26/11/2012 15:30 GMT+7

Dập dềnh sóng vỗ Bàn Than

THANH BA - THÀNH GIANG
THANH BA - THÀNH GIANG

TTO - Nằm bao bọc bởi bốn bề biển xanh cát trắng, ghềnh đá Bàn Than thuộc xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) quyến rũ bởi những tảng đá đen gối chồng lên nhau với muôn hình vạn trạng, hoang sơ và độc đáo.

hOKv0c9s.jpgPhóng to
Quanh năm sóng biển vỗ dập dềnh vào ghềnh đá

Cách thành phố Tam Kỳ chừng 40km về hướng đông nam, ghềnh đá Bàn Than nằm ven theo đường bờ biển Thuận An, nơi con sông Trường Giang đổ ra cửa biển Tam Hải.

Tìm về ghềnh đá đen

Đội những cơn mưa đầu mùa nặng trĩu như vỗ nước vào mặt cùng cái se lạnh những ngày chớm đông, chúng tôi quyết định men theo tuyến quốc lộ 1A, đi ngót hơn 100km đường bộ tìm về xã đảo được người dân nơi đây ví như ốc đảo, quanh năm bị chia cắt.

Muốn đến đảo chỉ có một cách duy nhất là đón phà từ bến phà Tam Quan. Theo lịch trình, cứ khoảng 20 phút sẽ có một chuyến phà rước khách từ bên này xã Tam Quan sang bên kia xã Tam Hải, thế nhưng đợi mãi vẫn không thấy bóng dáng chiếc phà nào. Tưởng đã công cốc thì từ dưới con xuồng nhỏ, một lão ngư hành nghề đánh bắt cá trên sông dõng hô thật to thông báo hôm nay phà khởi hành trễ vì sóng to gió lớn.

Người mỗi lúc một đông, chen kín cả hai bên bờ kè. Và cuối cùng chiếc phà cũng xuất hiện sau những con thuyền đánh cá lớn trong niềm vui của mọi người.

icspu39N.jpgPhóng to
Muốn vào ghềnh đá phải lội nước dọc theo bờ biển
XNAoKHqG.jpgPhóng to
Ghềnh đá đen với nhiều cụm phân bố rải rác được ví như "cao nguyên đá"
kn75QDdS.jpgPhóng to
Những vỉa đá như được tạo hóa xếp gối chồng lên nhau

Đến Tam Hải nhưng muốn tìm về nơi đang lưu giữ những nét đẹp hoang sơ của quần thể tập hợp các tảng đá đen óng ánh được người đời ví von như "cao nguyên đá", phải mất nửa giờ cuốc bộ men theo con đường biển trải dài từ bến phà Tam Hải đến cuối thôn Thuận An, điểm con sông Trường Giang đổ ra cửa biển Tam Hải.

Bù lại, một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ hiện ra trước mắt với hình ảnh đa sắc của rừng xanh, biển bạc, mây trôi lững lờ, đặc biệt không thể không ấn tượng với những hòn đá đen mọc giữa trùng khơi: ghềnh đá Bàn Than.

Đá hình thành nên những tảng núi cao, có ngọn cao đến tầm 40m so với mực nước biển, từ đầu đến cuối bằng phẳng như dây đàn. Điều đặc biệt của ghềnh đá với vô số các tảng đá mang hình thù hết sức kỳ quái gối chồng lên nhau. Có tảng đá khiến người ta mường tượng đến một con voi, có tảng như được chạm trổ họa tiết y hệt như chim trời, lại có những hòn đá nhỏ đơn giản chỉ mang dáng vẻ một loài hoa, một bàn chân người... nhưng tất cả đều có đặc điểm chung nhất là phủ lên mình màu đen loáng trước những cơn sóng dập dềnh của biển cả.

Một vẻ đẹp hoang sơ như một sự giao thoa hài hòa giữa núi đá và sóng biển.

Sự tích về hòn Ông Đụn, Bà Che

Theo các cụ cao niên ở đảo, Bàn Than đã đi vào tiềm thức người dân nơi đây với sự tích ông Đụn, bà Che. Một sự tích ấm áp tình nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng bởi trên ghềnh đá có một mỏm đá nhô cao giống hình một người đang đứng và một người che chở ở phía sau.

qI2dPM0E.jpgPhóng to
Tảng đá gắn liền với sự tích Ông Đụn, Bà Che
eQCtMaeU.jpgPhóng to
Giữa muôn trùng sóng vỗ

Chuyện kể rằng ngày xưa, ở vùng đất này có một gia đình ngư dân sinh sống. Một ngày, hai vợ chồng già ở nhà mòn mỏi chờ hai người con trai dong thuyền ra khơi chưa về. Trời mưa gió ầm ầm, người cha già lập cập ra biển, ngóng theo từng con sóng, mỏi mắt trông con. Không biết bao nhiêu ngày tháng, con thì vẫn biệt tăm trong khi thân xác ông hóa thành núi ghềnh nơi biển bãi.

Chờ mãi con không về mà chồng cũng chẳng thấy đâu, người vợ già cũng lọm khọm tìm ra biển đang mùa sóng lớn. Thấy dáng hình chồng đứng lặng im giữa muôn trùng sóng vỗ, bà nuốt nước mắt vào trong, nguyện đứng sau lưng, che chở cho chồng suốt đời. Từ đó, sự tích Ông Đụn, Bà Che được hình thành và lưu truyền trong dân gian.

THANH BA - THÀNH GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên