Những chuyến xe buýt chật kín khách như thế này rất dễ để kẻ xấu lợi dụng móc túi quấy rối tình dục - Ảnh: Nguyễn Công Thành |
Dưới đây là 5 điều trăn trở mà bạn đọc L.A (sinh viên năm 4 trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) thông qua báo Tuổi Trẻ bày tỏ đến những người có trách nhiệm trong mục
Nhằm góp thêm một góc nhìn khác, Tuổi Trẻ Online xin trích đăng ý kiến này:
1- Bóc lột sức lao động, bị quỵt tiền khi đi làm thêm
Hơn 3 năm đại học, trải qua nhiều việc làm thêm tôi nhận thấy một điều rằng: sinh viên là đối tượng dễ bị bóc lột, bị ức hiếp nhất. Đi dạy kèm tụi con phải đóng trước 30-40% tháng lương đầu tiên cho trung tâm gia sư. Nếu chẳng may gặp phải học sinh không phù hợp, mà xin nghỉ thì coi như vừa mất công vừa mất trắng tiền cọc.
Phục vụ nhà hàng tiệc cưới mỗi buổi làm từ 6 - 8 tiếng nhưng tiền lương chỉ dao động từ 70.000 đồng - 100.000 đồng. Trong khi đó phải làm rất nhiều việc, bưng bê nặng nhọc và bị quản lý chửi như cơm bữa.
Đi làm thêm, sinh viên chấp nhận bị bóc lột, chấp nhận cái nhìn khinh bỉ của người khác, nhưng việc bị quỵt tiền thì không thể chấp nhận được.
Những lần đầu đi làm phục vụ tiệc cưới, đăng ký cho người tự xưng là nhóm trưởng. Nhưng khi xong tiệc, gọi điện để nhận tiền thì không liên lạc được. Đi làm lương một buổi có 70.000 đồng, nhưng nếu làm mất cái thẻ có chữ nhân viên nhà hàng phát (làm xong tiệc trả lại liền), sinh viên sẽ phải đền 100.000 đồng.
Còn đi phát tờ rơi, sinh viên lại làm ô nhiễm môi trường nhưng vì đồng tiền, phải chấp nhận đứng dưới nắng trưa gay gắt ở những ngã tư đường. Không ít lần bị dọa bắt về công an phường. Thế nhưng tiền lương cũng chỉ 25.000 - 30.000 đồng/ giờ.
Sinh viên nào chẳng may gặp những uất ức trên thì đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Vì mỗi lần đi làm, sinh viên đâu có biết trước sẽ bị lừa gạt hay bóc lột mà giữ lại bằng chứng, mà không có bằng chứng thì không thể thưa kiện được ai.
2- Bị lừa gạt khi thuê trọ
Nhà trọ là nổi ám ảnh của không ít sinh viên vì nguy cơ trộm cắp, môi trường sống phức tạp. Thế nhưng điều lo sợ nhất là bị lừa gạt, bị quỵt tiền cọc khi đi thuê trọ.
Đã có nhiều vụ việc được báo chí phanh phui thời gian gần đây như: vụ khiến nhiều sinh viên phải bỏ tiền cọc - mà báo Tuổi Trẻ Online đã đăng.
Hay nhiều vụ việc tương tự được báo chí phản ánh, mà nạn nhân đa phần là sinh viên bị... mắc bẫy, nhưng chưa thấy cơ quan chức năng xử lý.
Vì những hoàn cảnh khác nhau, không phải sinh viên nào cũng ở KTX, thế nhưng mỗi lần tìm nhà trọ là một lần đánh cược.
3- Đa cấp
Đa cấp không chỉ đáng sợ với sinh viên mà với tất cả những ai dính vào nó. Và dịp đầu năm học mới là dịp béo bở để đa cấp tìm đến sinh viên.
Còn nhớ, hồi con còn sống ở Thủ Đức, tôi cũng vài lần bị những nhóm người đa cấp chèo kéo.
Họ ăn mặc lịch sự, hứa hẹn về một công việc thu nhập lý tưởng, những khóa học kỹ năng giúp đổi đời sau vài tháng.
Có lần tôi thử tìm đến một công ty, họ chỉ yêu cầu đơn giản là đóng 600.000 đồng để học một khóa kỹ năng, sau đó vào làm việc chính thức lương từ 6 triệu đồng trở lên!(?).
Cũng may không có đủ tiền nên tôi thoát khỏi chỗ đó, sau này mới biết là công ty đa cấp.
4- An toàn vệ sinh thực phẩm
Như đã biết, an toàn vệ sinh thực phẩm là chuyện mà báo chí nói đi nói lại, nói mãi vẫn không dứt. Rau quả bán ở chợ thì sợ dư lượng bảo vệ thực vật, thịt thì sợ tiêm thuốc tăng trọng, trái cây thì sợ tiêm hóa chất.
Sinh viên không biết tìm đâu để mua thực phẩm sạch cho bữa ăn hằng ngày. Vả lại, sinh viên cũng không có điều kiện để mua thực phẩm ở những cửa hàng rau an toàn, vì chưa đi làm có tiền nên chi tiêu cũng dè sẻn.
Với những bạn không có điều kiện nấu ăn thì bữa cơm hằng ngày phụ thuộc vào lòng hảo tâm của người bán. Nhiều lần ăn cơm thấy thịt có mùi, cá thiu cũng ráng ăn vì bỏ thì tiếc tiền.
Nếu không ăn cơm tiệm, sinh viên lại làm bạn với mì gói hay những gánh hàng rong.
Mà như mọi người biết rồi đó, mì rất có hại cho sức khỏe, thậm chí có nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư. Còn đồ ăn hàng rong thì vô cùng mất vệ sinh.
5- An toàn khi đi xe buýt
Đa phần sinh viên xa nhà đều sử dụng xe buýt để đến trường vì vừa tiết kiệm, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Nhưng đi xe buýt nhiều khi tụi con cũng thấy bất an lắm.
Trước hết đó là tình trạng móc túi, thường xảy ra ở những tuyến xe buýt đông sinh viên như xe số 8, xe 19, xe 33,...
Không ít lần trên xe nhìn thấy bạn sinh viên khóc nức khở khi phát hiện bị móc túi, nhưng lúc đó kẻ móc túi đã cao chạy xa bay. Điện thoại, tiền bạc, ví,.. là những thứ mà bọn móc túi “khoái” nhất.
Nhưng lỡ không may bị mất hết tiền học phí, hay mất cả một ví đựng giấy tờ quan trọng thì với sinh viên tụi con đó là một thảm cảnh.
Nhiều lần tôi đi xe buýt, buồn ngủ cũng không dám chợp mắt, tay khư khư giữ balô, trong bụng thì cứ bất an đủ thứ. Mỗi ngày đến trường bằng xe buýt là một ngày lo.
Chưa kể xe buýt còn là môi trường cho nhiều kẻ biến thái hoạt động. Khi dở trò sàm sỡ các bạn nữ, khi thì ngang nhiên khoe “của quý”. Biết là vậy, nhưng xe buýt vẫn là lựa chọn hàng đầu của sinh viên vì không có lựa chọn nào khác, đành sống chung với lũ.
Tuổi Trẻ làm cầu nối Song song với việc đăng các ý kiến ở phần BÌNH LUẬN dưới từng bài viết, bắt đầu từ ngày 18-2, Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) sẽ mở thêm chuyên mục Dân đặt hàng lãnh đạo TP.HCM để người dân có thể chuyển những ý kiến hiến kế cũng như kỳ vọng của mình đến lãnh đạo TP.HCM. Các ý kiến hay sẽ được đăng tải trên các sản phẩm của Tuổi Trẻ hoặc chuyển trực tiếp đến những người có trách nhiệm. Kính mời bạn đọc gởi ý kiến đóng góp, hiến kế cho lãnh đạo TP.HCM về địa chỉ: 60A Hoàng Văn Thụ, P9, Q. Phú Nhuận TP.HCM hoặc gởi qua địa chỉ email: [email protected]. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận