Chăm lo cho đội ngũ là giáo tiếp tục là ưu tiên trong chương trình hành động của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Trong ảnh: cựu học sinh trường THPT Nguyễn An Ninh Q10, TP.HCM tặng hoa chúc cô giáo nhân ngày nhà giáo Việt Nam - Ảnh: NHƯ HÙNG
* TS Lê Viết Khuyến (nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ GD-ĐT):
Giá trị của công khai
Trong "điểm nóng" thi cử, gian lận lộ ra ở một vài tỉnh càng thấy rõ giá trị của chính sách công khai. Ở các đời bộ trưởng trước đây, người ta nghi ngờ có tiêu cực nhưng hoàn toàn không phát hiện. Năm vừa qua, khi thông tin điểm thi được công khai, dư luận lập tức phát hiện những "điểm đen", tiêu cực mới được lôi ra ánh sáng.
Hi vọng bộ trưởng không sợ tiêu cực trong thi cử bị phanh phui có thể làm hình ảnh giáo dục xấu đi mà thay đổi chính sách công khai trong thông tin, thi cử. Xử lý nghiêm minh những sai sót sẽ có tính răn đe hơn là cố tình "che đậy" sự thật.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ bộ trưởng Bộ GD-ĐT lần này, tôi thấy rất rõ sự thay đổi trong nhìn nhận và quan tâm đến chính sách giáo viên của người đứng đầu.
Chính sách với giáo viên luôn là vấn đề "đau đầu" với các đời bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Ai cũng biết đây là vấn đề then chốt, nhưng có khi lại ngại "đụng" vào vì một mình bộ cũng chẳng thay đổi được gì.
Nhưng là người đứng đầu, nếu không thấu hiểu trăn trở của đội ngũ mà chỉ đòi hỏi sự nhiệt thành, trách nhiệm, vậy ai sẵn sàng cống hiến? Câu chuyện chính sách cho đội ngũ, nếu không lên tiếng và đòi quyền lợi, làm sao các bộ, ngành khác nhập cuộc?
Bỏ hồ sơ, sổ sách không cần thiết, thay thế các cuộc thi giáo viên giỏi mà nhiều khi chỉ là "sàn diễn"... là bộ trưởng đã đồng hành cùng đội ngũ của mình.
* PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT):
Phải đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục
Vấn đề nhiều người quan tâm là lương và chính sách cho nhà giáo. Bộ trưởng đã ngày càng thể hiện rõ hơn quan điểm về việc này. Ai cũng thấy giáo viên mầm non lương chỗ này chỗ kia 1-2 triệu đồng/tháng làm sao sống nổi. Ngay lương giáo viên ở Hà Nội chỉ 4-5 triệu đồng/tháng thật khó trang trải đủ cho cuộc sống.
Phải đẩy mạnh xã hội hóa, nhân dân và Nhà nước cùng làm. Một số trường tư thục đã tạo ra chính sách nhà giáo rất tốt, nghĩa là chúng ta đã có những mô hình thực, đã tìm ra cách làm.
Nhà nước hiện còn bao cấp nhiều quá. Ví dụ các trường mầm non có thời kỳ cũng đã đẩy mạnh xã hội hóa, nhưng sau đó chính sách lại thay đổi, Nhà nước lại có xu hướng ôm hết vào. Cần phải mạnh dạn xã hội hóa các trường mầm non ở thành phố, thị xã, Nhà nước chỉ tập trung lo cho các trường miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Nhiều trường tư phải lo hoàn toàn, từ tìm đất, dựng trường, xây mọi thứ từ đầu nhưng vẫn làm được, tại sao các trường công vốn đã được Nhà nước lo cho trường sở, đất đai lại không tự sống được?
* Ông Dương Trọng Tấn (chuyên gia giáo dục độc lập, thành viên nhóm Cánh Buồm):
Rộng đường cho tự chủ đại học
Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong thời gian qua là Luật giáo dục đại học sửa đổi mới được thông qua với nhiều điểm tiến bộ, mở đường rộng hơn cho tự chủ đại học. Cộng với các nỗ lực từ chính các đại học, hi vọng thời gian tới giáo dục đại học sẽ có những bước chuyển mình đáng kể.
Bên cạnh đó, có những nỗ lực rất đáng chú ý từ các cấp hoạch định, cơ quan truyền thông cho đến các cơ sở giáo dục đại học về việc hợp tác nhà trường - doanh nghiệp. Đây là xu hướng tích cực, có thể nhanh chóng mang lại những kết quả tốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Với giáo dục phổ thông, tôi vẫn kỳ vọng được nhìn thấy quá trình đổi mới diễn ra nhanh hơn. Chính sách "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa" có những nút thắt chưa tháo gỡ được là một điều đáng tiếc, hạn chế phần nào tiềm năng trí tuệ từ các tổ chức tư nhân...
Tôi hi vọng nút thắt này nhanh chóng được tháo gỡ để đông đảo trí thức tâm huyết, các tổ chức kinh doanh có thể tham gia đóng góp chung vào sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Hiện nay, tôi cũng chưa thấy những hướng đi rõ ràng trong ứng dụng công nghệ vào khâu đào tạo giáo viên. Đây có thể cũng là một gợi ý tốt cho việc nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo với quy mô lớn và tốc độ nhanh chóng.
Giải phóng cho giáo viên
Tôi thấy rằng Bộ GD-ĐT có cố gắng đổi mới và mong muốn thay đổi diện mạo giáo dục nước nhà. Những "điểm sáng" là: quyết định giảm hồ sơ sổ sách cho giáo viên, bỏ các cuộc thi giáo viên giỏi, đổi mới thi cử...
Trong đó, việc giảm hồ sơ sổ sách và loại bỏ cuộc thi giáo viên giỏi là một tin vui dành cho giáo viên nói riêng và nhà trường nói chung. Giảm áp lực không chỉ ở chỗ giáo viên không còn mất thời gian, công sức cho những việc vô bổ mà sâu xa hơn là xóa bỏ tình trạng "diễn" trong ngành giáo dục. Vì trên thực tế, nhiều người đi thi thực ra chỉ "diễn" chứ không thực chất. Một giáo viên đi thi có khi cả tổ bộ môn phải đi theo để đóng góp ý kiến, hỗ trợ, choàng gánh cho những việc thường ngày... chỉ để cố làm sao cho người đi thi phải đoạt được giải thưởng.
Bên cạnh đó, công tác đổi mới thi cử cũng được thực hiện mạnh mẽ hơn, rõ nét hơn: nội dung đề thi giảm dần những câu hỏi nhằm kiểm tra việc học thuộc lòng nên học sinh các trường cũng giảm dần tình trạng học vẹt, thúc đẩy giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy. Mặt khác, cũng chính từ việc đổi mới nội dung đề thi mà các trung tâm luyện thi giảm dần. Đây là điều rất đáng mừng.
Nhưng tôi cũng mong bộ trưởng Bộ GD-ĐT hãy quan tâm hơn đến bậc học nền tảng: đó là bậc tiểu học. Song song đó, bộ tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới một cách mạnh mẽ và đồng bộ hơn.
Cô Hoàng Thị Thu Hiền
(giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, người gửi 8 lời thỉnh cầu cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thông qua báo Tuổi Trẻ vào năm 2016 khi ông Nhạ vừa nhậm chức)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận