với giá 3,9 tỉ đồng/công. 

Chỉ một ngày sau khi hoàn tất thủ tục, người mua đã sang tay lại với giá 4,2 tỉ đồng/công, ông H. tiếc hùi hụi vì mất trắng 6,6 tỉ đồng.

Tại một quán cà phê trên đường 30-4 gần văn phòng công chứng số 1, anh M. - "cò" đất còn khá trẻ tuổi - nhận định giới đầu cơ đã tỏ ra thận trọng hơn rất nhiều sau khi có thông tin sẽ có đợt thanh tra lớn về công tác quản lý đất đai, tài nguyên - môi trường ở Phú Quốc.

Theo "cò" M., lấy được tiền hoa hồng cũng không dễ, mà phải đầu tư hàng chục triệu đồng để mua và liên tục cập nhật bản đồ quy hoạch sử dụng đất ở đảo Phú Quốc. Bởi nhiều khách mua đất đòi hỏi phải đối chiếu quy hoạch, xác minh nguồn gốc đất cẩn thận rồi mới chồng tiền.

Nhiều "cò" đất ở Phú Quốc thừa nhận những ngày gần đây, mặc dù lượng khách tìm mua đất vẫn đông nhưng số lần giao dịch thành công rất ít, chủ yếu do giá đất đã bị giới đầu cơ mua đi bán lại lòng vòng đẩy lên cao ngất ngưởng.

"Nhưng nguyên nhân chính khiến giới đầu cơ e ngại và trở nên thận trọng hơn là thông tin đang có đợt thanh tra về công tác quản lý đất đai và tài nguyên - môi trường trên đảo Phú Quốc" - T., một "cò" đất, nói.

Siết quản lý đất đai ở Phú Quốc

phuquocdatdai 3(read-only)

Che dù bán đất ngay khu phố 1, thị trấn Dương Đông - Ảnh: K.NAM

Ngày 9-4, ông Nguyễn Thanh Nghị - bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang - đã ký công văn về việc tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Phú Quốc.

Trong đó yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN-MT khẩn trương kiểm tra, rà soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác quản lý đất đai tại Phú Quốc, kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp không đúng quy định.

Ngoài ra, phải rà soát trình tự, thủ tục thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Sở TN-MT được giao chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, UBND huyện Phú Quốc tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.

Kiên quyết xử lý nghiêm việc tự quy hoạch, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trong khi chưa được cho phép; việc xây dựng công trình nhà ở trong phạm vi đất đã giải phóng mặt bằng (tái chiếm), đất thuộc phạm vi hành lang an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, việc lấn chiếm đất nhà nước quản lý.

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm công chức, viên chức có hành vi vi phạm khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai.

UBND huyện Phú Quốc và Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cũng được yêu cầu phổ biến, công khai thông tin về quy hoạch trên địa bàn; nghiêm cấm mua bán, chuyển nhượng liên quan đến đất rừng, đất nhà nước và tổ chức đang quản lý sử dụng.

Ban thường vụ Huyện ủy Phú Quốc phải tăng cường hơn nữa trong lãnh đạo công tác quản lý đất đai.

Nâng cao trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

"Phát hiện, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích trên địa bàn và buộc người có vi phạm khôi phục tình trạng ban đầu" - công văn nêu rõ.

K.NAM - H.T.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên