Sáng 31-8, tại Đường sách TP.HCM diễn ra sự kiện Kinh nghiệm giáo dục và phát triển - Ra mắt sách Nhàn đàm giáo dục của nhà giáo, chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng.
Sự kiện chia sẻ về câu chuyện giáo dục và sự ảnh hưởng của giáo dục đối với một con người từ nhiều trải nghiệm riêng của tác giả.
Việc biết chữ khiến giá trị con người lớn lên
Từ chính kinh nghiệm cá nhân về thực hành giáo dục và từ những thao thức trước bức tranh giáo dục đầy rẫy bất cập, ngổn ngang hiện nay, tác giả Phan Chánh Dưỡng cô đọng thành một cuốn sách "nhàn đàm" dày 268 trang.
Phan Chánh Dưỡng nói gốc rễ của ông là một người "chạy giặc" trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khi ấy, cuộc đời ông chỉ là thích nghi và tồn tại.
Chiến tranh kết thúc, thoát khỏi cảnh chạy ăn từng bữa, ông bắt đầu nghĩ đến việc nên làm gì để vừa giúp cuộc sống của mình vừa đóng góp được cho xã hội.
Và theo ông, yếu tố góp phần lớn nhất cho xã hội chính là giáo dục và học tập. Đó là điều mà ông gửi gắm trong cuốn sách.
Từ 5,6 tuổi, Phan Chánh Dưỡng đã nhận thấy vai trò của giáo dục vô cùng quan trọng. Ông nói:
"Tôi có cơ hội bắt đầu việc học tập từ sớm ở lớp của một người thầy giáo.
Suốt hai năm trời, tôi được dạy chữ quốc ngữ, học Toán, tiếng Tây, chữ Hán... Chính điều này khiến tôi nhận ra tôi hơn được những đứa trẻ lớn tuổi hơn tôi mà không biết chữ. Tôi ý thức rằng việc biết chữ làm cho giá trị của mình lớn lên".
Bài học quản trị cuộc đời từ cái bếp của Phan Chánh Dưỡng
Sách Nhàn đàm giáo dục - Từ trải nghiệm riêng chia làm 7 phần, trình bày quan điểm của tác giả về vấn đề giáo dục ở các góc độ: vai trò gia đình, nhà trường, xã hội, bản thân, đặc thù của cộng đồng và cá nhân đóng góp cho nền giáo dục, tầm nhìn giáo dục trong tương lai và có phần phụ lục với 15 bài báo tuyển chọn nhất quán chủ đề giáo dục từ 1981 - 2004.
Quyển sách là những gì tác giả đã kinh qua, từ việc tự học của bản thân và cả sự suy tư về dạy - học của ngành giáo dục hiện nay.
Trong cuốn sách, có câu chuyện về bài học "quản trị nhà bếp" từ những năm 14, 15 tuổi của ông. Phan Chánh Dưỡng chia sẻ với độc giả tại sự kiện:
"Ngay từ thời chiến tranh khó khăn, mẹ tôi đã không cho phép tôi rời xa cuộc sống gia đình. Mỗi buổi sáng, sau khi xong việc cá nhân, tôi có nhiệm vụ gấp mùng, mền, rửa ly trà, quét nhà và bắt đầu mở cửa dọn hàng buôn bán.
Quy trình này luôn luôn lặp lại mỗi ngày và tôi chỉ làm trong 1 tiếng đồng hồ. Từ đó, tôi hiểu ra rằng: Giờ nào việc nấy. Mọi thứ đều có quy trình và chịu sự khống chế của thời gian, không gian. Có như vậy, năng suất làm việc mới cao hơn.
Đây là một kinh nghiệm thực tiễn mà tôi muốn nhắn nhủ đến các bậc cha mẹ. Chúng ta nên giáo dục con tự quản lý cuộc đời của mình một cách độc lập ngay từ nhỏ. Nếu đã quản trị tốt bản thân thì việc quản lý những điều lớn lao hơn sẽ rất dễ dàng".
Đề cập đến vai trò của giáo dục đối với các ngành, nghề trong xã hội, ông Phan Chánh Dưỡng cho rằng có những ngành nghề chưa có nhiều cơ hội việc làm nhưng nó đem lại giá trị lâu dài cho xã hội, đất nước, chẳng hạn như nghề khảo cổ, bảo tồn.
Nhà nước cần quan tâm, bộ giáo dục, trường học cần đầu tư những ngành này cho những đứa trẻ và tương lai của quốc gia.
Trong kinh tế và chính sách công, Phan Chánh Dưỡng được biết tới như một chuyên gia chủ chốt của Nhóm tư vấn kinh tế cho Thủ tướng; người đóng vai trò cố vấn mang lại nhiều thành tựu phát triển cho TP.HCM trong giai đoạn Đổi mới.
Trong giáo dục, Phan Chánh Dưỡng còn là một "người tự học chuyên nghiệp". Ông là giáo sư vật lý, giảng viên thực tiễn của chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright.
Sau cuốn sách Ký ức theo dòng đời, tác giả Phan Chánh Dưỡng ra mắt cuốn sách thứ hai về chủ đề giáo dục là Nhàn đàm giáo dục - Từ trải nghiệm riêng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận