16/02/2022 10:33 GMT+7

Đập thủy điện làm rối nhịp thủy văn ở Mekong, 2022 nguy cơ tiếp tục khô hạn đe dọa sản lượng ĐBSCL

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Ngày 15-2, Trung tâm nghiên cứu Stimson (Washington, Mỹ) tổ chức hội thảo "Mùa khô ở Mekong 2022 - Nước ở đâu" trong nỗi lo 2022 có thể là năm thứ tư liên tiếp vùng hạ lưu sông Mekong bị khô hạn do lượng mưa ít.

Đập thủy điện làm rối nhịp thủy văn ở Mekong, 2022 nguy cơ tiếp tục khô hạn đe dọa sản lượng ĐBSCL - Ảnh 1.

Các dải cát nổi lên giữa dòng Mekong năm 2019 ở gần tỉnh Nong Khai của Thái Lan sau một thế kỷ đã trở thành biểu tượng cho cuộc tranh luận về quản lý nước trong khu vực - Ảnh: Reuter

Năm 2021 là năm khô hạn lịch sử thứ 9 ở lưu vực Mekong từng ghi nhận. Điều này có thể khiến cho mùa khô 2022 trở nên khô hạn hơn và đe dọa đến sản lượng nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Nước đang ở đâu?

Theo ông Brian Eyler - giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson, trong tuần từ 31-1 đến 6-2, dung tích của 5 hồ chứa lớn nhất trên dòng chính sông Mekong và 40 hồ chứa khác cho thấy 5 đập chứa nước lớn nhất đang kiểm soát phần lớn lượng nước sông Mekong.

Trên toàn bộ dòng Mekong chảy qua 6 quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, các đập tại Trung Quốc đang trữ 56% lượng nước, sau đó là Lào với 32,7% lượng nước.

Trong các năm trước, gồm cả năm 2020 - năm khô nhất ở lưu vực hạ lưu Mekong, các đập thủy điện lớn ở Trung Quốc cũng tích nước phục vụ hoạt động bình thường bất chấp các yếu tố biến động thời tiết.

Lượng nước ở trạm đo Chiang Sean, Thái Lan mùa mưa năm 2020 lẽ ra có thể nhiều hơn đến 63% nếu nước không bị giữ lại ở hai đập lớn là Tiểu Loan và Nọa Trác Độ.

Ông Alan Basist, nhà khí tượng học và là chủ tịch Công ty Eyes on Earth (Mỹ), cho biết một lượng lớn nước sông Mekong, đôi khi lên đến 50% hoặc hơn, bị giữ lại trong các con đập tại thượng nguồn trong mùa mưa. Trong một năm bình thường, điều này không gây quá nhiều hệ lụy. Nhưng trong năm ít mưa, việc này khiến các nước ở hạ lưu gặp khó khăn.

Thêm hợp tác, không thêm đập

Hiện các đập thượng nguồn đã bắt đầu xả nước phục vụ sản xuất điện ở Trung Quốc. Cụ thể, ngày 15-2, dữ liệu cho thấy mực nước ở hồ chứa đập Tiểu Loan đã giảm từ 10,2 tỉ m3 xuống còn 9,8 tỉ m3, nghĩa là 400 triệu m3 nước đã được trả lại dòng chảy. 

Trong vài tuần nữa, dự kiến mực nước sông Mekong sẽ tăng dần, trái với chu trình tự nhiên của mùa khô là mực nước sẽ giảm.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho rằng mực nước mùa lũ năm 2021 trên sông Mekong thấp vì 2 nguyên nhân. Một là lượng mưa trong mùa mưa bị dịch chuyển đến phần cuối mùa mưa, và hai là do các đập thủy điện tích nước để dự trữ cho phát điện mùa khô.

Dù vậy, ông Thiện cũng cho rằng việc tích nước của các đập làm giảm mùa lũ sẽ gây hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài với toàn bộ lưu vực và ĐBSCL. 

Trước đây, phù sa bồi đắp tạo nên ĐBSCL là nhờ dòng chảy mạnh trong mùa lũ vào tháng 7, 8, 9. Nay các đập làm cho dòng chảy yếu đi thì không đủ sức vận chuyển phù sa và cát về ĐBSCL nữa. Sạt lở ở ĐBSCL sẽ không cách nào khắc phục được.

Ông Thiện cũng chỉ ra việc tích xả nước của thủy điện làm rối loạn nhịp thủy văn của dòng sông, làm rối "tín hiệu dòng sông". 

Các loài thủy sản, động thực vật và toàn bộ hệ sinh thái không còn nhận biết được mùa nữa. Chẳng hạn, các loài cá di cư sẽ không biết mùa để ngược dòng sinh sản. Về lâu dài, toàn bộ hệ sinh thái sẽ suy tàn.

Trong bối cảnh dòng chảy lũ giảm, báo cáo kỹ thuật tháng 1-2022 của Ủy hội sông Mekong quốc tế khuyến cáo các nước trong lưu vực cân nhắc xây dựng các công trình trữ nước để củng cố an ninh nước. 

Ông Thiện cho rằng khuyến cáo này không phù hợp và khá nguy hiểm vì nếu các quốc gia phía trên làm thêm nhiều công trình trữ nước thì sẽ càng phá hủy nhịp thủy văn tự nhiên của dòng sông, càng làm lũ biến mất, mùa khô suy kiệt thêm, làm cho Biển Hồ chết hẳn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạ lưu, nhất là ĐBSCL.

Các chuyên gia cho biết cơ chế thủy văn ở Mekong rất phức tạp, liên quan đến băng tuyết ở đầu nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, độ ẩm, lượng mưa trong mùa mưa trên lưu vực, khai thác nước từ dòng sông cho sinh hoạt, sản xuất... Hoạt động của các đập thủy điện càng khiến cơ chế đó khó đoán và trái tự nhiên hơn.

"Nhu cầu hợp tác trong vấn đề an ninh cũng như chia sẻ tài nguyên nước của dòng Mekong là rất cần thiết. Ủy hội sông Mekong có thể đối thoại trong nội bộ và với Chính phủ Trung Quốc để làm sao các đập thủy điện vận hành trong mùa mưa theo hướng bảo tồn, bớt tích nước để phục hồi lại phần nào chu trình tự nhiên của sông Mekong và vai trò sinh thái của biển hồ Tonle Sap", ông Brian Eyler đề nghị.

Năm nay hạn mặn ở ĐBSCL sẽ không nghiêm trọng?

Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, trong mùa khô 2022 tình hình hạn mặn ở ĐBSCL sẽ không quá gay gắt, vì từ tháng 10-2021 đến nay đã có hiện tượng La Nina xuất hiện và đến đầu mùa khô năm nay, gần như tất cả các đập đều đầy nước. Lượng nước tích trữ đó sẽ được xả ra trong mùa khô, giúp giảm hạn mặn ở ĐBSCL.

Trung Quốc phủ nhận chặn đập làm sông Mekong thiếu nước, dư luận bất bình Trung Quốc phủ nhận chặn đập làm sông Mekong thiếu nước, dư luận bất bình

TTO - Các chuyên gia và tổ chức quốc tế nói Trung Quốc thất hứa và không minh bạch trong chuyện thủy điện xả nước. Bắc Kinh phủ nhận điều này.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên