TTCT - Năm 1998, một cuộc điều tra của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế cho biết ở TP Huế lúc đó vẫn còn 240 công trình kiến trúc Pháp. Năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố danh mục các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu trên địa bàn TP Huế với vỏn vẹn 27 công trình. Số còn lại trong danh mục 240 công trình đó, chiếm gần 90%, đã biến đi đâu sau 20 năm? Nhà máy nước Vạn Niên, một công trình kiến trúc Pháp mang đậm chất Huế. Ảnh: Minh Tự Câu trả lời là một số thì sụp đổ do xuống cấp nhưng không được sửa chữa, một số bị phá bỏ để xây dựng mới, và số còn lại đang trong tình trạng có thể đập bỏ bất cứ lúc nào bởi không nằm trong danh mục 27 công trình phải bảo tồn mà UBND tỉnh này vừa công bố.Sự sang trọng mong manhNếu kinh thành ở bờ bắc tạo nên nét rêu phong cổ kính, sông Hương là không gian thơ mộng, thì khu phố Tây ở bờ nam đã tạo nên một nét đẹp sang trọng cho Huế. Với hàng trăm dinh thự, biệt thự theo năm kiểu kiến trúc và ba giai đoạn tạo thành, GSTS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng khu phố Tây ấy là “quỹ kiến trúc thứ hai của Huế”, đòi hỏi phải có sự cư xử đặc biệt.Tòa Khâm sứ Trung Kỳ - công trình kiến trúc Pháp đầu tiên ở Huế. Ảnh tư liệu Hội Những người bạn cố đô Huế (A.A.V.H) Nhưng mặc cho các chuyên gia và người yêu mến vẻ đẹp kiến trúc sang trọng này kêu cứu, những ngôi “nhà Tây” vẫn bị đập bỏ, vừa công khai vừa âm thầm trong suốt mấy chục năm qua, và rộ lên vào khoảng đầu thập niên 2000. Cuộc đập bỏ được nhìn rõ nhất trên đường Lê Lợi - con đường chính của khu phố Tây, và đường Lý Thường Kiệt - con đường biệt thự. Nhà riêng nay trở thành công sở, nhà băng nay thành thư viện, công năng không phù hợp hoặc quy mô cũ không đủ đáp ứng nhu cầu mới, cùng với sự xuống cấp tất yếu của các ngôi nhà tuổi đã hơn kém 100 năm... Đó là những “lý do chính đáng” để đập bỏ đi ngôi nhà xưa cũ ấy mà xây lại tòa trụ sở mới.Đường Julles Ferry năm 1930, nay là đường Lê Lợi. Ảnh tư liệu Hội Những người bạn Cố đô Huế (A.A.V.H) Ngay từ lúc đó, giới kiến trúc sư và nghiên cứu văn hóa Huế lên tiếng cảnh báo: nếu không giữ được không gian phố Tây, đường biệt thự thì sự tồn tại của những công trình kiến trúc đơn lẻ, dù rất đẹp cũng chỉ là ngắc ngoải và sẽ chết dần chết mòn.Nhưng quan điểm của các cơ quan quản lý nhà nước là không thể giữ nguyên cả khu phố Tây, cả con đường biệt thự, chỉ bảo tồn những công trình tiêu biểu mà thôi. Một bước xác lập cơ sở pháp lý để mở đường cho cuộc dọn dẹp quỹ kiến trúc này, với những lý do đã nghe đến quen tai: hư hại, xuống cấp, không phù hợp công năng... Những tờ văn thư của Chính phủ Pháp từ Paris gửi sang Huế để thông báo công trình đã hết hạn sử dụng đã trở thành lý do để chủ nhân mới nhanh chóng đập bỏ ngôi nhà cũ. Dù rằng với tờ thông báo đầy trách nhiệm đó, người Pháp chỉ muốn cẩn trọng nhắc nhở chủ nhân mới phải sửa chữa, nâng cấp để tiếp tục sử dụng ngôi nhà. Thầy Nguyễn Phước Bửu Tuấn, hiệu trưởng trường THPT chuyên Quốc học Huế cho hay vào năm 1996, năm ngôi trường tròn 100 tuổi, nhà trường cũng nhận một văn thư như thế. Sau đó ngôi trường đã được trùng tu kỹ lưỡng.Đường Paul Bert nay là đường Trần Hưng Đạo. Ảnh tư liệu Hội Những người bạn Cố đô Huế (A.A.V.H) Cú sốc với con số 27Sau 15 năm, dường như không còn nghe ai nhắc lại cuộc hội nghị rất quan trọng của cuộc bảo tồn và phát triển đô thị Huế đã diễn ra ngày 28-4-2003. Đó là hội nghị chuyên gia “Đánh giá quỹ kiến trúc đô thị Huế” do UBND TP Huế, Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế và Hội Kiến trúc sư VN tổ chức, nhằm tạo cơ sở vững chắc để bảo tồn những giá trị kiến trúc đô thị Huế trước khi “cơn bão đô thị hóa” tràn đến TP này.Tại hội nghị đó, các chuyên gia đã kiểm kê tài sản kiến trúc đô thị Huế có sáu nhóm. Trong đó, nhóm “kiến trúc thời Pháp thuộc” có vai trò đặc biệt trong quỹ kiến trúc của Huế, góp phần định đoạt diện mạo đô thị Huế, là điểm tựa quy hoạch và thẩm mỹ để Huế lan tỏa về phía nam ở những thời kỳ tiếp theo. Ông Nguyễn Việt Tiến, chủ tịch UBND TP Huế (sau đó là giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế), cam kết sẽ tiến hành một cuộc tổng kiểm kê, đánh giá quỹ kiến trúc đô thị Huế. Trên cơ sở đó, sẽ lập danh mục các công trình kiến trúc có giá trị cao, cần phải bảo tồn; đồng thời xác định những công trình không có giá trị thì được phép phá bỏ để xây dựng công trình mới.Những tưởng sau đó cuộc bảo tồn và phát triển đô thị ở Huế sẽ đi vào quy củ, thì lại một cuộc tranh luận mới nổ ra sau khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công bố danh mục các công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu cần bảo tồn vào cuối tháng 5 vừa qua. Đây chính là kết quả của cuộc kiểm kê quỹ kiến trúc đô thị thời Pháp thuộc mà hội nghị 15 năm trước đặt ra. Chỉ có điều, con số sau kiểm kê của một thời kỳ đô thị kéo dài gần 70 năm, là cơ sở để tạo nên TP Huế hiện đại sau này, chỉ còn vỏn vẹn 27 công trình kiến trúc. Một cú sốc cho cả chuyên gia lẫn những người từng quản lý đô thị Huế!Tòa Công chánh Trung Kỳ, nay là Bảo tàng Văn hóa Huế. Ảnh: Minh Tự Di sản quý hay là “chướng ngại vật”?Và một thực tế mới hiện ra: cái cần bảo tồn thì không có trong danh mục, cái không phải kiến trúc Pháp thì lại đưa vô danh mục bảo tồn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, người từng có mặt trong cuộc hội nghị 15 năm trước với trách nhiệm giám đốc Sở VH-TT, đã lắc đầu: một quyết định khó hiểu!Nhiều công trình kiến trúc Pháp đặc sắc và hiện vẫn đang còn giá trị sử dụng không hiểu vì lý do gì lại không đưa vô danh sách bảo tồn. Đó là ngôi biệt thự 26 Lê Lợi, nay là trụ sở Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật, Trường Pelllerin nay là Học viện Âm nhạc Huế, Ngân hàng Phát triển VN (1 Hoàng Hoa Thám), văn phòng Sở Giao thông vận tải, trụ sở công an tỉnh (xưa là Sở Mật thám Trung kỳ), Trường THPT Nguyễn Trường Tộ... Và cả chiếc cầu Trường Tiền, theo cách kiểm kê này cũng không được xem là công trình kiến trúc.Trong khi đó, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế và nhà thờ chánh tòa Phủ Cam là những công trình được xây dựng vào thập niên 1960 thì lại đưa vô danh mục bảo tồn. Công trình Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong thì lại ghi danh là “Bia Quốc Học” theo kiểu gọi nôm na của dân gian. Và danh mục này hầu như không đụng đến các công trình kiến trúc Pháp là phủ đệ của các ông hoàng, bà chúa; nhà thờ của các dòng tộc; nhà riêng của dân...Đứng trước những chất vấn của báo chí, ông Lê Toàn Thắng, phó giám đốc Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế, nói rằng đây mới chỉ là “bước đi ban đầu”, và hứa sẽ tiếp tục bổ sung thêm các công trình khác vào danh mục này.Nhưng đã có tới 15 năm cho một cuộc kiểm kê, sao vẫn là “bước đi ban đầu”? Câu trả lời của lãnh đạo Sở Xây dựng cho thấy chính quyền vẫn cứ lúng túng trong việc ứng xử với khối tài sản kiến trúc quý giá này. Có vẻ như thứ di sản cổ xưa này đang “chiếm chỗ” của các công trình mới, là “chướng ngại vật” trên đường phát triển của đô thị Huế.Và vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu và người dân Huế có chung cảm nhận rằng danh mục 27 công trình mà tỉnh vừa công bố chính là “bảo bối” cho việc xóa bỏ những công trình kiến trúc Pháp còn lại, ngoài danh mục này. Vì hầu hết các công trình có giá trị nhưng nằm ngoài danh mục này đều đang là công sở của nhà nước, hoặc nằm trên “đất vàng”. Nếu đưa vào danh mục bảo tồn thì khó bề cho việc đập bỏ để xây dựng trụ sở mới và rất khó cho việc thu hồi “đất vàng”.Trường nữ trung học Đồng Khánh - một trong những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu ở Huế. Ảnh: Minh Tự Cầm búa bổ vào chân mìnhKhông phải cái gì cổ cũng đều quý, cái gì cũ cũng là di sản, và cái gì di sản cũng phải bảo tồn. Cuộc tổng kiểm kê, đánh giá quỹ kiến trúc đô thị Huế đã đặt ra hồi 15 năm trước chính là để trả lời một cách rốt ráo: cái gì quý, cái gì không, cần bảo tồn thế nào cho phù hợp, cái nào có thể phá bỏ, cái gì cần có thêm? Giữ cả khu phố, cả ngôi nhà, hay chỉ cần ghi dấu bằng một tấm bia đá?... Trong khi chưa trả lời điều đó một cách đầy đủ và minh bạch mà vẫn cho phép đập phá kiến trúc cũ, thì những cuộc tranh cãi từ Huế sẽ không có hồi kết.Huế sẽ trở nên mới hơn hay nghèo đi trong cuộc phát triển đó? Mà tại sao không phải là mới hơn và giàu thêm? 20 năm trước, khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ về nguy cơ phố Tây sẽ bị phá bỏ, KTS Hoàng Đạo Kính đã trả lời: “Nếu chưa biết mà phủ nhận thì cũng như cầm búa mà bổ vào chân mình”. 20 năm sau, cái búa đó vẫn tiếp tục bổ vào cơ thể đô thị Huế.Huế mới hơn hay nghèo đi? Hỏi đó, cũng là trả lời đó!■17 năm trước, báo Tuổi Trẻ đã lên tiếng báo động về số phận hết sức mong manh của quần thể kiến trúc Pháp mà người Huế bao đời vẫn quen gọi là khu phố Tây. Một đô thị được xây dựng theo kiểu phố phường của châu Âu (Quartier Européen) với đủ năm phong cách kiến trúc của Pháp ở Đông Dương, gồm một hệ thống công sở, dinh thự, nhà thờ, ngân hàng, bệnh viện, trường học, bưu điện, trại lính, sân vận động... Tags: Kiến trúc PhápBảo tồn kiến trúcKiến trúc HuếKiến trúc Pháp ở HuếPhá bỏ phố Tây
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025: Đồng hành với thí sinh trong cuộc chơi mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.