Ảnh: ExpertBeacon |
Thuở nhỏ, Les Brown có trí tuệ chậm phát triển nhưng luôn khát khao học hỏi và nỗ lực phát triển bản thân. Sau này ông trở thành một tác giả nổi tiếng về phát triển năng lực con người.
Ông từng chia sẻ: Khi đạt được mục tiêu, hãy lập mục tiêu mới. Đó là cách bạn tiến bộ và trở thành người mạnh mẽ hơn.
Triết gia Hegel cũng từng nhấn mạnh: Cuộc sống chỉ có giá trị khi nó có thứ gì đó đáng giá làm mục tiêu.
Nhưng trước khi đặt một mục tiêu nào đó, cần hỏi lại chính mình tại sao bạn đặt ra mục tiêu đó. Ngoài ra đừng để mục tiêu đặt ra quá chung chung, mơ hồ rồi trở nên khó thực hiện.
Tất cả các tài liệu khi nói về việc đặt mục tiêu đều nêu tiêu chí SMART, gồm Specific (Cụ thể), Measurable (Đo đếm được), Attainable/Achievable/Ambitous (Có thể đạt được, Có tính thách thức), Realistic (Phù hợp hoàn cảnh, thực tế), Timing/Time-bound (Có khung thời gian, thời hạn cụ thể).
Giả sử tiếng Anh của bạn hiện tại đã tương đối “ngon lành” nhờ thời học phổ thông bạn đã tích cực rèn luyện, và hiện tại bạn cũng không đến mức đầu tắt mặt tối, bạn đặt ra mục tiêu là “Tôi sẽ đạt được TOEIC 600 vào ba năm rưỡi nữa" - tức khi bạn ra trường.
Mục tiêu này có tính thách thức, nhưng khả năng thành hiện thực cũng cao, và ba năm rưỡi cũng là một thời gian hợp lý với hoàn cảnh của bạn.
Mục tiêu có thể chia thành ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Vậy bạn cũng cần đặt ra cho mình như sau: Mục tiêu dài hạn của bạn là gì? Mục tiêu ngắn hạn của bạn là gì? Liệu mục tiêu ngắn hạn của bạn có bổ trợ được điều gì cho mục tiêu dài hạn?
Bạn có thể đặt mục tiêu cho mình trong những lĩnh vực nào? Bên dưới là một số gợi ý dành cho bạn.
- Sự nghiệp: Bạn muốn đạt được những gì? Trở thành một người như thế nào sau... năm nữa?
- Tài chính: Thu nhập của bạn sẽ là... sau bao lâu nữa? Gồm những khoản nào?
- Kiến thức: Bạn muốn trang bị những kỹ năng gì? Bạn muốn học giỏi ngoại ngữ gì?
- Gia đình: Bạn muốn trở thành một người chồng/vợ/cha/mẹ như thế nào?
- Thái độ/Thói quen: Bạn có cần cải thiện hành vi, thói quen nào không?
- Thể chất: Bạn muốn ở tuổi 30, 40 sức khỏe của bạn sẽ như thế nào?
- Với người xung quanh: Bạn mong muốn mọi người sẽ nghĩ về bạn như thế nào?
Những mục tiêu trên của bạn có liên kết với nhau không hay chỉ là một sự rời rạc cũng là câu hỏi đáng để bạn dành thời gian suy ngẫm.
Đặt mục tiêu, khó nhưng rồi cũng dễ, nếu bạn tuân thủ những nguyên tắc trên. Vấn đề là nhiều người đặt mục tiêu ra để đó chứ chẳng làm gì nên kết quả vẫn giậm chân tại chỗ.
Có một mô thức được các nhà huấn luyện phát triển con người thường vận dụng, đó là mô thức GROWTH. Theo đó, G là viết tắt của chữ Goal (Mục tiêu), R là viết tắt của Reality (Thực tại hiện nay), O là viết tắt của Options (Lựa chọn) hoặc Opportunities (Cơ hội), W là Way Forwadr (Biến thành hành động cụ thể), T là viết tắt của Tactics (Thủ thuật, cách làm) hoặc Time (Thời gian) và H là viết tắt của chữ Habit (Thói quen).
Có thể lấy ví dụ trên để phân tích: mục tiêu của bạn là Tôi sẽ đạt được TOEIC 600 vào ba năm rưỡi nữa. Hiện tại trình độ tiếng Anh của bạn không đến nỗi nào, chỉ còn yếu mỗi nghe-nói. Vậy lựa chọn của bạn có thể là gì?
Đăng ký học khóa học online? Tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh? Sau khi lựa chọn xong, bạn cân nhắc vào thời khóa biểu hiện tại để biến lựa chọn thành hành động.
Với từng mốc thời gian: năm thứ nhất đạt được điều gì, năm thứ hai sẽ học cái gì... bạn biến việc làm này thành hoạt động đều đặn mỗi ngày/mỗi tuần... như một thói quen chứ không phải chỉ cảm hứng nhất thời được ít bữa rồi bỏ.
Vậy đó, hãy xác định mục tiêu và quan trọng vẫn là hành động để đạt được mục tiêu đó.
Liệu bạn có trì chí không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận