15/05/2015 09:12 GMT+7

Đặt hàng với Nhà văn hóa Thanh niên mới

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Dù thông tin lãnh đạo TP.HCM duyệt chi 800 tỉ đồng xây mới Nhà văn hóa Thanh niên (NVHTN) là tin không mới, nhưng đó là một trong những chủ đề của cuộc gặp mặt vừa diễn ra.

Sân chơi vận động vui nhộn của Nhà văn hóa Thanh niên vốn là địa chỉ yêu thích của các bạn trẻ - Ảnh: Q.L.
Sân chơi vận động vui nhộn của Nhà văn hóa Thanh niên vốn là địa chỉ yêu thích của các bạn trẻ - Ảnh: Q.L.

Cuộc gặp mặt giữa những người một thời lãnh đạo nhà văn hóa này.

Ông Phan Tấn Trung - nguyên chủ nhiệm Câu lạc bộ truyền thống NVHTN sau năm 1975 - nói ông “mừng run lên” khi nghe tin lãnh đạo TP.HCM duyệt chi 800 tỉ đồng xây mới nhà văn hóa này.

Không chỉ mình ông Trung, những người có mặt trong cuộc gặp chuẩn bị cho chuỗi hoạt động kỷ niệm 40 năm thành lập NVHTN cũng cùng chung cảm xúc ấy.

Họ “rút ruột gan” nói với nhau nhiều câu chuyện với điểm chung: Mỗi giai đoạn có những nhu cầu và đòi hỏi khác nhau song nếu không trở thành điểm hẹn của tuổi trẻ TP.HCM, không thích nghi và theo kịp sự phát triển của giới trẻ xem như NVHTN chưa làm hết vai trò của mình. 

Cái nôi của hoạt động

Địa chỉ số 4 Duy Tân (nay là số 4 Phạm Ngọc Thạch, Q.1) đã là điểm hẹn của những ngày xuống đường tranh đấu của bao thế hệ học sinh, sinh viên Sài Gòn - Gia Định.

Trong trí nhớ của ông Hoàng Đôn Nhật Tân - nguyên chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên, giám đốc đầu tiên NVHTN - phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” xuất phát từ chính nơi này và lan tỏa đến nhiều vùng miền khi ấy. Đây cũng là điểm đến quen thuộc của người trẻ Sài Gòn sau ngày thống nhất.

Ông Nhật Tân kể trong một chương trình giới thiệu ca khúc mới, đích thân ông Võ Văn Kiệt đã âm thầm cải trang hòa vào dòng người của hàng nghìn bạn trẻ tìm đến xem. Khi bị nhận ra, vị bí thư Thành ủy TP.HCM lúc ấy đã ra dấu đừng quan tâm để ông tự nhiên hòa cùng các bạn.

“Sau đó chú Sáu Dân (bí danh của ông Võ Văn Kiệt) mới nói nhiều hoạt động ở đây thu hút cả chục ngàn thanh niên nên ông muốn biết lý do tại sao các bạn trẻ đến đông như vậy để còn có cách hỗ trợ” - ông Tân nhớ lại.

Bà Quách Thu Nguyệt - nguyên phó giám đốc NVHTN - nói mô hình thi hoa hậu, ca khúc chính trị, cà phê sách được ra đời đầu tiên từ chính trong các hoạt động của NVHTN. Cuộc thi hoa hậu lần đầu tiên ở nước ta sau ngày đất nước thống nhất chính do NVHTN tổ chức.

“Có rất nhiều người trưởng thành từ các phong trào, là thành viên từng tham gia sinh hoạt trong các câu lạc bộ tại đây. Nếu chúng ta thống kê và kết nối được các nhân tài này sẽ có giá trị rất lớn cho việc tập hợp thanh niên” - bà Nguyệt bày tỏ. 

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Sanh - chủ nhiệm đầu tiên của Câu lạc bộ Thanh niên sau ngày giải phóng - kể có những câu lạc bộ thu hút và duy trì cả ngàn thành viên tham gia sinh hoạt rất bài bản vào thời điểm đó. Theo ông, hoạt động câu lạc bộ luôn hấp dẫn, dễ thu hút mọi người và khi đã tham gia sinh hoạt, họ tự khắc cùng nhau thực hiện những công việc có ích cho xã hội. 

Đòi hỏi bước đường mới

Ông Phan Tấn Trung nói tin lãnh đạo TP.HCM duyệt chi 800 tỉ đồng xây mới NHVTN đặt ra thách thức: “Phải chuẩn bị đội ngũ để kịp thời đáp ứng hoạt động trước một cơ ngơi mới vì điều này rất quan trọng”.

Bà Quách Thu Nguyệt hi vọng lần này sẽ không lỡ hẹn vì đã bàn việc xây mới rất lâu, đồng thời mong: “NVHTN phải trở về đúng diện mạo khu đất bốn mặt tiền các con đường Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Thị Minh Khai, Hai Bà Trưng và Nguyễn Văn Chiêm như ngày đầu thành lập chứ không thể để bị băm nát bởi hàng quán như hiện nay”.

Tuy vậy, trước nhu cầu ngày càng đa dạng của giới trẻ hiện nay, không thể phủ nhận NVHTN đang đối diện với nhiều thách thức lớn. Theo bà Quách Thu Nguyệt, ngày đó phương châm của anh em làm việc tại đây là “sáng tạo, đổi mới hay là chết” và điều đó vẫn còn nguyên giá trị trong thời buổi hiện nay.

“Phải tạo ra được các phong trào có tính định hướng, dẫn dắt giới trẻ, mô hình có tính tiên phong mới có thể kéo các bạn đến đây vì hiện có quá nhiều lựa chọn mà có khi họ chẳng cần tìm đến NVHTN” - bà Nguyệt nói.

Một cách thẳng thắn, ông Nguyễn Văn Sanh chỉ ra hiện nay chúng ta thích đánh giá sự hoành tráng trong hoạt động mà đôi khi ấy chỉ là những con số vô nghĩa, không để lại ấn tượng gì.

“Chúng ta làm nhiều nhưng phải tính đến chiều sâu trong mỗi hoạt động. Tôi cho rằng nếu bất kỳ bạn trẻ nào đến sinh hoạt tại NVHTN mà chưa biết về phép xã giao, lịch sự tối thiểu thì trong đó có trách nhiệm của cán bộ, nhân viên làm việc tại nhà văn hóa” - ông Sanh phát biểu.

Trong khi đó ông Trần Trung Quang - nguyên cán bộ NVHTN - băn khoăn không thể thương mại hóa tất cả hoạt động và phải chấp nhận có những câu lạc bộ không thu phí.

“Chúng ta phải tính đến lập các diễn đàn đủ sức đối trọng lại trước những thông tin sai trái, xuyên tạc trên mạng mà giới trẻ hiện nay rất dễ bị hùa theo. Có như vậy mới nhân rộng cái tốt, đẩy lùi tiêu cực trong xã hội” - ông Quang nói.

Ông cho biết sẵn sàng làm cầu nối để có thể hằng quý, hằng tháng NVHTN phối hợp các đơn vị có chuyên môn tổ chức các chương trình phổ biến âm nhạc dân tộc, đưa âm nhạc hàn lâm đến gần với thanh niên hơn. 

Bạn trẻ đặt hàng

Trao đổi nhanh với Tuổi Trẻ, bạn Ngọc Quân (Q.1) chia sẻ rất thích nhảy hip hop nhưng chưa bao giờ thấy có cuộc thi hay bất cứ hình thức nào liên quan đến sân chơi này được tổ chức tại đây.

“Tốt nhất là tự lập nhóm rồi kiếm công viên nào đó tự chơi với nhau, chỉ là tôi không hiểu chuyện nhảy hip hop có gì là sai mà không thể tổ chức” - Quân thắc mắc.

Bạn Hà Minh Ngọc (Q.3) cho biết thỉnh thoảng có đến NVHTN song cũng không dễ tìm được sân chơi phù hợp với dân văn phòng. Chị nói: “Tôi có cảm giác hầu hết chỉ dành và hợp với sinh viên là chính”. 

Bạn Đỗ Quyên (ĐH Kinh tế TP.HCM) nói: “Chỉ cần cái điện thoại mình đã có thể biết cả thế giới đang diễn ra chuyện gì, vậy NVHTN phải là địa chỉ cập nhật nhanh xu hướng hiện đại, từng chuyển động trong đời sống giới trẻ mới có thể kéo người trẻ tìm đến”.

Với bạn Minh Thông (ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM), NVHTN cần đa dạng sân chơi hơn nữa, nhất là sân chơi mang tính hiện đại chứ không chỉ quá chú trọng truyền thống, ngay câu lạc bộ dù có định hướng cũng rất cần độ mở rộng hơn trong phương pháp, nội dung sinh hoạt bởi tuổi trẻ có mấy ai thích bị gò bó quá đâu.

 

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên