19/04/2006 18:48 GMT+7

Đạo tranh ở Việt Nam: Đã đến lúc phải mạnh tay

NGUYỄN ĐÌNH THÀNH
NGUYỄN ĐÌNH THÀNH

TTO - Hiện nay, ở nước ta đã có tới gần ba mươi văn bản pháp lý về bảo vệ quyền tác giả. Chúng ta cũng là thành viên của nhiều điều ước quốc tế về lĩnh vực này. Nhiều vụ vi phạm bị xử lý, mạng lưới bảo vệ tác quyền cũng được thành lập đến cấp tỉnh, vậy mà nạn đạo tranh vẫn ngang nhiên diễn ra, tiếp tục bôi nhọ hình ảnh của mỹ thuật VN và xâm hại quyền lợi của tác giả.

cuMkryTZ.jpgPhóng to
Thiếu nữ bên hoa huệ của họa sĩ Tô Ngọc Vân - một trong những bức tranh được chép nhiều nhất
TTO - Hiện nay, ở nước ta đã có tới gần ba mươi văn bản pháp lý về bảo vệ quyền tác giả. Chúng ta cũng là thành viên của nhiều điều ước quốc tế về lĩnh vực này. Nhiều vụ vi phạm bị xử lý, mạng lưới bảo vệ tác quyền cũng được thành lập đến cấp tỉnh, vậy mà nạn đạo tranh vẫn ngang nhiên diễn ra, tiếp tục bôi nhọ hình ảnh của mỹ thuật VN và xâm hại quyền lợi của tác giả.

Chép tranh, tranh chép có phải là đạo tranh?

Trước hết cần phân biệt rõ hai khái niệm chép tranh và đạo tranh. Chép tranh là việc một họa sĩ (cũng có thể là thợ vẽ) vẽ lại một tác phẩm đã tồn tại trước đó nhưng không cùng một động cơ sáng tác với tác giả của tác phẩm ấy. Chép tranh hoặc chép y nguyên phong cách của người khác mà ký tên mình là đạo tranh, một hành vi mạo danh, phạm pháp.

Về bản chất, chép tranh là hoạt động chính đáng nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhiều người muốn có một bức tranh chép của một danh họa để trang trí nhà cửa, thỏa mãn niềm ngưỡng mộ với người họa sĩ đã khuất, lưu giữ một kỷ niệm,…nên những bức tranh chép tồn tại là điều không có gì phải bàn.

Ngoài ra, chép tranh cũng là một bài tập cần thiết cho các họa sĩ muốn học hỏi trên đường tìm kiếm tiếng nói nghệ thuật riêng của mình. Cézanne đã từng nói không có trường học nào tốt bằng bảo tàng Louvre.

Ở nhiều nước, họa sĩ chép tranh tập hợp thành công ty, được nhà nước công nhận. Chép tranh cũng là một lao động nghệ thuật và cần được trân trọng. Đồng thời đó cũng là một thị trường đầy tiềm năng, giải quyết công ăn việc làm và là nguồn thu của nhà nước.

Nhu cầu chép tranh và tranh chép chỉ trở nên chính đáng khi nó tôn trọng quyền của tác giả. ở Pháp, các họa sĩ chỉ được quyền bán tranh chép khi tác phẩm gốc đã hết thời hạn bảo hộ (70 năm sau khi họa sĩ mất, ở VN là 50 năm). Các tác phẩm sao chép nhằm mục đích học tập và chỉ sử dụng cho cá nhân không phải xin phép.

Sao chép hoặc đăng tải các tác phẩm đang trong thời hạn bảo hộ hoặc của nghệ sĩ còn sống phải có sự cho phép bằng văn bản và phải trả tiền cho tác giả. Không được kí tên tác giả vào tác phẩm sao chép, và phải có lời chú thích đi kèm bản tranh chép nói rõ rằng đây không phải là tác phẩm gốc…

Các vi phạm sẽ bị xử lý cả về mặt dân sự lẫn hình sự. Đạo tranh, thực chất là một hành động ăn cắp. Vậy mà ở ta, người đạo tranh, người bán những bức tranh ấy không thấy xấu hổ và vẫn nhởn nhơ làm giàu…

Cần một liệu pháp tổng hợp và mạnh mẽ

hjKgAloC.jpgPhóng to

Các cửa hàng bán tranh lúc nào cũng treo đầy tranh chép - Ảnh: VNN

Nguồn gốc chính của tình trạng này là việc quản lý của các cơ quan chức năng quá lỏng lẻo nên cả người làm tranh giả lẫn người buôn bán tranh giả đều không bị xử lý hoặc xử lý quá nhẹ. Đây là điều đáng ngạc nhiên vì thực chất các tác phẩm tạo hình cũng là một loại hàng hóa.

Sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng nhái có thể bị đi tù, dùng bằng giả thì bị xã hội lên án, thế nhưng sản xuất và buôn bán tranh giả, tranh nhái thì vẫn vô can. Đa số nghệ sĩ không được trang bị kiến thức về pháp luật quyền tác giả, không biết tự bảo vệ mình ra sao, hậu quả của việc vi phạm thế nào. Người mua thì dễ dãi, thờ ơ. Tranh giả cứ thế mà lan tràn.

Trước hết cần giải quyết vấn đề từ gốc rễ tức là từ người nghệ sĩ. Cần thông tin cho họ biết hậu quả về mặt pháp luật và đạo đức của việc đạo tranh, ăn cắp ý tưởng. Việc này cần làm ngay trong toàn bộ các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật: trường mỹ thuật, mỹ thuật công nghiệp, sân khấu điện ảnh, nhạc việc, múa, xiếc,... Bởi nghệ thuật đương đại là nghệ thuật liên ngành. Không sớm thì muộn việc phân chia các ngành nghệ thuật như hiện nay ở VN sẽ không còn hợp lý. Hiểu biết để tôn trọng luật bản quyền là hành trang cần thiết với tất cả các nghệ sĩ và người sáng tác ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Sản xuất và buôn bán tranh giả cần được xử lý không chỉ theo luật dân sự mà còn phải xử theo cả luật hình sự. Khung hình phạt hiện nay tương đối cao đủ để răn đe, vấn đề là ở khâu áp dụng (phạt hành chính đến 70 triệu đồng và phạt hình sự đến 200 triệu đồng và tới ba năm tù giam). Cho đến nay việc xử lý chỉ ở mức hành chính nên không có tác dụng. Các gallery buôn bán tranh giả cần được cương quyết xử lý như buộc phải đóng cửa trong một thời gian, thông báo trên báo chí (và phải chịu chi phí cho việc này), thậm chí truy tố về tội buôn bán hàng giả.

Họa sĩ vi phạm và chủ gallery phải bồi thường thiệt hại cho người bị đạo tranh và chịu án phí. Khi chủ gallery và các họa sĩ phải chịu trách nhiệm cá nhân về những gì mình vẽ, bán, chắc chắn việc buôn bán tranh giả sẽ giảm mạnh. Các biện pháp này không có gì mới, vấn đề là ở chỗ ta có quyết tâm áp dụng hay không mà thôi.

Ở nhiều nước, việc lập catalogue các tác phẩm, đăng kí là thành viên của một hội quản lý bản quyền, hoặc đăng kí tại trung tâm bản quyền đã trở thành phản xạ bình thường của một người nghệ sĩ. Để tránh tranh giả các gallery đứng ra đảm bảo bằng uy tín của mình rằng tác phẩm họ bán của chính người nghệ sĩ vẽ ra, nếu sai họ sẽ hoàn lại tiền (vì thế ít khi người mua tranh mua thẳng của người nghệ sĩ dù giá có thể rẻ hơn đến 50%). Khi mua tranh ở các cuộc đấu giá, nếu là tranh giả, người mua sẽ được hoàn lại tiền (điều này đòi hỏi phải xúc tiến đào tạo một đội ngũ chuyên gia thẩm định hiện đang không tồn tại ở VN).

Phần lớn các họa sĩ đều là thành viên của một tổ chức quản lý bản quyền tập thể (mức phí hàng năm chỉ khoảng 15€ một năm và một số phần trăm khi tác phẩm được bán). Với số tiền này họ thuê trụ sở cố định và tuyển các chuyên gia về kinh tế, tin học, nghệ thuật, luật pháp… để bảo vệ các thành viên của mình.

Nghệ sĩ cũng có thể tải ảnh và các thông tin liên quan đến tác phẩm của mình vào thư viện ảo trên mạng của các tổ chức này, một hình thức quảng cáo và đăng kí bản quyền. Các tổ chức này sẽ đại diện cho nghệ sĩ trong việc bảo vệ và thu tiền bản quyền (mỗi lần tác phẩm được đăng trên sách, báo, sử dụng trong phim ảnh, sử dụng trên các sản phẩm phái sinh…) cả ở trong và ngoài nước.

Ngoài ra, họ còn xúc tiến việc cải thiện luật bản quyền theo hướng có lợi cho hội viên (*). Giải pháp này đã được cục bản quyền văn hóa nghệ thuật nói đến nhưng hiện vẫn chưa thấy thực hiện ở nước ta.

Ở Pháp, để chấm dứt thiệt hại cho mình một cách nhanh chóng, khi có bằng chứng về việc sao chép bất hợp pháp, chủ sở hữu quyền tác giả có thể yêu cầu các cơ quan chức năng tịch thu ngay lập tức tranh giả. Các gallery làm tranh giả bị tẩy chay và họa sĩ bị mất tín nhiệm, điều này lập tức làm giá tranh rớt xuống một cách thảm hại. Đây cũng là một sự răn đe hữu hiệu.

Vào thời Trung Cổ, để bảo vệ quyền tác giả của mình, có nhà văn đã nguyền rủa những người sao chép tác phẩm mà không cần sự đồng ý của ông sẽ bị bệnh hủi. Mười bảy thế kỷ sau, hy vọng các họa sĩ của ta không phải dùng đến phương pháp này để tự bảo vệ mình.

_____________________

(*) Trang web tiếng Anh của hội bảo vệ bản quyền cho các nghệ sỹ thị giác: http://www.adagp.fr/ENG/static_index.php

NGUYỄN ĐÌNH THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên