Với câu hỏi "Dạ cổ hoài lang có nghĩa là gì?", đáp án ghi "Bài ca cổ nói về tâm sự người vợ nhớ chồng lúc về đêm".
Dạ cổ hoài lang là bài ca cổ: Không chính xác
Với đáp án Dạ cổ hoài lang nghĩa là bài vọng cổ thì có lẽ người soạn đáp án đã có sự nhầm lẫn.
Bài Dạ cổ hoài lang do tác giả Cao Văn Lầu sáng tác. Về năm ra đời của bài này, có tài liệu cho rằng vào năm 1917, 1918, 1919 và có cả 1920.
Tuy nhiên, nhiều nguồn thống nhất là năm 1919. Bởi vậy năm 2019, tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ra đời và phát triển của bài Dạ cổ hoài lang.
Thạc sĩ Huỳnh Khải, nguyên trưởng khoa âm nhạc truyền thống Nhạc viện TP.HCM, đã có nhiều lý giải xác đáng vì sao Dạ cổ hoài lang lại có sức ảnh hưởng lớn và được các nhạc sĩ sau này phát triển thành bài vọng cổ, bài ca vua trong đờn ca tài tử và sân khấu cải lương.
"Giá trị của bài Dạ cổ hoài lang là kế thừa và phát huy được hai dòng nhạc: nhạc cung đình miền Trung được đưa vào dân gian và âm hưởng của các điệu lý Nam Bộ.
Dạ cổ hoài lang có cách cấu trúc, phát triển tương tự như một ca khúc, là một giai điệu không thể sửa đổi, không thể ca khác được.
Nhưng khi từ nhịp hai (đôi) được các nhạc sĩ mở ra nhịp tư mà người ta gọi là Vọng cổ hoài lang và sau đó là vọng cổ thì đã không phải là ca khúc nữa mà theo cấu trúc mở, mở ra con đường để người ta sáng tạo" - nhạc sĩ Huỳnh Khải nhấn mạnh.
Ông cho rằng nhịp tư là quan trọng nhất, là phát pháo (khúc thức nhạc) đầu tiên để các nhạc sĩ tiếp tục mở ra đến nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32...
Bởi vậy bây giờ trong giới cải lương vẫn hay nghe nói vọng cổ nhịp 16, nhịp 32, thậm chí cả tới nhịp 64.
Như vậy, gọi Dạ cổ hoài lang là bài ca cổ là không chính xác.
Dạ cổ hoài lang - Cẩm Ly | Sáng tác: Cao Văn Lầu |
Dạ cổ hoài lang có nghĩa là gì?
Về xuất xứ bài Dạ cổ hoài lang, tài liệu ghi lại rằng ông Cao Văn Lầu kết hôn với bà Trần Thị Tấn sau nhiều năm không có con.
Ba mẹ ông Cao Văn Lầu phiền lòng nên muốn trả bà về nhà để ông đi lấy người khác.
Thời điểm đó, thầy Hai Khị (thầy của Cao Văn Lầu) ra bài cho học trò sáng tác với chủ đề Chinh phụ vọng chinh phu dựa trên bài Tô Huệ chức cẩm hồi văn (điệu Nam Ai).
Đang có tâm sự nên ông Cao Văn Lầu đã sáng tác bài Dạ cổ hoài lang (nghĩa là Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng) nhịp đôi, 22 câu.
Sau này nhận được sự góp ý ông rút xuống còn 20 câu.
Thật kỳ diệu, sau khi bài Dạ cổ hoài lang ra đời, vợ ông mang thai và như vậy họ không còn phải chia lìa.
Nhạc sĩ Huỳnh Khải kể nhà nghiên cứu Đắc Nhẫn từng lưu ý thời điểm ra đời bài Dạ cổ hoài lang cũng là thời kỳ Đệ nhất thế chiến, những năm Pháp tổng động viên quân đội, ráo riết bắt đàn ông đi lính.
Ông Cao Văn Lầu có thời gian làm văn thư, bên cạnh nỗi niềm chia ly với vợ, hằng đêm ông chứng kiến cảnh bắt lính, người vợ chờ chồng, nên cũng có thể cảm xúc cộng dồn để viết nên bài ca này.
Từ tâm sự riêng, cộng với tâm sự chung và những vận dụng linh hoạt trong sáng tác mà bài Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu đã có sức sống lâu bền đến hôm nay.
Năm 1999, Dạ cổ hoài lang còn được nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển ký âm lại và ca sĩ Hương Lan, Hạnh Nguyên hát như một ca khúc độc lập.
Tác giả Thanh Hoàng và đạo diễn Công Ninh còn dựng nên một vở kịch thuộc hàng kinh điển của sân khấu thành phố mang tên Dạ cổ hoài lang với các thế hệ nghệ sĩ như Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Quốc Thảo, Lê Vũ Cầu, Thanh Hoàng, Hoài Linh, Hữu Châu…
Dạ cổ hoài lang còn được thực hiện thành bộ phim điện ảnh với vai chính do Hoài Linh, Chí Tài đảm nhiệm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận