Phóng to |
Bạn Hồng Tiến (thôn Mỹ Huệ, xã Bình Dương) xúc đất phụ mẹ kiếm tiền nuôi hai anh chị học ĐH. Tiến vừa đỗ thủ khoa vào lớp 10 Trường THPT Trần Kỳ Phong, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) |
Cả nhà cùng ước mơ
Ở thôn Mỹ Huệ, xã Bình Dương, chúng tôi đến nhà bạn Huỳnh Thanh Hồng vừa đỗ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Trong căn nhà xập xệ lọt thỏm cuối xóm, Hồng nhỏ nhẹ: "Phận con là ráng học hết sức, mong cha mẹ bớt cơ cực sau này". Ông Phúc - ba Hồng, 17 năm làm phó chủ tịch Hội cựu chiến binh xã đi lại trên chiếc xe đạp cũ rích - bảo: "Nghèo thì đã nghèo rồi, cứ phải lo cho tụi trẻ học trước đã”. Năm ngoái, Huỳnh Thị Diệu - con gái đầu lòng đỗ vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, vợ chồng ông phải chạy đi vay "Quỹ người nghèo" lo cho con học đại học. Giờ đến lượt Hồng, cả gia đình lại tất bật chạy vạy, xoay xở, nói như ông Phúc, lo cho sự học của con trước đã...
Ở xã nghèo này, chuyện cả nhà chăm lo việc học của con cái như ông Phúc nhiều lắm. Mỗi gia đình như một câu chuyện cổ tích về nghị lực vượt khó. Với vợ chồng bà Nhứt thì ròng rã 20 năm qua tảo tần thức khuya dậy sớm lênh đênh mua bán cá trên chiếc ghe gỗ cũ kỹ ở cửa biển Sa Cần, xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn; chắt chiu nuôi bốn con đỗ vào các trường ĐH. Còn ở thôn Mỹ Huệ, xã Bình Dương có một người con gái có cha bị bệnh tâm thần. Ngoài giờ học người con đó đi xúc cát, xúc sạn, ai thuê gì làm nấy... phụ giúp mẹ gửi tiền nuôi hai anh, chị học ĐH, CĐ. Người mẹ đỏ hoe mắt hạnh phúc nói về cô con gái ngoan Hồng Tiến: "Tiến nhiều lần muốn nghỉ học để đỡ đần mẹ. Tui ngăn cản quyết không cho, thật may, con Tiến nhà tui vừa đỗ thủ khoa vào lớp 10 Trường THPT Trần Kỳ Phong, huyện Bình Sơn".
Cả xã cùng góp gạo
Phóng to |
Vợ chồng ông Phạm Tấn và bà Nguyễn Thị Nhứt (thôn Đông Yên, xã Bình Dương) với chiếc ghe nhỏ lênh đênh trên biển nuôi bốn con học ĐH-CĐ |
Sự học ấy hôm nay vẫn thế, bà con xã Bình Dương vẫn lặng lẽ tự nguyện góp gạo, góp tiền giúp trò nghèo vượt khó đến trường. Thầy giáo Cao Ngọc Bảo, hiệu trưởng Trường THCS Bình Dương, cho biết năm 1992, do hoàn cảnh gia đình khốn khó, ba mẹ lại bị bệnh nặng, Xứng và Quang ở thôn Đông Yên có nguy cơ bỏ học. Nghe tin, các thầy cô, đoàn thể trong xã cùng bà con trong thôn góp gạo, góp tiền giúp hai em. Nhờ vậy, Xứng, Quang cũng như nhiều trò nghèo trong xã lần lượt vượt qua hoàn cảnh khó nghèo đỗ vào đại học và thành đạt.
Thầy giáo Ngô Quang Vinh - hiệu trưởng Trường THPT Trần Kỳ Phong, huyện Bình Sơn - nhận định: "Bình Dương học tập tốt do được đào tạo bài bản ngay từ những cấp dưới và quan trọng hơn được sống trong môi trường hiếu học...". Ông Lê Minh Chính, chủ tịch UBND xã Bình Dương, mỗi năm còn vào TP.HCM để làm cầu nối cho đồng hương Bình Dương quay về hỗ trợ con em quê nhà...
Nhiều học sinh năm xưa của vùng đất nghèo Bình Dương giờ đây thành đạt trong cả nước vẫn luôn nhớ về nguồn cội. "Tình làng, nghĩa xóm nơi quê nhà thuở trước đã nuôi dưỡng chúng tôi lớn khôn. Bây giờ chúng tôi phải có trách nhiệm quay về trợ sức cho đàn em của mình vượt qua gian khó” - anh Nguyễn Sự, giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tricoop, TP. HCM, xúc động nói về mối dây tình nghĩa chỉ để lo cho sự học quê mình ấy... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận