12/08/2012 06:10 GMT+7

Đất khu công nghiệp bỏ hoang: Tiếc đứt ruột!

Ông DANH THUẬN(phó chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc)
Ông DANH THUẬN(phó chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc)

TT - Trong khi Long An, Tây Ninh đã mạnh dạn thu hồi đất các khu công nghiệp (KCN) để trả lại cho dân, nhiều người dân ở ĐBSCL xót xa nhìn đất trồng hoa màu, trồng lúa trong các KCN đang hoang hóa từng ngày.

ltBP1nAx.jpgPhóng to
Người dân tận dụng dải phân cách con đường giữa hai KCN Hưng Phú 2A và 2B bỏ trống nhiều năm qua để trồng hoa màu - Ảnh: C.QUỐC

Dù nhiều KCN “treo”, bỏ hoang khắp nơi như vậy nhưng nhiều địa phương vẫn không thu hồi chủ trương với lý do để tiếp tục đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư. Hoặc khá lắm có địa phương bây giờ mới bắt đầu tính đến chuyện thu hẹp diện tích KCN.

Kiên Giang: xin thuê lại đất để... trồng lúa

Đây là tình cảnh của nhiều người dân có đất bị thu hồi trong phạm vi quy hoạch xây dựng KCN Thạnh Lộc (xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, Kiên Giang), nơi đây trước kia là đất trồng lúa với năng suất 8-10 tấn/ha. KCN này được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt quy hoạch chi tiết từ năm 2007 với tổng diện tích 250ha. Khi đó UBND tỉnh đồng ý giao cho Công ty TNHH xây dựng Quydeco (TP.HCM) đầu tư xây dựng hạ tầng với kinh phí dự kiến hơn 1.700 tỉ đồng, thời gian xây dựng được xác định trong khoảng năm 2008-2012. Hiện tại chủ đầu tư nơi đây là Công ty phát triển hạ tầng KCN tỉnh Kiên Giang và diện mạo của nó đến nay vẫn chỉ là... một cánh đồng đầy cỏ.

"Thấy đất ruộng bỏ trơ ra đó, không tiếc sao được"

“Chú coi, hơn 50ha đất thu hồi, bồi thường rồi bỏ trống như vậy hơn hai vụ lúa rồi, có tiếc đứt ruột không!” - bà Nguyễn Thị Sương ở ấp Hòa Lộc, nói. Gia đình bà có hơn 6 công đất nằm trong phạm vi KCN bị thu hồi và đã nhận bồi thường 140 triệu đồng/công (1.000m2). Sau khi nhận đền bù, gia đình bà phải sang lại đất cách đó vài cây số để tiếp tục sống với nghề trồng lúa. “Đất mới sang chỗ trũng chỗ gò không tốt như đất ở đây, lại xa, đi về mất 40.000 đồng tiền xăng nên cũng ngán ngẩm lắm” - bà cho biết.

Nhiều người dân ở ấp Hòa Lộc khi nói về tình trạng đất lúa bị thu hồi rồi để trống tại KCN này cũng tiếc rẻ như thế. Một số người có đất bị thu hồi và đã nhận bồi thường xin được tiếp tục sạ lúa trong thời gian chờ xây dựng KCN nhưng không được cơ quan chức năng chấp thuận.

Theo ông Danh Thuận, phó chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, cho biết người dân ở đây chấp hành rất tốt việc thu hồi đất để làm KCN và cả 174 hộ bị ảnh hưởng hầu như không ai khiếu nại, khiếu kiện gì. “Nhưng đã là nông dân sống bằng nghề trồng lúa, thấy đất ruộng bỏ trơ ra đó không tiếc sao được” - ông Thuận nói.

Trong khi đó, vụ đông xuân năm 2011 Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kiên Giang - đơn vị quản lý các KCN và khu kinh tế trên địa bàn - lại cho một số hộ dân từ nơi khác đến thuê một phần diện tích đã thu hồi để... trồng lúa. Ông Nguyễn Văn Tân, trưởng ban quản lý khu kinh tế, giải thích việc cho thuê lại đất trồng lúa chỉ thực hiện trong vụ đông xuân 2011 và có xin chủ trương của UBND tỉnh hẳn hoi, tiền cho thuê được 300 triệu đồng đã thu nộp ngân sách. Tuy nhiên, việc thu hồi đất lúa của dân để làm KCN rồi lại cho người khác thuê trồng lúa không khỏi khiến người dân bức xúc.

hCfTl55G.jpgPhóng to
Ông Ngô Hoàng Em nhận cam giống về trồng trên đất quy hoạch làm KCN Hưng Phú 1 (P.Tân Phú, Q.Cái Răng, TP Cần Thơ) vì không nỡ để đất trống trong nhiều năm qua - Ảnh: C.Quốc

An Giang: KCN là nơi đá bóng

Lưỡng lự thu hồi

Tại TP Cần Thơ, trước bức xúc của người dân về tình trạng dự án KCN “rùa bò”, HĐND Q.Cái Răng vừa kiến nghị thu hồi bảy dự án khu dân cư và KCN, trong đó có dự án KCN Hưng Phú 1 do Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Cần Thơ làm chủ đầu tư, KCN Hưng Phú 2A do Công ty TNHH một thành viên Vật liệu xây dựng và xây lắp thương mại BMC làm chủ đầu tư; và KCN Hưng Phú 2B của Công ty phát triển hạ tầng KCN.

Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ về đề nghị này của Q.Cái Răng, ông Nguyễn Thanh Sơn - chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết sẽ xem xét giảm bớt diện tích các KCN trên chứ không thu hồi toàn bộ. Trước đó trong buổi họp với lãnh đạo các sở ngành về điều chỉnh quy hoạch chung TP Cần Thơ đến năm 2050, lãnh đạo nhiều sở ngành đã đặt vấn đề phải xem xét lại các KCN này. Theo một lãnh đạo Sở Công thương TP Cần Thơ, nên điều chỉnh chức năng và giảm bớt diện tích ba KCN trên để thu hút nhà đầu tư “chứ KCN gì mà mười mấy hai chục năm vẫn giậm chân tại chỗ thì rất nhức nhối”.

Tình hình tại An Giang cũng không khá hơn. Nằm bên quốc lộ 91, KCN Bình Hòa rộng 132ha với phần lớn diện tích là bãi cát trống mênh mông với cỏ lau, cỏ đế, cây mai dương um tùm. Trên đó mới mọc lác đác dăm nhà máy, ngay cả ban điều hành KCN xây dựng xong rồi cứ đóng cửa im ỉm không một bóng người. Đó đây chỉ thấy mấy bầy trâu thả rông và ít người dân từ xa đến cắt cỏ đem về nuôi bò, dê.

Ông Huỳnh Văn Liệt, một người dân đang cắt cỏ, chỉ chúng tôi thấy cánh đồng lúa nằm sát bên vừa thu hoạch xong đang chuẩn bị gieo sạ vụ ba, ông bảo đất ruộng nơi đây vốn cho năng suất gần chục tấn lúa/ha. Nếu không làm KCN thì đất ruộng này trồng ba vụ lúa, mỗi năm thu được gần 3.000 tấn lúa. “Vậy mà cả chục năm nay thổi cát lên rồi bỏ trống không thể trồng trọt gì được. Nhìn thấy đất bỏ hoang qua từng năm càng xót ruột, tiếc quá!” - ông Liệt thở dài.

KCN này được quy hoạch từ năm 2003, nhưng đến nay có 10 dự án được cấp chứng nhận đầu tư, trong đó một dự án nước ngoài đăng ký thuê 4ha không triển khai đã bị thu hồi. Tương tự, KCN Bình Long ở huyện Châu Phú quy hoạch từ năm 2002 hiện vẫn còn nhiều vạt đất trống. Đến nay KCN này mới có sáu dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. KCN Xuân Tô ở huyện Tịnh Biên rộng 57ha đầu tư cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh từ lâu nhưng hiện chỉ có doanh nghiệp đăng ký thuê đất xây dựng một cơ sở mà hiện tại việc xây dựng này cũng dở dang. Bao năm qua đó là nơi thả nuôi trâu bò và trẻ em đá bóng.

Cần Thơ: nhu cầu canh tác của người dân là có thật

Tại TP Cần Thơ, nơi này đã quy hoạch ba KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A và Hưng Phú 2B với tổng diện tích gần 500ha ở các phường Tân Phú và Phú Thứ (Q. Cái Răng) từ bảy đến hơn mười năm nay nhưng vẫn giậm chân tại chỗ.

Ông Trương Thành Nghệ, trưởng khu vực Phú Tân (P.Tân Phú, Q.Cái Răng), cho biết khu vực của ông có 110ha vướng quy hoạch KCN Hưng Phú 1 với 375 hộ dân bị ảnh hưởng. Chờ hơn bảy năm qua nhưng không thấy KCN đâu, người dân tại đây đang bắt đầu trồng các loại cây như cam, bưởi, mít... sau nhiều năm không dám trồng gì vì lo sợ “không biết nhà đầu tư lấy đất lúc nào”. Hiện tại do cam sành đang được giá nên người dân ùn ùn mua cam giống về trồng. Rút kinh nghiệm mùa nước nổi năm trước khiến nhiều cây ăn trái bị chết, ông Nghệ nói bà con đã hùn tiền để mướn xáng đắp bờ ngăn nước với tổng kinh phí khoảng 18 triệu đồng.

Gặp chúng tôi tại một con đập của kênh Xẻo Dĩnh (khu vực Phú Tân, P.Tân Phú), hai nông dân Ngô Văn Hải và Ngô Hoàng Em ngồi lo lắng chờ người bán cam giống đem khoảng 1.000 cây mà hai ông đặt trước đó tới giao. Cả hai ông đều tiếc rẻ vì nếu mạnh dạn trồng cây từ nhiều năm trước thì giờ đã có thu hoạch để bán.

Trao đổi về việc người dân canh tác trên vùng đất quy hoạch KCN, ông Võ Thanh Hùng - trưởng Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ - cho biết quan điểm của TP Cần Thơ từ trước đến nay là người dân vẫn được quyền canh tác trên đất quy hoạch dự án, nhưng khi dự án đã công bố quy hoạch chi tiết 1/500 thì không được trồng cây để đối phó.

Theo ông Hùng, ba KCN Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A và Hưng Phú 2B đều đã có quy hoạch 1/2.000 và người dân vẫn được canh tác trên đất này. Ông Hùng cũng đồng ý cho rằng người dân nơi đây không phải trồng cây để đối phó mà xuất phát từ nhu cầu thực tế. Cũng theo ông, các dự án KCN này được giao cho Q.Cái Răng thực hiện giải phóng mặt bằng nhưng quá chậm. Vì thế Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP Cần Thơ đã đề nghị UBND TP Cần Thơ có buổi họp để tháo gỡ những vướng mắc của các dự án này vào tuần tới.

Theo ông Lê Hữu Trang, phó Ban quản lý khu kinh tế An Giang, cho biết tỉnh này hiện có hai KCN bên ngoài và một KCN thuộc khu kinh tế cửa khẩu. Những khu này đều đã san lấp và có một số nhà máy hoạt động, nên tỉnh không có chủ trương thu hồi như cách làm của tỉnh Long An. Trước thực trạng KCN chưa lấp đầy, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác thu hút kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước để có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư các dự án, xây dựng nhà máy và tỉnh cũng sẽ có những chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy.

Trong khi đó, theo Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 1 của KCN Thạnh Lộc có quy mô 150ha và hiện nay đã bồi thường được 53ha. Cách đây hơn một năm có một doanh nghiệp xin đầu tư nhà máy lau bóng gạo và được chấp thuận, tuy nhiên do KCN chưa có hạ tầng nên nhà đầu tư đã quay lưng. Hiện tại chỉ mới có hai doanh nghiệp được duyệt đầu tư vào đây là Công ty TNHH MTV Thông Thuận với dự án nhà máy chế biến thủy sản và Tập đoàn Cao su VN đầu tư dự án nhà máy chế biến gỗ DMF.

Ông DANH THUẬN(phó chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên