Đoàn công tác của Trung ương Đoàn cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm việc với Thành đoàn TP.HCM chiều 21-1 - Ảnh: Q.L.
Bí thư thứ nhất Nguyễn Anh Tuấn dẫn đầu đoàn công tác của Ban bí thư Trung ương Đoàn làm việc với Thành đoàn TP.HCM. Phó bí thư thường trực Thành ủy - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng tham gia buổi làm việc này.
Sản phẩm cuối cùng của Đoàn không gì khác là con người mới, con người tốt, có khát vọng, đầy hoài bão đưa đất nước đi lên, có lòng tin và một lòng đi theo, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Anh NGUYỄN ANH TUẤN (bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn)
Vai trò đầu tàu
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang cho rằng TP.HCM từng thể hiện rất rõ vai trò tạo mẫu, dẫn dắt phong trào chung của tuổi trẻ cả nước.
Tuy vậy, vài năm trở lại đây, dấu ấn phong trào thanh niên, sinh viên của thành phố "chưa được nâng tầm". Chị Trang nêu: "Câu chuyện hiến kế, làm mẫu cần được đầu tư hơn để có được những mô hình mới cho phong trào chung của tuổi trẻ cả nước".
Chia sẻ suy nghĩ này, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết đề nghị Thành đoàn cần phân tích rõ hơn ưu, khuyết điểm của từng phong trào, chương trình, hoạt động cụ thể vì "TP.HCM có nhiều mô hình, đầu mối lớn trong hoạt động Đoàn".
Anh Triết cũng lưu ý từ kinh nghiệm tham gia hoạt động phòng chống dịch thời gian qua, tổ chức Đoàn thành phố sẽ tổng kết mô hình, cách làm hiệu quả và chuẩn bị phương án để phòng khi dịch quay lại không bị động, ứng phó hiệu quả hơn.
Bí thư Thành đoàn Phan Thị Thanh Phương nói vẫn duy trì các đội hình phản ứng nhanh tại cơ sở để kịp thời ứng phó nếu dịch có quay trở lại.
Cạnh đó, các sản phẩm sau dịch đã xuất hiện như mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 của Hội Thầy thuốc trẻ, chương trình chăm sóc cho hơn 1.800 trẻ mồ côi sau dịch đang vận hành với nhiều hoạt động lâu dài.
Đoàn công tác đặt vấn đề về việc hỗ trợ thanh niên tham gia khôi phục kinh tế - xã hội của thành phố, xem xét hỗ trợ công nhân từ các tỉnh quay lại làm việc, câu chuyện khởi nghiệp, lập nghiệp.
Trả lời, anh Doãn Trường Quang (ủy viên thường vụ Thành đoàn) thông tin ngay khi tình hình dịch bệnh chưa kết thúc, Thành đoàn đã bắt tay ngay các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong đó có tập hợp kiến nghị, nhu cầu của doanh nghiệp trẻ, hỗ trợ vốn vay cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Với công nhân các tỉnh quay trở lại thành phố làm việc, Đoàn hỗ trợ việc xét nghiệm nhanh, tìm nhà trọ, giới thiệu việc làm để các bạn có thể vào làm việc ngay.
Phó bí thư Trần Thu Hà nói Thành đoàn sẵn sàng hỗ trợ, tiếp nhận và tiếp sức người lao động từ các tỉnh trở lại TP. "Mong Trung ương Đoàn có chỉ đạo cụ thể với các tỉnh trong việc phối hợp này trong chương trình "Hành trình ngày trở lại", nhất là dự báo số lượng lao động quay lại TP.HCM sau Tết sắp tới" - chị Hà đề xuất.
Đi vào bức xúc của thanh niên
Bằng góc nhìn của một người từng gắn bó công tác thanh niên, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt vấn đề cần thể hiện đúng "vai" của Đoàn trong công tác thanh niên. "Vai" đó, theo ông Mãi, chính là ngay trong đại hội Đoàn của TP sắp tới phải bàn câu chuyện, bức xúc, nhu cầu của chính thanh niên, đặc biệt là thanh niên ở trung tâm, đô thị lớn như TP.HCM.
Chủ tịch UBND TP nói có những việc phải thừa nhận thanh niên nhạy cảm hơn, làm tốt hơn, có phương thức tập hợp hiệu quả. Ông Mãi nêu câu chuyện có cả chục ngàn bạn trẻ TP không hề có bếp trong nhà, nhiều bạn chỉ cần thuê võng ngủ qua đêm và sáng hôm sau vẫn quần áo chỉnh tề đi làm.
Ông nói Đoàn phải lao vào việc này, tổ chức chỗ ở cho thanh niên ra sao để có những khu nhà trọ thanh niên, khu lưu trú văn hóa. Có rất nhiều vấn đề, áp lực của thanh niên đô thị mà Đoàn cần bàn để đại hội là diễn đàn của thanh niên, không phải cứ áp từ trên xuống. "Hãy nhìn ở góc độ làm sao để thanh niên cống hiến tốt hơn chứ không phải Đoàn chăm lo cho họ thế nào" - ông Mãi nêu.
Bí thư thứ nhất Nguyễn Anh Tuấn nói dù bối cảnh năm 2021 rất nhiều khó khăn nhưng sức sống, sức sáng tạo của cơ sở lại rất tốt, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt cao. Đoàn phải ở vị thế đi đầu đề xuất chính quyền giao việc cho Đoàn, có việc mới tạo môi trường cho thanh niên cống hiến, trưởng thành.
Anh Tuấn lưu ý cần thay đổi tư duy, tính toán nội dung của nhiệm kỳ đại hội 2022 - 2027 vào ngay chương trình công tác năm 2022, có vậy mới đúc kết cách làm, đóng góp cho Đại hội Đoàn toàn quốc XII cuối năm nay.
Anh Tuấn đề nghị mang tinh thần tiến công để đi vào hoạt động năm 2022, tự đặt thêm yêu cầu cho chính tổ chức mình, với từng hoạt động của Đoàn với Thành đoàn TP.HCM. "Từng hoạt động, sự kiện, công việc cần tạo cảm xúc trong thanh thiếu nhi, dư luận xã hội. Có vậy mới dẫn dắt được thanh thiếu nhi, nếu không sẽ chỉ là lối mòn, làm cho xong việc và chúng ta sẽ tụt hậu rất nhanh" - anh Tuấn phát biểu.
Lên tiếng trước tình trạng trẻ bị bạo hành
Chủ tịch Hội đồng Đội trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang đặt hàng TP.HCM tính toán, xây dựng cơ chế để tổ chức Đoàn - Đội trước các vụ việc trẻ em bị bạo hành, nhất là khi có vụ việc nghiêm trọng, tạo dư luận xã hội xảy ra tại địa bàn.
Cho biết tổ chức Đoàn - Đội đã kịp thời lên tiếng khi có bất kỳ vụ việc nào xảy ra song phó bí thư Thành đoàn Trần Thu Hà thừa nhận có lúng túng nhất định.
"Tổ chức Đội TP đang tham mưu cơ chế khi có sự việc nào xảy ra, tổ chức nào, ai sẽ xuất hiện và với vai trò nào trước các vụ việc liên quan đến trẻ em, không ngoài mục tiêu lên tiếng để có thể chăm sóc, bảo vệ trẻ tốt hơn nữa" - chị Hà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận