30/07/2013 18:00 GMT+7

Đất dụng võ cho sinh viên trường sân khấu

MINH NGUYÊN
MINH NGUYÊN

AT - Có lẽ do sức hút của ánh hào quang sân khấu và sự nổi tiếng nên hằng năm, cứ đến mùa tuyển sinh, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật, Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM... thu hút đông đảo thí sinh thi vào. Cách đây vài năm, sau khi tốt nghiệp, rất ít sinh viên tìm được đất dụng võ theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ đã được đào tạo. Nhưng nay, mọi chuyện đã khác...

ESq1s4bg.jpgPhóng to
Sinh viên diễn kịch ở sân khấu Thế Giới Trẻ

Thực trạng ngày trước

Trước đây, khi các bộ phim truyền hình, sân khấu kịch và sàn diễn cải lương chưa nở rộ như hiện nay, có một thực trạng đáng buồn là số lượng sinh viên ra trường so với số lượng theo nghề còn quá cách biệt. Một số sinh viên may mắn được nhận về các sân khấu kịch nhưng rồi suốt ba bốn năm trời chỉ được xuất hiện vài “khoảnh khắc” trong những vai phụ. Có nhiều sinh viên tốt nghiệp với mảnh bằng loại giỏi, nhưng vốn thụ động nên vẫn phải miệt mài chờ đợi một vai diễn. Còn sinh viên nào năng động, nhanh nhạy thì tự tìm cho mình cơ hội xuất hiện trên sân khấu kịch, truyền hình, phim ảnh với những vai diễn dài hơi. Nhưng sự nổi tiếng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Sinh viên khoa kịch xem ra còn may mắn hơn sinh viên khoa cải lương bởi lúc ấy, các đoàn cải lương dường như đã tạm ngưng hoạt động. Diễn viên gạo cội, ngôi sao bỏ đoàn chạy show về các đoàn tỉnh để kiếm thu nhập cao hoặc đi lưu diễn nước ngoài. Chính vì thế mà các sinh viên khoa cải lương ra trường đất diễn càng bị thu hẹp hơn. Cũng có một số sinh viên ngậm ngùi chia tay với nghệ thuật để chuyển hẳn sang một lĩnh vực khác nhưng vẫn không nguôi ngoai với nỗi nhớ sân khấu.

Riêng sinh viên khoa điện ảnh thì thỉnh thoảng mới được mời tham gia vài vai quần chúng trong các bộ phim truyền hình dài tập, tiền thù lao tuy thấp nhưng ai cũng rất vui vì có mặt trên màn ảnh để khoe với người thân, bạn bè. Bản thân các bạn cũng nuôi dưỡng một ước mơ là sau những vai quần chúng như thế sẽ được đạo diễn “để mắt” mời vào vai chính. Biết đâu sẽ được nổi tiếng bởi có không ít trường hợp như thế.

Sinh viên khoa đạo diễn cải lương còn bi đát hơn vì không có lớp dành riêng cho đạo diễn cải lương mà chỉ có lớp đạo diễn chung cho tất cả các loại hình. Các sinh viên phải tự mày mò, phần lớn đều xuất phát từ sở thích thật sự thì các bạn mới chọn cải lương. Bởi lẽ, vốn không được đào tạo bài bản từ ngôn ngữ, đặc trưng và công thức riêng của cải lương, đến khi ra trường, kinh phí dàn dựng một vở cải lương để tốt nghiệp lại lớn hơn rất nhiều so với dựng một vở kịch. Phần lớn sau khi ra trường, các sinh viên ít được các nhà đầu tư tin tưởng giao cho kịch bản cải lương để thử sức mình, vì vậy phải chuyển qua làm đạo diễn lễ hội, các chương trình quần chúng để... chờ thời.

Cửa rộng đã mở...

Hiện nay, sân khấu kịch Phú Nhuận, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã mạnh dạn tạo đất diễn cho các diễn viên trẻ đã và đang chuẩn bị tốt nghiệp trường sân khấu. Đó là một cách làm hay giúp cho các sinh viên có thêm niềm tin, hi vọng về ngành nghề mà mình theo học. Sự xuất hiện của một dàn diễn viên trẻ trên hai sân khấu kịch này trong khá nhiều vở diễn gần đây tạo được sự chú ý cũng như sự tin tưởng của khán giả. Sân khấu kịch 5B, IDECAF và Nhà hát Kịch TP.HCM hiện cũng đang có sự góp mặt của rất nhiều sinh viên trường sân khấu qua hàng loạt vở mới của đạo diễn Công Ninh, Thanh Hoàng, Vũ Đình Toàn, Hoàng Duẩn... Các đạo diễn này cũng vốn xuất thân từ trường sân khấu nên hơn ai hết, họ rất hiểu nổi trăn trở về đất diễn của các sinh viên. Đặc biệt là sân khấu Thế Giới Trẻ (trực thuộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM) đã tạo đất diễn cho các bạn sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giúp các bạn có địa điểm tốt để thực hành, thực tập và thi tốt nghiệp. Chính trên sân khấu này, thời gian qua đã tạo được tiếng vang qua một số vở do chính sinh viên biểu diễn.

Đối với sinh viên khoa cải lương, sau khi tốt nghiệp nếu đồng ý về diễn ở đoàn tỉnh như Hương Tràm, Cao Văn Lầu, Long An, Tây Ninh... thì về, còn không đất diễn chính là đoàn xung kích Nhà hát Trần Hữu Trang. Ngoài ra, chương trình Thắp sáng niềm tin của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang ra đời cũng tạo sự phấn khởi cho nhiều sinh viên. Nếu như vài năm trước, chương trình này chỉ tập trung cho các huy chương vàng triển vọng giải Trần Hữu Trang, Chuông vàng vọng cổ thì nay sinh viên trẻ mới ra trường dễ dàng “chen chân” vào được. Nghệ sĩ Linh Huyền với vai trò giám đốc Công ty Mekong Artist cũng mở lớp đào tạo cải lương dành cho diễn viên trẻ giống như lớp Đồng Ấu Bạch Long của nghệ sĩ Bạch Long trước kia. Nhờ sự đầu tư chu đáo mà các diễn viên trẻ có khả năng diễn xuất cũng như ca diễn rất chuyên nghiệp. Nhà hát cải lương Kim Châu và chương trình Sân khấu du lịch tại Nhà hát TP chính là đất diễn của các sinh viên này.

Gần đây, sân khấu cải lương miễn phí Sen Việt ra mắt tại rạp Nam Quang khiến nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp hay sinh viên khoa cải lương các trường nghệ thuật ở TP.HCM rất hồ hởi. Đạo diễn Nguyên Đạt - người triển khai sân khấu Sen Việt đồng thời cũng là trưởng khoa kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM, cho biết: “Sen Việt mang tính mô phạm của nhà trường vì đây gần như là sân khấu thực tập của thầy trò khoa kịch hát dân tộc trường chúng tôi. Sinh viên có thể đến đây thực hành, rèn luyện việc ca diễn, còn thầy cô trong khoa đến để thực tập công tác dàn dựng hoặc ngón đàn”. TS -NSND Bạch Tuyết cũng nhận lời giảng dạy cho lớp Cải lương K30, hệ trung cấp, Trường cao đẳng Văn hóa TP.HCM. Xen kẽ giữa lịch biểu diễn là những chuyến tập huấn, nâng cao nghề nghiệp cho các sinh viên trên toàn quốc. Đất diễn cho học trò của NSND Bạch Tuyết chính là chương trình cải lương truyền hình do cô làm đạo diễn.

Riêng các sinh viên khoa đạo diễn, thời gian qua các sân khấu kịch Phú Nhuận, 5B, Nụ Cười Mới, Thế Giới Trẻ... cũng ưu ái giao cho họ nhiều kịch bản để dàn dựng, có vở trở nên “cháy vé”. Còn Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, sân khấu cải lương truyền hình và các đoàn tỉnh cũng mạnh dạn mời các đạo diễn trẻ mới ra trường thử sức…Mong rằng những “cánh cửa mở” như thế này sẽ còn nhân rộng ra nữa...

qNf7d30c.jpgPhóng to

Áo Trắng số 13 ra ngày 15/07/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

MINH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên