Phóng to |
Thạch Kim Long (vai Ba Mạnh, thứ tư từ trái qua) trong phim Ðất mặn Ảnh đoàn phim cung cấp |
Khi cái đói bủa vây, khi lòng tham vặt nổi lên, khi thói quen ăn xổi ở thì chi phối từng mảng đời sống thôn quê, khi những quy định/quyết sách thiếu nghiên cứu thực tế đã vội vã triển khai và băm nát ruộng đồng; số bị tác động đông đảo nhất, đau đớn nhất cuối cùng vẫn là những người nông dân. Khi những cánh đồng quê với cánh cò bay lả không còn mà thay vào đó là sân golf vun vút những quả bóng trắng, cũng là lúc người nông dân trở thành những kẻ tứ cố vô thân nơi tứ xứ. Ruộng không còn, nông dân làm gì? Con gái thì theo những ông chồng già què quặt xứ Ðài, con trai lên thị thành may mắn làm công nhân, còn không may thì sa đà thành tội phạm...
Ðất mặn vì thế mà đắng đót tận xương tủy những ai trót yêu và còn yêu đồng quê, còn đau đáu câu hỏi làm thế nào để hiện đại hóa nông thôn mà vẫn giữ được hồn cốt của thôn quê?
Bi kịch của người bám đất
Ðất mặn phát sóng vào 19g30 hằng ngày trên HTV9, phát lại trên HTVC Thuần Việt lúc 19g30 cùng ngày. Phim do Nguyễn Tường Phương đạo diễn, Võ Ðắc Dự viết kịch bản mô phỏng từ những câu chuyện đời trong các tập bút ký Ðồng cỏ chát, Canh bạc, Nỗi niềm U Minh Hạ của nhà báo Võ Ðắc Danh; bút ký Tiếng dội của đất và chương Ðồng trong tập trường ca Ðầu mùa mưa của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín. |
Ba Mạnh là một dạng nhân vật điển hình cho người nông dân tiên tiến, có tầm nhìn và có quyết tâm thực hiện những điều mình cho là đúng; dám bảo vệ lẽ phải, cho dù có những lúc không ai ủng hộ, thậm chí bản thân còn bị quy chụp là đối tượng phản động. Ðất mặn, thông qua bi kịch cá nhân của người nông dân Ba Mạnh, đã thể hiện rõ rệt một không gian nông thôn đầy chia cắt, đầy bất trắc với người nông dân.
Lần thứ nhất, chủ trương tập đoàn sản xuất đã làm cho Ba Mạnh gần như trắng tay. Chủ trương không đúng, may là Nhà nước sửa sai, đất đai được trả về cho chủ cũ. Ba Mạnh tiếp tục tích đất, bán trâu mua máy cày, quyết tâm làm ăn lớn và đời sống gia đình ông ngày thêm sung túc. Lần thứ hai, bất ngờ Nhà nước lại có chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp: không giữ nước ngọt để trồng lúa, người ta cho nước mặn vào để nuôi tôm. Chỉ một mình Ba Mạnh quyết giữ mảnh vườn của mình không để nước mặn xâm nhập. Ba Mạnh bị chính Sáu Trung - người phóng viên chiến trường năm xưa viết bài khen ngợi mình về thành tích chiến đấu nay được "trên" cử về điều tra - đã kết luận Ba Mạnh là thành phần chống đối.
Hai lần, Ba Mạnh quyết tâm theo đuổi chủ kiến của mình, vượt qua những khó khăn để được làm người nông dân trên mảnh đất mà mình đổ mồ hôi để sở hữu, để cấy cày.
Nhưng rồi lần thứ ba? Bi kịch lại ập đến, đất cứ trở về trong những giấc mơ của người nông dân mất đất, đi cùng với những giọt nước mắt mặn đắng lặng lẽ rơi...
Tử tế cả đời, đau đáu cả đời
Sự day dứt của cả biên kịch lẫn đạo diễn về thân phận người nông dân cũng như những giá trị mà họ đóng góp cho cuộc sống hiện đại đã thể hiện rõ ràng nhất ở nhân vật lửng lơ tốt xấu như Sáu Trung (Mạnh Hùng) và còn thể hiện ngay chính ở các nhân vật phản diện như Hai Nhỏ (Huỳnh Ðông), Xã Phan (Nguyễn Châu)... Sáu Trung mang nặng sĩ diện và định kiến.
Ở một góc nào đó, ông đã luôn đứng về phía những người lãnh đạo có quyền can thiệp hoặc quyết định về chính sách đối với nông dân - những người đã ra các quyết định nặng tính lý thuyết và thiếu sự thấu tình đạt lý. Hành trình Sáu Trung nhận ra chân giá trị của những lão nông tri điền như Ba Mạnh cũng là hành trình phản tỉnh của chính bản thân ông.
Những câu thoại mang tầm khái quát hay triết lý khá hiếm hoi trong 40 tập đã chiếu của Ðất mặn. Nhưng trong lời lẽ của bà Năm Dung có một lần ngoại lệ. Lần duy nhất người đàn bà này nói: "Con người ta phải sống tốt cho cả đời chớ không phải sống tốt một ngày". Cuối cùng thì Sáu Trung cũng nhận ra chân lý giản đơn này từ một người đàn bà nông dân và qua chính thái độ trong sáng của con trai mình - một nhà báo bám nông thôn và chia sẻ với nông dân thực thụ.
Không phải ai cũng có khả năng sống tử tế cả đời nếu họ không luôn tự nhắc nhở mình. Người nông dân trong Ðất mặn cũng vậy. Những giềng mối gia đình, làng xã vốn rất đằm thắm, đáng trân trọng đang dần mất đi cùng với sự càn quét của những cơn lũ bán đất lấy tiền "tươi". Có những câu chuyện rất buồn. Như người cha đau khổ cõng con rể Ðài Loan là một ông già tàn tật vào lễ cưới của con mình. Như người con trai khốn khổ đem xác cha về làng chôn thì không còn đất nữa...
Sống tử tế cả đời thì cũng đồng nghĩa với việc đau đáu cả đời vì những nỗi riêng - chung. Ðạo diễn Nguyễn Tường Phương làm khán giả day dứt mãi với câu chuyện buồn nhiều hơn vui về người nông dân mà ông đang kể qua Ðất mặn. Thế nhưng, nếu xem nỗi đau và sự day dứt là để thanh lọc tâm hồn và là lời cảnh tỉnh đối với con người thì Ðất mặn quả thật đã là một liều thuốc đắng đúng lúc.
Không chỉ là chuyện người nông dân với đất đai mà còn là sự mai một, thiếu vắng dần những giá trị của nông thôn xưa với những lề đẹp thói tốt. Ðất mặn đang cất lên tiếng than chua xót cho nỗi mất mát sự chất phác và cái đẹp ở con người và nông thôn xưa chăng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận