28/06/2019 08:59 GMT+7

Đất lún quá, TP.HCM lấp 100.000 giếng khoan

LÊ PHAN - THU HIẾN
LÊ PHAN - THU HIẾN

TTO - TP.HCM có khoảng 100.000 giếng khoan cung cấp một lượng nước khá lớn, nhưng cũng là nguyên nhân gây sụt lún đất thời gian qua. Trung bình mỗi giếng khoan được trám lấp tốn khoảng 1,2 triệu đồng.

Đất lún quá, TP.HCM lấp 100.000 giếng khoan - Ảnh 1.

Nhân viên Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định dùng bêtông trám lấp một giếng khoan trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Để trám lấp mỗi giếng chúng tôi dùng khoảng 25kg ximăng, 0,03m3 đá và 0,015m3 cát. Nhiều giếng khoan lâu ngày, khi cắt ống thì nước trào lên đỏ lè do nhiễm phèn. Nhiều chi tiết của máy bơm bị gỉ sét tới mục phần sắt, chỉ cần bóp nhẹ là vỡ vụn ra. Sử dụng nguồn nước này là bệnh chết.

Một nhân viên cấp nước

Chính vì thế, từ đầu tháng 6-2019, TP.HCM bắt đầu trám lấp một số giếng khoan của người dân, thay thế bằng nguồn nước sạch.

Vì sức khỏe, người dân ủng hộ

Sáng 21-6, nhà ông Nguyễn Đăng Dương trên đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh mở cửa đón các nhân viên đội thi công thuộc Công ty Cấp nước Gia Định đến trám lấp một giếng khoan.

Giếng khoan nhà ông Dương đã được sử dụng hơn 15 năm, máy bơm bị gỉ sét bám một lớp dày do trong nước có nhiều kim loại nặng. Đây là kết quả mà chính quyền quận Bình Thạnh vận động và ông Dương đã "vui vẻ nhận lời".

Ông Dương kể trước đây khu vực nhà ông ở không có nước sạch nên phải đi xin nước từ một nhà máy gần đó "rất bất tiện", vì thế ông thuê người khoan giếng ngầm để sử dụng dù biết nước ngầm không qua xử lý chứa nhiều chất độc không tốt cho sức khỏe.

"Nay hệ thống nước máy đã được lắp đặt tới tận nhà nên tôi đồng ý cho trám lấp để hạn chế sụt lún, ô nhiễm nguồn nước như đã được tuyên truyền" - ông Dương nói.

Trám lấp giếng khoan tại TP.HCM - Video: LÊ PHAN

Tại nhà ông Tiến trên đường Mai Xuân Thưởng, quận Bình Thạnh, giếng khoan nằm ngay trước nhà đã được gỡ hệ thống máy bơm và ngưng sử dụng từ lâu. Ông Tiến cho biết sau 15 năm xài nước từ giếng này, ông đã chuyển sang xài nước máy cho an toàn. 

Ông Tiến cho biết do đọc báo, nghe đài biết được nếu khai thác nước ngầm quá mức sẽ gây sụt lún, mà nhìn TP.HCM ngày càng ngập nặng do lún qua mỗi năm, vậy là ông đồng ý cho trám lấp giếng ngầm ngay.

Cũng trong buổi sáng hôm ấy, không chỉ nhà ông Dương, ông Tiến mà nhiều gia đình khác đã gọi điện thoại báo cho nhau mở cửa nhà cho đội thi công thực hiện trám lấp các giếng khoan đang sử dụng, dù "tiền nước mỗi tháng sẽ tăng lên nhưng chủ trương của thành phố là đúng, vì sức khỏe người dân và môi trường nên tôi chấp hành", theo anh Thành, nhà tại đường Mai Xuân Thưởng.

Đất lún quá, TP.HCM lấp 100.000 giếng khoan - Ảnh 4.

Nhân viên Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định trám lấp một giếng khoan trên đường Nguyễn Văn Đậu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Trám lấp miễn phí

Địa bàn Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định phụ trách hiện có hơn 17.000 giếng khoan thuộc các quận 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận và Gò Vấp. 

Ông Nguyễn Văn Đắng, giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định, cho biết để giảm khai thác nước ngầm, tránh sụt lún và đảm bảo sức khỏe cho người dân, công ty đang phối hợp với lãnh đạo các địa phương trên địa bàn vận động người dân trám lấp giếng khoan, sử dụng nước máy.

Ông Đắng cho biết năm 2019, công ty sẽ vận động khoảng 2.000 hộ dân trám lấp giếng khoan và năm sau con số này sẽ là 3.000 hộ. Năm năm tiếp theo, từ 2021 - 2025, công ty sẽ vận động 12.000 hộ dân thôi dùng giếng khoan để chuyển qua sử dụng nước sạch.

Vậy ai sẽ bỏ tiền ra để trám lấp giếng khoan? Theo ông Đắng, ở giai đoạn đầu, công ty cấp nước sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí cho người dân, trung bình mỗi giếng khoan được trám lấp tốn khoảng 1,2 triệu đồng. Một khi đã thực hiện rộng rãi, ông Đắng cho biết kinh phí sẽ trích từ ngân sách thành phố.

Theo ông Đắng, quy định hiện chỉ yêu cầu giảm khai thác chứ chưa cấm, nên công ty chỉ có thể vận động người dân chứ không thể cưỡng chế thực hiện. Thêm nữa, vẫn chưa có quy định, chế tài đối với tổ chức, cá nhân đã được cấp nước máy nhưng vẫn khai thác, sử dụng nước ngầm. 

Đó là chưa kể, theo ông Đắng, không ít người cho rằng nước ngầm không ai quản lý nên khoan lên xài miễn phí, trong khi nước máy phải trả tiền.

Còn ông Trần Công Lễ, phó giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa, cho biết hiện nay khu vực do công ty quản lý có gần 39.000 miệng giếng khoan và gần 7.000 đồng hồ nước có chỉ số tiêu thụ là 0m3 dù đã được cung cấp nước sạch.

Dự kiến trong cuối tháng 6, đơn vị sẽ tổ chức họp với UBND phường Tân Quý, quận Tân Phú và ban quản trị chung cư Độc Lập để thí điểm trám lấp giếng ngầm cho chung cư này sau khi công ty đã lắp đặt đồng hồ nước.

Theo ông Lễ, trong quá trình vận động các hộ dân sử dụng nước máy, công ty gặp rất nhiều khó khăn do nhiều hộ dân vẫn còn thói quen sử dụng nguồn nước giếng ngầm hoặc sử dụng song song hai nguồn nước máy và nước giếng.

Điển hình là tại Khu công nghiệp Tân Bình, các hộ sản xuất kinh doanh... dù công ty đã áp dụng giảm 10% đơn giá nước đối với những khách hàng có hệ thống ống nội bộ, mua sỉ nước sạch phân phối lại cho các đơn vị sử dụng nước khác trong hệ thống ống nội bộ "nhưng vẫn không mấy khả quan". Do đó, ông Lễ nói rằng rất cần có sự vào cuộc của nhiều cơ quan khác.

Đất lún quá, TP.HCM lấp 100.000 giếng khoan - Ảnh 5.

Đồ họa: V. CƯỜNG

Đủ nước sạch cho người dân

Ông Bùi Thanh Giang, phó tổng giám đốc Sawaco, cho biết đến năm 2025, tổng công ty cam kết mức khai thác nước ngầm giảm còn 30.000m3/ngày (lượng khai thác hiện tại khoảng 100.000m3). 

Để thực hiện mục tiêu này và đảm bảo nguồn nước cấp cho người dân, công ty sẽ tiếp nhận và đưa vào sử dụng nguồn nước mới từ Nhà máy nước Thủ Đức 3 và Nhà máy nước Tân Hiệp 2 với tổng công suất 600.000m3/ngày.

Sawaco sẽ giảm khai thác nước ngầm như thế nào? Trong trường hợp có sự cố về nước, liệu có bảo đảm được nước sạch cho người dân?

Ông Giang cho biết đầu tiên công ty đưa các công trình khai thác nước ngầm hiện hữu sang chế độ dự phòng, nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho thành phố khi có sự cố về nguồn nước mặt và trám lấp các giếng không còn sử dụng để bảo vệ nguồn nước ngầm. Hiện nay, theo ông Giang, công suất của các nhà máy sản xuất nước từ nguồn nước mặt đã đảm bảo được nhu cầu nước sạch của thành phố.

Tuy nhiên, với hàng trăm ngàn giếng khoan tại TP.HCM, để trám lấp phải mất nhiều năm, chưa nói đến nguồn vốn đầu tư những dự án phát triển các tuyến ống truyền tải nước sạch đến với người dân. 

Hơn nữa, theo ông Giang, rủi ro ô nhiễm nguồn nước mặt vẫn còn cao nhưng thành phố chưa có các công trình dự trữ nước thô, do vậy "nếu thực hiện giảm khai thác nước ngầm và trám lấp hoàn toàn hệ thống giếng đang khai thác thì khi xảy ra sự cố sẽ không đủ nước cấp cho người dân sử dụng".

Chính vì thế, công ty đã đặt ra lộ trình giảm khai thác nước ngầm và trám lấp giếng thành nhiều giai đoạn nhỏ. Lộ trình giảm khai thác nước ngầm cũng được đặt ra: năm 2019 mức nước ngầm khai thác còn 90.000m3/ngày, giảm 10% so với năm 2018 và năm 2020 giảm mức khai thác còn 70.000m3/ngày. Từ 2021 - 2023 chỉ còn 49.456m3/ngày.

Để đạt được mục tiêu này, phía công ty cho biết sẽ giảm công suất Nhà máy nước ngầm Tân Phú xuống mức 33.000m3/ngày, cùng với đó là ngừng khai thác và chuyển qua dự phòng thêm 8 trạm cấp nước do Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn quản lý sau khi hoàn thành các dự án phát triển mạng lưới, đảm bảo nguồn nước thay thế trên địa bàn Bình Chánh. 

Đồng thời, Sawaco điều chỉnh vùng phục vụ và sản lượng các nhà máy nước mặt tương ứng để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân.

Đến năm 2025, tổng công ty cam kết mức khai thác nước ngầm giảm chỉ còn 30.000m3/ngày. Lượng nước này sẽ được đưa vào chế độ dự phòng nhằm đảm bảo an toàn cấp nước cho thành phố khi có sự cố về nguồn nước mặt.

Đất lún quá, TP.HCM lấp 100.000 giếng khoan - Ảnh 6.

Đồ họa: V. CƯỜNG

Trám lấp giếng là cần thiết

Theo TS Ngô Minh Thiện (trưởng bộ môn thủy văn - địa chất công trình Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), việc sụt lún địa chất hiện nay chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, trong đó việc đô thị hóa, xây dựng nhiều công trình lớn trên nền đất yếu là nguyên nhân chính bên cạnh khai thác nước ngầm quá mức.

Tuy nhiên, nặng hơn việc sụt lún là ô nhiễm nguồn nước ngầm do sự xâm nhập các chất ô nhiễm do khoan và sử dụng giếng khoan không đúng kỹ thuật. Vì vậy, trám lấp giếng khoan không sử dụng là điều cần thiết.

"Về nguyên tắc, khi khai thác thời gian dài, một phần vật chất bị hút đi sẽ tạo thành khoảng trống trong lòng đất. Nhưng may mắn nước ngầm trong lòng đất sẽ được phục hồi dần qua thời gian, nước ở nơi khác sẽ chảy tới và bù dần vào giúp tái tạo khu vực trống này" - ông Thiện nói.

Jakarta: khai thác nước ngầm phải được cấp phép

Indonesia là nước có tốc độ sụt lún thành phố nhanh nhất thế giới với tốc độ 1 - 15cm, có nơi đến 25cm mỗi năm. Bắc Jakarta đã chìm 2,5m trong 10 năm qua và nếu không có hành động can thiệp nào, 90% khu vực này sẽ chìm 3-5m dưới mực nước biển trung bình vào năm 2050.

Các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã đề xuất nhiều giải pháp về chiến lược cho Indonesia bao gồm:

Ngưng khai thác nước ngầm tầng sâu: trong đó trách nhiệm của chính quyền là đi đầu thực hiện cấm khai thác nước ngầm tầng sâu ở tất cả các cơ quan chính phủ và các công trình công cộng.

Thành lập đội đặc nhiệm về sụt lún của Jakarta với nhiệm vụ tập trung vào việc giảm sụt lún ở nơi này.

Do nước máy chỉ cung ứng được 60% nhu cầu của hơn 10 triệu dân ở Jakarta, chính quyền thành phố yêu cầu đơn vị nào muốn khai thác nước ngầm phải đăng ký và được cơ quan chức năng cấp phép.

Trong khi đó, Tokyo (Nhật Bản) cũng đứng trước nguy cơ bị lún 50 năm trước, chính quyền đã hạn chế khai thác nước ngầm nghiêm ngặt và buộc các cơ sở kinh doanh chỉ được sử dụng nước tận dụng từ mưa và bề mặt. Nhờ hành động mạnh mẽ và kịp thời, Tokyo ngăn được vấn đề sụt lún.

3 bước chống sụt lún

Trên thế giới, các biện pháp chống sụt lún thành phố được khuyến nghị và phải thực hiện một cách tổng thể là:

- Quản lý bền vững nguồn nước: thay thế việc khai thác nước ngầm bằng các nguồn nước khác trên bề mặt, thu lại nước mưa hoặc lọc nước ngọt từ nước biển.

- Khôi phục hệ sinh thái về nước của thành phố: đưa nước trở lại tầng nước ngầm, tạo ra nhiều không gian để nước mưa có thể thấm trở lại vào lòng đất thay vì bêtông hóa không gian đô thị.

- Thiết kế đô thị theo hướng chống ngập: với các công trình đa chức năng vừa để vui chơi, giải trí vừa có thể tích nước khi dư thừa và xả nước khi thiếu nước. Bảo vệ các đường bờ biển, làm nhà sàn...

Sụt lún ĐBSCL vì khai thác nước ngầm quá sức chịu đựng

TTO - Bộ Tài nguyên - môi trường nhận định tình trạng khai thác nước ngầm quá mức là một trong những nguyên nhân gây sụt lún đất ở khu vực TP.HCM và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

LÊ PHAN - THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên