14/03/2014 07:32 GMT+7

Đập bỏ bình phong trước lăng Ngô Quyền

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TT - Theo cụ từ Dương Hữu Số - người trông coi đền thờ và lăng vua Ngô Quyền (thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), từ chiều 13-3 đơn vị thi công trùng tu lăng vua Ngô Quyền đã cho người đập bỏ bức bình phong có hình con thú phản cảm trước mặt lăng vua (Tuổi Trẻ ngày 6 và 12-3).

i7wwvbBE.jpgPhóng to
Bình phong có quái thú trước lăng Ngô Quyền đã được đập bỏ (ảnh chụp chiều 13-3) - Ảnh: Sơn Thành

Cụ Số nói: “Tôi và những người dân Đường Lâm hiện đang có mặt tại lăng vua phấn khởi lắm. Ý nguyện của nhân dân chúng tôi đã thành hiện thực”.

Cùng ngày, ông Hứa Đức Thịnh - trưởng Phòng VH-TT thị xã Sơn Tây - cho biết dù chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội và Bộ VH-TT&DL nhưng lắng nghe những ý kiến của nhân dân và báo chí phản ánh trong thời gian qua nên Phòng VH-TT thị xã Sơn Tây đã quyết định tạm dừng việc trùng tu lăng vua Ngô Quyền.

“Chiều 13-3, chúng tôi đã gửi quyết định cho Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm yêu cầu đơn vị thi công trùng tu lăng vua Ngô Quyền dỡ bỏ bức bình phong và hình con thú trước mặt lăng. Vì chúng tôi nhận thấy bức bình phong đó không phải là hạng mục gốc vốn có của di tích lăng Ngô Quyền, mà chỉ là ý kiến của một nhà làm văn hóa (GS Trần Lâm Biền là người tư vấn khoa học để Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm và đơn vị thiết kế bản vẽ trùng tu lăng Ngô Quyền thêm bức bình phong và con thú tại lăng vua - NV) nên có nhiều điểm chưa hợp lý” - ông Thịnh nói.

Ông Hứa Đức Thịnh cho biết thêm vào ngày 15-3, Cục Di sản văn hóa cùng Sở VH-TT&DL sẽ về tổ chức hội nghị với sự tham dự của Phòng VH-TT thị xã Sơn Tây, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cùng đông đảo nhân dân địa phương và đại diện gia tộc họ Ngô. Hội nghị sẽ thống nhất ý kiến các bên về việc có tiếp tục trùng tu lăng Ngô Quyền hay không, và nếu trùng tu thì sẽ thống nhất cách làm cho phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và dòng họ Ngô. “Các phương án trùng tu lăng Ngô Quyền sẽ được chúng tôi công bố sau hội nghị ngày 15-3, nhưng việc dỡ bỏ bình phong trước lăng vua chúng tôi đã tiến hành từ chiều nay, và đến ngày mai (14-3) sẽ xong” - ông Thịnh nói.

Vấn đề đặt ra ở đây: Tại sao một hạng mục không phải là hạng mục vốn có của một di tích cấp quốc gia lại được lắp đặt thêm vào, để rồi lại phải gỡ bỏ sau khi dư luận bất bình lên tiếng? Trách nhiệm nằm ở đâu là câu hỏi cần được trả lời.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên