17/07/2018 10:35 GMT+7

Đạp xe 2.500km để ngăn rác thải nhựa

HỒNG VÂN thực hiện
HỒNG VÂN thực hiện

TTO - “Ống hút, túi bóng, ly nhựa… những đồ dùng một lần này sẽ gây ô nhiễm thiên nhiên mà chúng ta đang dựa vào để sinh tồn. Thật bất công và vô lý khi chỉ sử dụng vài phút mà gây ô nhiễm cả trăm năm”.

Đạp xe 2.500km để ngăn rác thải nhựa - Ảnh 1.

Anh Paul Hellier và Jamie Lepre (đi hàng đầu và thứ hai) cùng một số bạn đạp xe tại TP.HCM -Ảnh: Hữu Khoa

Đó là tâm sự của anh Paul Hellier, một trong hai người đạp xe 2.500km qua Việt Nam, Campuchia và Thái Lan để dọn và kêu gọi hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Tuổi Trẻ đã đón và đồng hành cùng họ trong những kilômet cuối cùng tại TP.HCM trước khi họ đạp xe đi miền Tây, sang Campuchia và Thái Lan.

* Ý tưởng đạp xe xuyên Việt rồi tiếp tục sang Campuchia và Thái Lan thật thú vị. Vì sao hai anh lại chọn cung đường này?

- Anh Paul Hellier: Chúng tôi yêu con người và thiên nhiên của Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Cả ba nước đều có những thắng cảnh đẹp và đều gặp vấn đề với ô nhiễm . Chúng tôi cũng biết rằng có rất nhiều người đang hành động trong khả năng của họ để thay đổi thách thức này.

Đều là những người làm phim và hành động vì môi trường, chúng tôi sẽ sản xuất một bộ phim tài liệu về hành trình, giới thiệu những sáng kiến của cộng đồng để các ý tưởng của họ có thể được ủng hộ và nhân rộng.

* Đạp xe dưới cái nóng 37 độ C hoặc hơn và thời gian gần một tháng tròn qua 3 quốc gia đòi hỏi một quyết tâm không nhỏ. Các anh đã lên kế hoạch về chuyến đi như thế nào?

- Chúng tôi muốn làm điều gì đó cho môi trường, cho Trái đất, cho Việt Nam, nhưng dự án không thể dài hàng tháng trời và có những thứ chưa sẵn sàng, tuy nhiên chúng tôi quyết định cứ leo lên xe đã.

Đây là một hành trình được một công ty du lịch lên kế hoạch và liên hệ với những tổ chức/cá nhân yêu môi trường ở những nơi chúng tôi qua và được tài trợ một phần. Chúng tôi cũng gây quỹ để có nguồn tài chính hỗ trợ các tổ chức vì môi trường có những sáng kiến thiết thực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.

Trung bình mỗi ngày chúng tôi đạp xe 70-120km, nhưng có một số chặng chúng tôi đi xe buýt hoặc xe lửa. Từ Hà Nội vào TP.HCM, chúng tôi đạp gần 700km trên "ngựa sắt" của mình, qua những nơi rất đẹp như Mai Châu, Ninh Bình, đèo Hải Vân, Hội An, Nha Trang...

Chúng tôi trải qua những thách thức thực sự về thể chất, nhưng được chiêm ngưỡng những cảnh đẹp và gặp gỡ những người yêu môi trường trong hành trình cũng là phần thưởng tuyệt vời.

* Các anh ấn tượng với những ý tưởng từ cộng đồng nào trong hành trình xuyên Việt kêu gọi giảm sử dụng túi nilông và đồ nhựa dùng một lần?

- Có rất nhiều tổ chức ở Việt Nam đang hoạt động nhằm cảnh báo người dân về việc ô nhiễm rác thải nhựa với các chương trình truyền thông và các hoạt động dọn dẹp vệ sinh bãi biển, đường phố.

Tôi nghĩ phong trào vận động vì môi trường chắc chắn rất sôi nổi ở Việt Nam vì chúng tôi đã thấy ngày càng nhiều người từ chối đồ nhựa, dùng ống hút bằng tre hoặc inox và những chia sẻ ý tưởng về tái chế, tái sử dụng. Sự nhiệt tình tham gia của người bình thường chính là sức mạnh để lan tỏa hành động đẹp nhằm bảo vệ môi trường.

* Tôi có người bạn đi du lịch và nhặt rác ở Phú Quốc, nhưng người địa phương gọi anh ấy là "khùng". Anh có buồn không khi bị người khác gọi là "khùng" khi anh dọn rác ở Hội An để người Việt Nam có thể tắm trên một bãi biển sạch?

- Tôi nghĩ người bạn của chị là một thủ lĩnh. Hành động của anh ấy đi trước sự hiểu biết của nhiều người và họ lấy làm lạ. Một lúc nào đó, người dân hiểu về sự tác động của rác thải nhựa đối với môi trường và đại dương, họ sẽ nhìn anh ấy bằng ánh mắt khác.

Mười năm trước, tôi thường đi nhặt túi nilông ở bãi biển bên Úc. Lúc đó mọi người cũng nhìn tôi như người ngoài hành tinh. Bây giờ thì họ giúp và cùng nhặt rác với tôi.

Vì một thế giới xanh hơn

Anh Paul Hellier - người vận động vì môi trường, thành viên Tổ chức Greenpeace Úc, từng sống ở Việt Nam một năm - cho biết anh quan tâm và rất yêu vùng Đông Nam Á. Cũng vì quá yêu, anh cảm thấy xót xa và đau lòng khi vẻ đẹp của những thắng cảnh thiên nhiên, bãi biển, thành phố ở Việt Nam, Campuchia và Thái Lan bị đồ nhựa và rác thải làm ô nhiễm.

Với suy nghĩ đó, Paul đã bàn với Jamie Lepre - nhà làm phim, người sáng lập hai tổ chức hành động vì môi trường - nhảy lên yên xe đi chu du vì một thế giới xanh hơn.

Paul Hellier và Jamie Lepre đạp xe từ ngày 17-6, xuất phát tại Hà Nội. Họ đạp xe xuyên Việt qua Mai Châu, Ninh Bình, Huế, Hội An, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Mũi Né, TP.HCM, miền Tây, An Giang rồi sang Phnom Penh, Siem Reap (Campuchia) và dừng chân ở Bangkok (Thái Lan) vào ngày 12-7.

Trong email cho Tuổi Trẻ ngày 16-7, một ngày sau khi trở về Úc, anh Paul cho biết toàn bộ hành trình đã diễn ra như kế hoạch, trừ một điểm là đoàn đã gặp gỡ với rất nhiều người so với kế hoạch ban đầu.

"Điều này thật tuyệt vời vì nó cho thấy người dân địa phương và cộng đồng các chuyên gia nước ngoài sống ở Việt Nam, Campuchia và Thái Lan đều rất sẵn sàng chia sẻ và thảo luận những giải pháp để giảm thiểu túi nilông" - Paul viết.

Anh cho biết sẽ tạo một danh sách với đường dẫn đến từng nhóm hoạt động vì môi trường đã gặp, để những người khác có thể tham gia và tìm hiểu thêm về hoạt động của các tổ chức này, kết nối các nhóm để họ có thể liên lạc và hợp tác với nhau về sau. Paul và Jamie sẽ làm một bộ phim tài liệu dài một giờ, hoàn thành vào đầu năm sau về hành trình và sẽ chia sẻ nhiều cách sáng tạo mà chúng ta có thể giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Sẽ lan tỏa trong cộng đồng

Tôi đang trú mưa thì tình cờ gặp nhóm của anh Paul và Jamie cũng tấp lại trú mưa với những chiếc xe đạp của họ. Ban đầu tôi tưởng họ là các vận động viên, nhưng trò chuyện sau đó mới biết họ từ Úc sang Việt Nam đạp xe vì môi trường. Họ đã chứng minh bằng hành động rằng chúng ta có thể di chuyển bằng những phương tiện thân thiện với môi trường hơn và sống mà có thể không cần đến đồ nhựa.

Chúng ta là người Việt Nam mà còn chưa quyết tâm giữ gìn môi trường sống của chính mình cho sạch sẽ, trong khi người nước ngoài lại đến đây vớt rác trên biển cho chúng ta, thực hiện một chuyến đi đầy quyết tâm từ Bắc vào Nam để lan tỏa thông điệp giảm đồ nhựa dùng một lần với chúng ta.

Tôi hi vọng nỗ lực của Paul và Jamie sẽ được lan tỏa trong cộng đồng ở tất cả những nơi họ đi qua và mong nhiều người trong xã hội cam kết thực hiện một số thay đổi có ích cho môi trường như giảm sử dụng túi nilông, đồ nhựa dùng một lần, đi bộ hoặc phương tiện công cộng nhiều hơn.

Nguyễn Văn Khôi (nhân viên văn phòng ở TP.HCM)

Vì sao động vật biển không thể ngừng ăn rác nhựa?

TTO - Rác thải nhựa không chỉ nhìn như thức ăn mà mùi, tiếng động, cảm giác chúng mang lại tương tự như thức ăn.

HỒNG VÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên