13/01/2019 11:33 GMT+7

Đất của mình bị người khác đến... xây nhà

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Đất của mình nhưng bị người khác đến xây nhà nhầm. Khi khởi kiện đòi lại đất, tòa tuyên đương sự nhận lại số tiền tương đương giá trị lô đất từ bị đơn. Và hiển nhiên quyền sử dụng lô đất này cũng thuộc về người xây nhầm nhà!

Đất của mình bị người khác  đến... xây nhà - Ảnh 1.

Căn nhà (1 lầu) mà gia đình ông Mười đã xây nhầm trên đất của bà Tám. Trong khi thửa đất thực sự của ông Mười là khoảnh trống bên phải căn nhà cấp 4 - Ảnh: ĐỨC TRONG

Nếu giải quyết theo yêu cầu của nguyên đơn là phá dỡ nhà, trả lại thửa đất số 19 thì gây lãng phí lớn cho xã hội.

HĐXX nhận định

Chuyện tréo ngoe trên ập đến vợ chồng bà Nguyễn Thị Tám và ông Lâm Văn Hiền ở xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.

Xây nhà xong mới biết... nhầm đất

Theo diễn biến vụ việc, năm 2002 gia đình bà Tám được UBND huyện Hàm Thuận Bắc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa số 19 với diện tích 200m2 ở thôn Kim Bình, xã Hàm Thắng. Do chưa có điều kiện xây nhà nên gia đình bà để trống.

Đến khoảng tháng 4-2017, bà Tám phát hiện người khác đến xây nhà ở trên đất của mình. Người xây nhầm nhà trên đất của bà Tám là gia đình ông Lê Văn Mười. Bà Tám yêu cầu họ phải tháo dỡ công trình, trả lại hiện trạng ban đầu.

Tuy nhiên, ông Mười không đồng tình vì cho rằng do người bán đất trước đó đã chỉ nhầm vào đất của bà Tám nên mới nhận và xây nhà chứ không cố ý. 

Thực tế lô đất của ông Mười mua là thửa số 17 (199,7m2), được ngăn cách thửa số 19 của bà Tám bằng căn nhà cấp 4 trên thửa số 18. Ngoài ra, ông Mười còn viện dẫn lý do suốt trong thời gian xây nhà khoảng tám tháng không có ai ngăn cản hay tranh chấp, mặc dù bà Tám đi làm cách đó không xa. 

Đến khi xây xong vào khoảng tháng 11-2017, ông mới nhận được thông báo từ UBND xã Hàm Thắng rằng nhà mình xây nhầm trên đất của người khác và bị kiện.

Sau nhiều lần hòa giải, gia đình ông Mười đồng ý mua lại thửa đất của bà Tám mà mình đã xây nhà nhầm với số tiền 450 triệu đồng. Bà Tám không đồng ý mà yêu cầu trả lại đất như hiện trạng ban đầu. Do vậy, hai bên phải đưa nhau ra tòa giải quyết tranh chấp.

Tòa sợ... gây lãng phí lớn cho xã hội

Tại bản án số 56/2018/DS-ST của TAND huyện Hàm Thuận Bắc giải quyết tranh chấp giữa hai bên, hội đồng xét xử (HĐXX) thừa nhận gia đình ông Mười đã xây nhà cấp 3 nhầm trên đất của gia đình bà Tám. 

Tuy nhiên, HĐXX nhận định bị đơn xây nhà trên đất của người khác là do người bán đã chỉ nhầm, chứ không biết đó là đất của bà Tám.

HĐXX còn cho rằng trong suốt thời gian ông Mười xây nhà nhưng không bị gia đình bà Tám ngăn cản, chính quyền địa phương cũng không biết để kịp thời xử lý. "Nếu giải quyết theo yêu cầu của nguyên đơn là phá dỡ nhà, trả lại thửa đất số 19 thì gây lãng phí lớn cho xã hội" - HĐXX nhận định.

Chính vì vậy, HĐXX đã tuyên chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của gia đình bà Tám, buộc gia đình ông Mười phải trả 400 triệu đồng, tương đương giá trị lô đất của bà Tám. 

Và gia đình ông Mười được quyền sở hữu lô số 19 của bà Tám trước đây. Không những thế, bà Tám còn phải đóng 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Không thể đưa vào "thế đã rồi"

Theo luật sư Nguyễn Thế Tân - Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh, nội dung và quyết định của bản án số 56/2018/DS-ST của TAND huyện Hàm Thuận Bắc chưa thỏa đáng cả lý và tình.

Cụ thể về lý, luật sư Tân phân tích: HĐXX đã xác định rất rõ yêu cầu của bà Tám là có căn cứ pháp luật theo quy định tại điều 166 Bộ luật dân sự 2015 nên chấp nhận. 

Còn về tình, việc ông Mười xây nhầm nhà trên đất bà Tám là lỗi chính thuộc về ông này, cũng như một phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng. 

Lý - tình đã rõ như vậy nên luật sư Tân cho rằng không thể vì lý do tránh lãng phí cho xã hội, làm thiệt hại đến lợi ích của bị đơn mà buộc nguyên đơn vào "thế đã rồi", phải chấp nhận hi sinh lợi ích của mình được pháp luật bảo vệ như vậy, trừ khi họ tự nguyện đồng ý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Tám cho biết quá mệt mỏi khi theo đuổi vụ kiện "trên trời" ập xuống này. Bà đã làm đơn kháng cáo lên TAND Bình Thuận phúc thẩm lại toàn bộ bản án trên và yêu cầu chỉ lấy lại đất của chính mình, không cần nhận khoản hỗ trợ hay quy đổi thành tiền nào khác.

Thậm chí bà sẵn sàng hỗ trợ một phần kinh phí cho gia đình ông Mười di dời nhà đã xây nhầm khỏi đất của mình. "Hai vợ chồng quanh năm làm lụng, tích cóp mua được lô đất để khi về hưu có chỗ xây nhà nhỏ ở, buôn bán lặt vặt kiếm thu nhập qua ngày. Đất có chủ quyền hẳn hoi thì tôi phải đòi lại quyền lợi cho mình. 

Chưa kể việc họ xây nhầm nhà như thế đã gây thiệt hại cho tôi rất nhiều" - bà Tám nói.

Làm thế nào để tránh trường hợp tương tự?

Luật sư Nguyễn Thế Tân cho biết thực tế hiện nay việc xây dựng các công trình "nhầm" trên đất của người khác thường hay xảy ra. Đến khi chủ đất phát hiện thường bị buộc phải chấp nhận vì sự thể đã rồi với lý do tương tự như cách giải quyết trong vụ việc bà Tám.

Do đó, cách tốt nhất là các chủ đất phải tự bảo vệ mình trước bằng cách làm hàng rào, các công trình nhằm xác định "chủ quyền" và phải thường xuyên coi ngó, theo dõi để kịp thời phát hiện, ngăn chặn sự nhầm lẫn đôi khi là cố tình của ai đó trên đất của mình.

Có luật hòa giải, đối thoại tại tòa sẽ giảm tranh chấp

TTO - Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết tỷ lệ hòa giải thành đạt khoảng 40% nhưng chủ yếu là hòa giải thuận tình ly hôn, còn đối thoại thành chỉ 8%. Để giảm tranh chấp, thì rất cần thiết có Luật hòa giải, đối thoại tại tòa.

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên