13/11/2012 03:15 GMT+7

Đặt niềm tin, trao cơ hội cho tuổi 16

NHÓM PV NST ghi
NHÓM PV NST ghi

TT - Đó là những gửi gắm chung cho lứa tuổi 16 của các chuyên gia tâm lý, nhà xã hội học, luật sư...

RD6q41OA.jpgPhóng to
Chỉ khi nào gia đình thôi khư khư bảo bọc, giáo dục nhà trường hướng nhiều hơn đến mảng kỹ năng sống, học sinh tuổi 16 mới tự tin khẳng định “tôi đã lớn”. Trong ảnh: các bạn học sinh nhận học bổng “Chung một ước mơ” sinh hoạt trò chơi tập thể ở khu vui chơi Bửu Long, Biên Hòa, Đồng Nai - Ảnh: Thuận Thắng

Lứa tuổi 16-18 thời nay hội tụ nhiều điều kiện để sớm phát triển, lớn khôn. Nhìn nhận đúng sự trưởng thành của người trẻ và đặt niềm tin, trao cơ hội, trách nhiệm cho họ là điều mà người lớn cần hướng đến.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu:

Nên tin tưởng giao nhiệm vụ cho các em

Với một đứa trẻ thụ hưởng một nền giáo dục tốt ngay từ nhỏ thì khi bước vào tuổi 16 - về cơ bản - tâm lý đã có sự chín chắn. Tuy nhiên, trẻ 16 tuổi vẫn cần thời gian thử nghiệm bản thân thông qua sự tương tác với người lớn trong gia đình, bạn bè, thầy cô và những người xung quanh để nhận thức, thái độ và hành vi có sự ổn định, nhất quán.

Cho nên nếu xem trẻ 16 tuổi là trẻ con thì sẽ khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng, nhưng nếu kỳ vọng trẻ sẽ có cách nghĩ, cảm nhận và hành xử như một người trưởng thành thì người lớn vô tình đang tạo áp lực cho trẻ.

Sự trưởng thành hay sự hoàn thiện bản thân là một tiến trình chứ không phải là đích đến. Để cho tiến trình trưởng thành của trẻ diễn ra thuận lợi thì ngay từ khi còn rất nhỏ trẻ cần phải học cách tin vào bản thân và tin vào người khác.

Cho nên, không chỉ trẻ 16 tuổi cần được giao nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ được giao, mà điều này người lớn cần phải tập cho trẻ ngay từ khi trẻ bắt đầu có ý thức về bản thân vào khoảng 2-3 tuổi. Chỉ khi được tin tưởng giao nhiệm vụ và chịu trách nhiệm về điều đó, trẻ sẽ cảm nhận bản thân mình có giá trị và khi lớn lên trẻ sẽ tự tin, tự chủ.

Luật sư Trần Công Ly Tao (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP. HCM):

Thành lập tòa án người chưa thành niên

Trong gần 20 năm hành nghề thì 70% số vụ án tôi tham gia bào chữa có liên quan tới hành vi phạm tội của lứa tuổi thanh thiếu niên. Hiện nay, tội phạm lứa tuổi vị thành niên ở nước ta đang ở mức báo động cao, là vấn nạn của toàn xã hội. 16 -18 tuổi là lứa tuổi đang lớn, đa số chưa phát triển toàn diện, hoàn chỉnh về tâm sinh lý dẫn tới nhận thức, thái độ, hành vi có lúc còn lệch lạc, lầm lỡ.

Thời gian gần đây, tình trạng, xu hướng trẻ hóa tội phạm gia tăng chóng mặt về cả số lượng, tính chất lẫn mức độ nghiêm trọng. Làm sao để hạn chế và giảm bớt số người chưa thành niên đang trượt dài trên con đường phạm tội, giúp họ sửa sai để quay trở về làm công dân có ích là bài toán đau đầu dành cho các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội.

Theo tôi, đứng ở góc độ của một luật sư đi bào chữa cho những người trẻ đã gây ra tội, khi mà việc đã rồi thì việc định hướng thành lập một hệ thống tòa án chuyên biệt cho người chưa thành niên nên chăng là việc cần xem xét, triển khai thực hiện nếu hợp lý. Tòa án dành cho lứa tuổi vị thành niên bao gồm những người tham gia điều tra, truy tố, xét xử...ngoài những kiến thức cần thiết về luật pháp thì phải thật sự hiểu và am hiểu sâu sắc tâm sinh lý của lứa tuổi 16, 17 này để vừa xử đúng người đúng tội vừa có lý có tình.

Tiến sĩ Trương Văn Vỹ (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM):

Nặng về giáo dục, nhẹ về trừng phạt

Lứa tuổi vị thành niên bây giờ phát triển tâm sinh lý sớm hơn thế hệ chúng tôi do điều kiện nuôi dưỡng, giáo dục tốt hơn và sớm tiếp cận các phương tiện khoa học kỹ thuật tiến bộ, hiện đại... Tuy nhiên, phần lớn bạn trẻ lẫn phụ huynh của họ đều mặc định tuổi này là tuổi ăn tuổi chơi, chưa có nhận thức đầy đủ và tự chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình.

Muốn lứa tuổi 16-18 tự đứng ra giải quyết các vấn đề của mình và ngoài xã hội thì người lớn phải tôn trọng trẻ, đặt niềm tin vào trẻ và cần phải trang bị đầy đủ cho trẻ mọi mặt như một người trưởng thành về hiểu biết, nhận thức... Con đường hữu hiệu nhất để phát triển nhân cách của trẻ đúng đắn là thông qua giáo dục. Để giáo dục con trẻ tốt thì mỗi người cha người mẹ, thầy cô cũng phải là tấm gương sáng.

Thông qua việc đẩy mạnh các môn học giáo dục đạo đức, lối sống, pháp luật bằng phương thức trực quan sinh động, gần gũi; đưa giáo dục giới tính vào chương trình giảng dạy tại trường học; tuyên truyền các câu chuyện về người tốt việc tốt...người lớn sẽ định hướng cho trẻ vị thành niên biết học hỏi điều hay lẽ phải, nhận thức và tránh xa cái xấu, cái ác.

Khi trẻ mắc sai lầm thì việc dùng hình phạt cũng nên cân nhắc và giải quyết phù hợp. Điều cốt lõi là giúp trẻ hiểu, nhận biết được suy nghĩ, hành vi của mình đúng hay chưa đúng để có sự điều chỉnh hợp lý. Để trẻ tự nhận ra sai lầm và cố gắng sửa sai là cách giúp trẻ sớm trưởng thành.

NHÓM PV NST ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên