01/03/2021 13:42 GMT+7

Đất ở Long An, An Giang biến động mạnh, đất nông nghiệp ít tăng

SƠN LÂM - BỬU ĐẤU - LÊ DÂN
SƠN LÂM - BỬU ĐẤU - LÊ DÂN

TTO - Từ giá đất do các tỉnh ban hành, có thể thấy 5 năm qua Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh giá đất các khu vực đất ở, trong khi nhiều tỉnh vẫn giữ giá đất nông nghiệp ở mức thấp để thu hút đầu tư.

Đất ở Long An, An Giang biến động mạnh, đất nông nghiệp ít tăng - Ảnh 1.

So với thời điểm năm 2016, đất ở thuộc huyện Bến Lức, Long An tăng trung bình gấp 3 lần trong bảng giá đất tỉnh này áp dụng từ năm 2020 - Ảnh: SƠN LÂM

Long An, địa phương có địa bàn giáp ranh rộng với TP.HCM, giai đoạn 2015-2019 trải qua nhiều đợt biến động giá đất rất mạnh, chủ yếu do sốt đất ở khu vực đô thị và các địa bàn huyện giáp ranh TP.HCM và TP Tân An.

Giá đất ở tăng hơn gấp 3

Theo bảng giá đất tỉnh này ban hành vào cuối năm 2019, cho giai đoạn 2020-2024, nhiều khu vực đất ở đã tăng giá hơn gấp đôi, gấp ba so với bảng giá giai đoạn 2015-2019.

Đơn cử, đất ở nằm trên trục đường Hùng Vương đoạn từ quốc lộ 1 đến đường Bùi Chí Nhuận (TP Tân An) được ban hành giá 45 triệu đồng/m2, tăng hơn gấp đôi mức giá cũ 19 triệu đồng/m2.

Ở huyện Cần Giuộc, khu vực tiếp giáp quốc lộ 50 từ vị trí giáp ranh TP.HCM kéo dài đến khu vực ngã ba Tân Kim năm 2016 được ban hành giá 2 triệu đồng/m2, đến cuối năm 2019 đã có giá hơn 7 triệu đồng/m2.

Tỉ lệ nhảy vọt này cũng tương tự giá đất ở nhiều nơi khác như huyện Đức Hòa, Cần Đước, Bến Lức…

Tại An Giang, ông Nguyễn Việt Trí - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh - cho biết đến thời điểm này tỉnh An Giang vẫn chưa thông qua bảng giá đất năm 2021, bởi giá đất tại TP Long Xuyên biến động mạnh kể từ khi được công nhận lên đô thị loại I vào tháng 8-2020 và Ngân hàng Thế giới đầu tư vào.

"Trước đó tỉnh đã họp mấy lần nhưng vẫn chưa thông qua được do giá đất TP Long Xuyên biến động mạnh và chưa thống nhất được với các huyện, thị khác. Một số người nói giá đất tăng cao sẽ khó kêu gọi đầu tư, hoặc thấp quá sẽ thất thu thuế. Vì vậy, giá đất lần này phải làm sao hợp lý nhất", ông Trí nói.

Theo ông Trí, giá đất Nhà nước ban hành tới đây ở khu vực đô thị sẽ tăng để đưa giá tiệm cận với giá thị trường tăng nhưng không quá thấp để tăng nguồn thu, tránh thất thoát thuế.

Giữ giá đất nông nghiệp để thu hút đầu tư

Về chủ trương, ông Nguyễn Thanh Bình - chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho biết tỉnh vẫn chú trọng giữ giá đất nông nghiệp không tăng để thu hút đầu tư: "Các nhà đầu tư vào ngoài vùng đô thị sẽ tạo điều kiện tốt nhất, không để bị ảnh hưởng bởi giá đất nông nghiệp tăng. Nên khuynh hướng trong bảng giá đất mới cũng sẽ hầu hết là giữ lại giá đất nông nghiệp cũ".

Tương tự, ông Phạm Tùng Chinh - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Long An - cho biết bảng giá đất nông nghiệp giai đoạn 2020-2024 chỉ tăng cao nhất khoảng 40% so với bảng giá đất cũ.

Qua so sánh hai bảng giá, nếu giá đất nông nghiệp ở khu vực có mức giá cao nhất tỉnh Long An vào thời điểm 2016 được ban hành giá 210.000 đồng mỗi mét, thì đến cuối năm 2019, giá chỉ tăng lên đến 250.000 đồng.

Theo ông Chinh, bảng giá đất có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 và có lẽ trong thời gian qua, do tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục phức tạp nên sở vẫn chưa ghi nhận biến động về giá đất.

Giá đất nông nghiệp Long An giảm sau cơn sốt Giá đất nông nghiệp Long An giảm sau cơn sốt

Sau một thời gian dài giới đầu tư săn đất và tăng giá, hiện giao dịch nhà đất tại Long An đã quay đầu giảm nhiệt, kéo theo đất nông nghiệp.

SƠN LÂM - BỬU ĐẤU - LÊ DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên