29/08/2019 16:39 GMT+7

Đạp xe mỗi ngày giúp tôi đẩy lùi bệnh tật

LÊ PHA LÊ
LÊ PHA LÊ

TTO - Gần 10 năm gắn bó với xe đạp, một môn thể thao có tính độc lập, tôi đã “lấy lại phong độ”. Sức khỏe, làn da và những áp lực trong cuộc sống của tôi đã được cải thiện nhờ mỗi sáng hòa mình cùng thiên nhiên.

Đạp xe mỗi ngày giúp tôi đẩy lùi bệnh tật - Ảnh 1.

Đạp xe mỗi ngày giúp tôi đẩy lùi bệnh tật. Ảnh: NVCC

Một điều ai cũng hiểu là để duy trì sức khỏe thì cách tốt nhất, ngoài ăn uống, ngủ nghỉ điều độ, là phải vận động, thể thao hợp lí. 

Riêng tôi, thể thao còn giúp đẩy lùi bệnh tật từng có lúc tưởng chừng sẽ đẩy bản thân mình vào cảnh tàn phế. Thật vậy, đầu năm 2009, tôi bị viêm cơ khớp rất nặng. Các khớp vai, khủyu, ngón, khớp gối và khớp háng đều sưng đau. 

Sau khoảng 6 tháng phát bệnh thì các khớp đều cứng, tôi không thể vận động bình thường được nữa. Nửa người bên trái teo tóp lại, chân thấp chân cao, cột sống lưng vẹo hẳn qua bên phải. Hai bên má nám đen, bắt buộc uống giảm đau để ngủ. Một thời gian sau dạ dày bị loét, siêu âm men gan cao… Đi bắt mạch bên Đông y chẩn đoán suy thận âm dẫn đến viêm cơ cứng khớp.

Mọi thứ như sụp đổ trước mắt tôi, khi mà đến bước đi cũng phải có người dìu. Chân không co duỗi được, đứng lên ngồi xuống đều phụ thuộc vào hai cánh tay chống đỡ... Điều trị đông y cũng bớt đau nhức nhưng tình trạng cứng khớp, teo cơ vẫn không cải thiện mấy, chân tay tôi vẫn cứng như gỗ, không thể nào gập lại được. 

Rồi tiếp tục 4 tháng trời với những cơn đau xé ruột bởi vật lí trị liệu nhằm giúp khớp gối co duỗi được. Người ta khuyên tôi phải vận động nhẹ nhàng đều đặn mỗi ngày để khớp không bị cứng lại.

Sau mấy ngày suy nghĩ tôi đã quyết định đạp xe, vì đây là bộ môn "không cần đồng đội". Bởi hơn ai hết tôi tự lượng sức mình, không thể tham gia những buổi dưỡng sinh hay aerobic đông người. Khi đó tôi cảm giác mình như một con mèo hen, yếu đuối mệt mỏi.

Rồi mỗi sáng sớm tôi chỉ dám đạp chậm chừng vài ba km. Nhưng thật ngạc nhiên, đêm về rất dễ đi vào giấc ngủ. Rồi dần dần tôi đã đi được 10km mỗi ngày. Khoảng 8 tháng sau, nửa người bị teo bên trái cũng dần hồi phục. 

Cảm nhận cột sống đang thẳng lại từ từ qua bước chân (bước cao, bước thấp). Tôi giảm hẳn chứng cảm vặt, trước đó hễ trở trời là cơ thể báo hiệu bằng một cơn sốt. Dạ dày cũng bớt những cơn đau quặn, thể lực tăng dần từng ngày, bớt cáu gắt hơn.

Khoảng hai năm sau khi đến với xe đạp thì cân nặng tôi đã về chỉ số bình thường. Người phấn chấn, không còn bị cho là một kẻ "nắng không ưa, mưa không chịu". Tôi cũng lập được một nhóm xe đạp U50+ cùng các chị em và duy trì đến bây giờ.

Nhà tôi ở gần biển nên mỗi sáng đạp xe đi về khoảng 15 km, dọc theo bờ biển Tuy Hòa hít thở không khí trong lành. Ở độ tuổi 47 thì làn da không còn như xưa. Nhưng hiện tại làn da tôi vẫn mịn và cực kì ít nếp nhăn. Thực chất tôi chưa hề sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng hỗ trợ cho da. 

Phương pháp "chăm sóc" da của tôi cũng đặc biệt và hiệu quả không kém spa đắt tiền. Đó là mỗi sáng đạp xe tôi đều ngậm vài hạt muối và bịt khẩu trang. Đến điểm tập kết mở khẩu trang rồi lau nhẹ mồ hôi và không quên uống bù ít nước. 

Rồi lượt về mở khẩu trang ra, khi đó lỗ chân lông đang hở. Da mặt sẽ thẩm thấu làn sương mai trong lành, đó là mỹ phẩm dưỡng da tốt nhất với tôi. Nhiều chị em nhờ tôi hướng dẫn như vậy mà kể cả da khô hay da nhờn đều đẹp lên trông thấy.

Tất nhiên chế độ ăn hàng ngày của tôi cũng nhiều rau xanh, không dùng chất kích thích và uống đủ nước. Nhóm đạp xe của chúng tôi luôn ý thức bảo vệ môi trường bằng sự đóng góp nhỏ nhoi. Đó là sau những ngày cuối tuần, lễ lạt chị em  cùng nhau mang bao theo để nhặt rác ở bãi biển.

Từ một người bệnh tật ốm yếu ngỡ như đã tàn phế, sau 10 năm gắn bó với chiếc xe đạp tôi đã trở thành một người khác hoàn toàn.Tự tin, trẻ trung năng động và yêu đời hơn.

Và cũng từ ngày đó nhóm đạp xe U50+ chúng tôi bắt đầu tham gia công tác thiện nguyện.Thay vì những buổi cà kê hay ăn nhậu bù khú bạn bè, tôi dành hết thời gian rảnh cho những hoàn cảnh éo le đang mong chờ sự giúp đỡ. 

Những chuyến lên buôn tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng là dịp tăng cường sức khỏe cho chính bản thân.Và quan trọng nhất là cơ hội rèn luyện "thể thao tinh thần" vì chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh chúng ta mới nhận ra rằng: "Cuộc đời này, chúng ta vẫn đang may mắn hơn họ rất nhiều!".

Vậy thì tại sao chúng ta lại không trân trọng và phát triển những gì mình đang có!

Hạn chót nhận bài thi: hết ngày 15-9-2019

Kính mời độc giả tiếp tục quan tâm theo dõi và viết bài dự thi. Bài viết bằng chữ tiếng Việt, độ dài tối đa 1.000 chữ, kể lại những câu chuyện có thật, những trải nghiệm cùng thể thao của bản thân hoặc người xung quanh, có tính lan tỏa tích cực đến cộng đồng. Cuối mỗi bài viết vui lòng ghi rõ thông tin về tác giả: địa chỉ, số điện thoại và email liên hệ.

Hạn chót nhận bài thi là hết ngày 15-9-2019. Các giải thưởng giá trị bao gồm: giải nhất 20 triệu đồng, giải nhì 10 triệu đồng, 2 giải ba mỗi giải 5 triệu đồng và 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng.

Bài thi gửi về: Báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM, Việt Nam hoặc email: [email protected]. Bài dự thi (cùng ảnh hoặc clip) gửi qua email vui lòng ghi: Bài dự thi "Khỏe cho mình - Khỏe cho gia đình".

Đạp xe mỗi ngày giúp tôi đẩy lùi bệnh tật - Ảnh 3.
LÊ PHA LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên