Tổng lãnh sự Ngụy Hoa Tường (ngoài cùng bên trái) thăm một nông dân Việt Nam ở Đắk Lắk - Ảnh: TLSQ Trung Quốc
Khi tôi biết tin mình được cử đi làm việc tại thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù đã có sự chuẩn bị nhưng tôi vẫn cảm thấy "chưa chắc chắn", khó hình dung tình hình thực tế ở đó sẽ ra sao.
Khi từ Hà Nội bay vào TP.HCM, tôi thấy nhân viên sân bay phục vụ người khuyết tật một cách tận tình; thấy các kệ hàng chất đầy đặc sản, nhân viên bán hàng giới thiệu rất nhiệt tình và chu đáo.
Những điều này đều cho tôi một cảm nhận về bầu không khí mến khách và yêu thương. Và tôi gọi TP.HCM là "vùng đất hy vọng".
Câu chuyện anh giữ xe
Khi rảnh rỗi, tôi thích đứng trên ban công nơi ở để quan sát TP.HCM, chăm chỉ đọc báo, bắt đầu tiếp xúc với nhân sĩ các tầng lớp cũng như người dân bình thường nơi đây, cảm nhận luồng gió "vươn lên, thiết thực, sức sống và hữu nghị" của thành phố này.
Tôi giữ chức tại nhiều cương vị, luân chuyển nhiều nơi. Mỗi khi đến một nơi mới, tôi đều tìm hiểu kỹ phong thổ nhân tình của nơi đó. Có một việc làm cho tôi xấu hổ nhưng cũng khiến tôi cảm thấy khó quên và ấm lòng.
Tôi đã quen với việc mang ví tiền điện tử mà không phải tiền mặt ra ngoài tại Trung Quốc. Một hôm tại bãi đậu xe tầng hầm của một khách sạn TP.HCM, tôi đã tìm hết các túi áo vẫn không tìm được đồng xu nào để trả phí đỗ xe.
Nhân viên thu phí cứ chờ đợi cười mỉm. Sau khi xác định tôi không mang tiền mặt, anh ấy đã tiếp nhận một cách sảng khoái đề nghị của tôi là lần sau sẽ nộp bù tiền, rồi anh ấy đã chạy đến cửa phân làn để hướng dẫn tôi sang lối ra.
Hôm sau, khi đồng nghiệp tôi trả tiền, anh ấy còn chúc tôi sức khỏe và mọi việc thuận lợi. Việc này đã làm cho tôi cảm nhận sâu sắc về sự chất phác, hiền lành và hữu hảo của người dân Việt Nam.
Cũng tại thành phố này, người dân đang tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Từ đó, tôi nhận thấy được nền tảng chính trị vững chắc cho sự hợp tác Trung - Việt. Các thanh niên được khen thưởng trong các phong trào học tập và các bác sĩ chủ động đến bệnh viện cơ sở để phục vụ người dân.
Tôi là con của một bác sĩ "chân đất" nên rất đồng cảm với những người được biểu dương này. Lãnh đạo các cấp của cơ quan Đảng và chính quyền tích cực triển khai các cuộc đối thoại giao lưu với công nhân, nông dân và nhà đầu tư, tích cực giải quyết những vấn đề vướng mắc về cơ sở hạ tầng, đất đai, người lao động, y tế, môi trường kinh doanh, logistics...
Phong cách làm việc thiết thực và giỏi giang này là sự bảo đảm vững chắc cho việc phát triển và vươn lên. Các chỉ số kinh tế vĩ mô của thành phố phục hồi mạnh mẽ và đạt được thành tích ngoạn mục.
Trong 6 tháng đầu năm nay, tôi thấy ấn tượng với tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP.HCM tăng 3,82%, thu nhập tài chính tăng 17,49%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,1%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các ngành công nghiệp mới như kinh tế số, thành phố thông minh có xu thế phát triển tốt, cơ cấu chuyên trách về kinh tế số các cấp được thành lập, sự phát triển của nguồn động lực mới được đẩy mạnh.
Đi gặp nông dân Việt
Tôi đã đi thăm tỉnh Đắk Lắk theo "mùi cà phê". Trong chuyến thăm đó, tôi đã vào tận vườn cà phê và vườn trái cây. Với bàn tay đầy vết chai, một anh nông dân vội vã lột quả bơ cho tôi thưởng thức, xẻ quả thanh long cho tôi ăn và nói "cây nhà lá vườn, cứ ăn thoải mái".
Tỉnh Sơn Đông là quê hương của Khổng Tử, cũng là quê hương của tôi. Ở Sơn Đông, người nông dân cũng rất nhiệt tình và hiếu khách nên đã có danh tiếng là "Hiếu khách Sơn Đông".
Tuy ngôn ngữ bất đồng không nói được với nhau trực tiếp, nhưng chúng tôi dắt tay nhau đi trên vùng đất đỏ. Anh ấy dạy tôi phân biệt sầu riêng Việt Nam và sầu riêng Thái Lan qua lá cây, hình dạng quả, mùi thơm và cơm thịt quả.
Anh ấy cũng giới thiệu cho tôi biết làm thế nào để cho chanh leo xuất khẩu sang thị trường khác nhau như Trung Quốc, châu Âu phù hợp với tiêu chuẩn khác biệt. Chúng tôi trao đổi làm thế nào có thể thay đổi chủng loại trái cây theo biến đổi của thị trường, làm thế nào có thể vay được vốn.
Chúng tôi cùng thưởng thức "trà xanh" tươi mới hái, hái một loại lá xanh và ăn liền trong tiếng cười. Thời gian trao đổi chỉ hai tiếng thôi, nhưng cuộc trò chuyện hai người chúng tôi rất thoải mái.
Khi chia tay, tay đã nắm chặt bàn tay nhau, anh ấy nói: "Chúng ta bằng tuổi nhau, chung cùng một con giáp, là anh em tốt, mong anh lần sau lại đến thăm".
Tại buổi chào Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vào tháng 6 vừa qua, bí thư đánh giá cao việc tôi luôn đối xử với nông dân với lòng tri ân.
Tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy hợp tác cũng như trao đổi kiến thức và kinh nghiệm phát triển trong các lĩnh vực trọng yếu, bao gồm nông nghiệp.
Với tư cách là tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM, tôi sẵn sàng phát huy tốt vai trò cầu nối, thúc đẩy hợp tác của hai bên đi vào chiều sâu. Tôi sẽ yêu vùng đất này, hy vọng tôi có thể được tiếp nhận như một người dân bình thường của thành phố.
Ông Ngụy Hoa Tường (50 tuổi) là tiến sĩ kinh tế học. Ông bắt đầu nhiệm kỳ tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM vào cuối tháng 5-2022, sau khi được lãnh đạo Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao Việt Nam) trao giấy chấp nhận lãnh sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận