28/03/2023 13:22 GMT+7

Đào tiền dưới... gốc dừa mục

"Hiện nay rễ dừa mục đang là nguồn phân bón hữu cơ rất hấp dẫn với dân chơi cây kiểng, nên các gốc dừa mục bị thiên hạ lùng sục, tranh nhau khai thác dữ lắm", Hai Huy vui vẻ kể nghề kiếm bộn tiền từ thứ ngày xưa người ta bỏ đi.

Đào tiền dưới... gốc dừa mục - Ảnh 1.

Hai Huy tìm gốc dừa mục - Ảnh: HÙNG ANH

8h sáng, Hai Huy (Lê Trọng Huy, 48 tuổi, ngụ ấp An Thuận B, xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) đang ngồi quán cà phê sân vườn ở TP Bến Tre.

Thấy tôi ngạc nhiên, Hai Huy cười nói: "Bữa nay làm gần nhà, nên giờ còn cà phê cà pháo. Chớ làm ở các huyện xa, 5h sáng là tui đã ra khỏi thành phố rồi".

Nghề bới móc kiếm tiền

Hai Huy là dân chuyên nghề chăm sóc cây kiểng có tiếng ở Bến Tre. Nhưng hơn 10 năm qua, anh còn kiêm thêm cái nghề "không giống ai". Đó là nghề săn tìm, đào lấy bộ rễ của các gốc dừa đã hư mục nhiều năm để... bán kiếm tiền.

Anh ta kể hơn chục năm trước, trong lúc đi chăm sóc cây kiểng thuê, tình cờ nghe bạn bè kháo nhau ở xứ Đồng Tháp cây kiểng luôn tươi tốt là nhờ các tay chơi xài một "bí kíp", đó là rễ cây dừa bị hư mục. Nguyên nhân vì sao rễ dừa mục tốt cho cây kiểng thì khi đó chưa nghe ai giải thích đầy đủ.

Lúc đầu Hai Huy không để ý chuyện này, nhưng nghe nhiều lần thì anh bán tín bán nghi nên về nhà làm thử xem sao. Ra vườn tìm những gốc dừa thật sự mục nát do thân cây bị đốn đã lâu, anh lấy chiếc dá chuyên dụng trong nghề chăm sóc kiểng đào xới đám rễ dừa trồi lên mặt đất, bóp cho tơi ra, rồi đem đổ vào mấy gốc kiểng của nhà để thí nghiệm.

Chỉ trong thời gian ngắn, đối chứng giữa kiểng đắp rễ dừa mục và không đắp rễ mục, Hai Huy kinh ngạc khi thấy cây kiểng bón rễ dừa xanh tốt hơn một trời một vực.

Sau nhiều lần thử nghiệm thấy chắc ăn, anh đem chuyện này kể với mấy người quen. Khi đã mục sở thị, nhiều người nhờ anh cung cấp rễ dừa mục trong lúc chăm sóc vườn kiểng của họ.

Tiếng lành đồn xa, càng ngày càng có nhiều dân chơi kiểng tìm đến Hai Huy hỏi mua rễ dừa mục. Thấy nhiều người có nhu cầu sử dụng rễ dừa mục nên anh nghĩ ra chuyện làm dịch vụ cung ứng.

Ngoài những ngày đi chăm sóc cây kiểng thuê, thời gian rảnh Hai Huy rủ mấy anh em thanh niên trong xóm đi đào rễ dừa mục để bán.

"Ban đầu tụi tui đào gốc dừa mục trong vườn nhà, hết của nhà thì đi... xin hàng xóm. Người ta hỏi tui đào gốc dừa mục lấy rễ về làm gì, tui trả lời để làm phân bón cho cây, nên ai cũng vui vẻ cho vì nghĩ tụi tui dọn dẹp giùm mấy gốc cây mục trong vườn. Từ đó, anh em tụi tui gần như tới lui khắp các địa phương trong tỉnh để tìm gốc dừa mục.

Sau này, các chủ vườn biết tụi tui đào gốc dừa mục để bán kiếm tiền nên không chịu cho không như trước. Chủ vườn nào cũng ra giá bán mua mấy gốc cây mục nát rất sòng phẳng", Hai Huy cười khà khà kể.

Theo nhận định của Hai Huy, lúc còn tươi tốt, cây dừa được chủ vườn bón phân để bồi dưỡng. Sau khi cây bị đốn, rễ non dưới đất vẫn tiếp tục hấp thu lượng phân bón nhưng không còn nuôi được thân cây nên tích tụ ở phần rễ sát gốc. Sau nhiều năm, rễ và phân bón đều phân hủy nên rễ dừa mục trở thành nguồn phân hữu cơ rất tốt.

Anh Lê Trung, người dân ở TP Bến Tre, xác nhận rễ dừa mục là nguồn phân hữu cơ tuyệt hảo cho các loại cây kiểng, đặc biệt là mai vàng và nguyệt quế. "Tui đã thử phối trộn rễ dừa mục với phân bò khô để đắp vào gốc kiểng thì nhận thấy cây phát triển tốt hơn cây chỉ bón rễ mục, chẳng cần đến phân hóa học như trước", anh Trung cho biết.

Đào tiền dưới... gốc dừa mục - Ảnh 2.

Hai Huy (áo đen) dùng dá đào gốc dừa mục, còn Minh chất từng tảng lên xe rùa - Ảnh: HÙNG ANH

Tiền nằm trong thứ bỏ đi

Tôi theo chân Hai Huy và cộng sự của anh, một thanh niên vui tính tên Minh, vào một khu vườn trồng bưởi ở xã Mỹ Thạnh An. Giữa những gốc bưởi đang cho trái, lấp ló trong cỏ là nhiều gốc dừa đen sì, mục nát, có gốc bị cưa gần sát đất, xung quanh nổi lên những đám rễ hình thù kỳ dị.

Đồ nghề của Hai Huy và Minh rất đơn giản, chỉ có cái dá chuyên dụng làm bằng thép tròn lưỡi bén ngót, một con dao phay, chiếc xe rùa và đống bao ni lông (loại bao đựng phân bón hóa học). Hai Huy giải thích cái dá để đào rễ dừa, con dao dùng chặt rễ cho tơi vụn trước khi cho vào bao.

"Theo kinh nghiệm của tui, những gốc dừa mục này đã bị đốn bỏ thân cách nay khoảng 6-7 năm. Mấy gốc dừa này đều trên 20 năm tuổi, nên lượng phân tích tụ trong đám rễ mục rất nhiều", Hai Huy cho biết.

Sau khi xác định được phần rễ dừa cần lấy, Hai Huy và Minh thay nhau dùng chiếc dá xắn phầm phập xuống đất sâu khoảng 4 tấc, cách xung quanh gốc dừa mục khoảng nửa mét. Từng tảng rễ dừa mục bị hất tung lên, sau đó được anh và Minh thay nhau chặt cho tơi vụn, bỏ vào bao, chất lên xe rùa đem vào một góc.

Vừa làm, Hai Huy vừa giải thích: "Mỗi gốc dừa hai anh em tui xử trong vòng 10 phút là xong. Gốc nào yếu thì thu được 2-3 bao rễ dừa mục. Gốc nào trúng thu được hơn chục bao, mỗi bao nặng 10kg.

Mỗi bao rễ dừa, tui trả cho chủ vườn 10.000 đồng. Tụi tui chở những bao rễ dừa về, bán cho vựa thu mua giá 40.000 đồng/bao, còn bán trực tiếp cho mấy ông chủ vườn kiểng thì giá 50.000 đồng/bao. Sau khi trừ các chi phí, anh em tụi tui còn lời 20.000 đồng/bao".

Trong khi đó, Minh cười cười cho biết những khi trúng mánh, nhóm của anh mua được nhiều gốc dừa chất lượng, thu về 500 - 600 bao rễ mục. Tuy phải làm việc cật lực, kêu thêm vài người phụ làm, nhưng tính ra mỗi ngày một người thu nhập 400.000 - 500.000 đồng, sống khỏe.

"Nghề này coi vậy mà nhẹ nhàng hơn việc móc mương bồi bùn, phụ hồ, thu nhập cũng khá. Do nhu cầu tiêu thụ rễ dừa mục ngày càng tăng nên hiện nay có rất nhiều nhóm đào gốc dừa mục hoạt động khắp nơi, cạnh tranh nhau dữ lắm", Minh nói.

Hỏi Minh đi đào gốc dừa mục kiếm tiền thì điều gì nguy hiểm nhất. Anh cười, cho biết: "Trong đám rễ mục hay có lũ rết trú ẩn, nhưng không đáng sợ. Tụi tui chỉ cảnh giác với rắn lục đuôi đỏ khi vào những vườn cỏ cây rậm rạp".

Theo Hai Huy, hiện nay ở Bến Tre các điểm kinh doanh phân bón, đất sạch trồng cây đều có bán rễ dừa mục. Nhiều cơ sở mỗi ngày xuất hàng bằng xe tải loại lớn đi Sài Gòn và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Do nhu cầu sử dụng rễ dừa mục ngày càng tăng nên nhiều người tìm đến các khu vực bị giải tỏa làm công trình hoặc các khu vườn đang cải tạo phải đốn bỏ nhiều cây dừa, thuê máy đào đất Kobe móc rễ còn tươi mang về. Sau đó họ cho vào máy xay đánh tơi rồi đem ra phơi (hoặc sấy) cho khô, đóng bao bán.

Nhưng theo anh, rễ dừa tươi sấy khô chất lượng không thể so sánh được với rễ dừa bị mục tự nhiên. Nguyên nhân là trong rễ dừa tươi sấy khô người ta không thể loại bỏ được chất chát của nhựa dừa, mà chất này không tốt cho cây kiểng.

Ông Võ Văn Nam, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, cho biết người dân sử dụng rễ dừa mục làm phân bón chủ yếu trong hoạt động chăm sóc cây kiểng. Rễ dừa mục có tác dụng giữ ẩm, giữ đất trong chậu luôn tơi xốp, giúp cây phát triển tốt.

*****************

Hơn 30 năm trước ở Vĩnh Ân (huyện Tân Hưng, Long An) từng xảy ra cơn sốt tìm vàng ngay trên đồng lúa. Chuyện khó tin nhưng có thật.

>> Kỳ tới: Trở lại "cánh đồng vàng" Vĩnh Ân

Kỳ 1: Leo ngọn dừa, kiếm tiền triệuKỳ 1: Leo ngọn dừa, kiếm tiền triệu

Chuyện tìm vàng ở đồng ruộng miền Tây nghe cứ như bác Ba Phi nói dóc, rồi thợ săn chuột số 1 ở Cà Mau, ông già cụt tay bắt cá thần sầu, "thần trôm" Tân An...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên