16/01/2024 12:17 GMT+7

Đạo Thầy Trò - Kỳ 4: Người thầy thương trò như con mình

Người thầy sẻ chia khó nhọc cho học trò hết thế hệ này sang thế hệ khác. Năm tháng trôi đi, lớp lớp học sinh thêm yêu kính thầy mình.

Những lúc không có tiết dạy, thầy Hy thường đi khắp xã Nghĩa Hòa và các xã lân cận hỏi thăm học trò nghèo khó và động viên cố gắng học - Ảnh: TRẦN MAI

Những lúc không có tiết dạy, thầy Hy thường đi khắp xã Nghĩa Hòa và các xã lân cận hỏi thăm học trò nghèo khó và động viên cố gắng học - Ảnh: TRẦN MAI

Có người học trò ngày nào nghèo khó được thầy giúp, nay trở thành doanh nhân vẫn không quên ân tình năm ấy, lặng thầm hỗ trợ thầy làm thiện nguyện.

Cậu bé nghèo và sổ tiết kiệm 100.000 đồng

Ở Quảng Ngãi, nếu nói đến người thầy nào được học trò yêu kính và người dân thương mến thì chắc chắn thầy Bùi Anh Hy, giáo viên Trường THPT Thu Xà (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), sẽ là một trong những thầy cô được gọi tên.

Thầy Bùi Anh Hy còn mấy năm nữa sẽ về hưu, hành trình hơn 35 năm dạy học của thầy chỉ ở xã Nghĩa Hòa. Từng con đường, ngõ xóm ở đây thầy thuộc làu. Chừng ấy thời gian thầy Hy trở thành chỗ dựa của bao phận đời.

Thầy Hy không thể nhớ hết học trò mình giúp, nhưng học trò thì luôn nhớ đến ân tình thầy gửi trao. 

Cậu học trò nghèo Nguyễn Đức Hiền ngày nào giờ đã 45 tuổi, hiện là giám đốc một công ty chế tạo máy ở TP.HCM. Nhiều năm qua, anh bỏ tiền túi và kêu gọi bạn bè ủng hộ chuyển về cho thầy Hy lo cho học sinh nghèo, gia đình khó khăn.

Anh Hiền kể về những tháng ngày gian khó đời mình, tuổi thơ hết học là chạy về tiệm sửa xe phụ cha rồi lao ra đồng mò cua bắt ốc cho mẹ nấu. Dù vậy, cậu học trò Hiền học rất giỏi, thầy Hy rất mến. Năm 1992, thầy Hy viết câu chuyện của Hiền gửi Đài phát thanh Quảng Ngãi và được đọc trên loa phát thanh. 

"Hồi đó, mỗi xóm có loa phát thanh mở theo giờ. Sáng hôm đọc bài về tôi, chẳng nhớ vì sao tôi không nghe được. Chỉ bạn bè nghe rồi nói lại. Dù không trực tiếp nghe nhưng tôi vui lắm. Cha mẹ tôi thì rất hạnh phúc", anh Hiền kể.

Đến tận giờ, anh Hiền vẫn đậm sâu từng kỷ niệm về thầy bằng sự biết ơn. Hiền học giỏi, suốt thời gian THCS, mỗi khi có sự kiện cháu ngoan Bác Hồ hay hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó nào, thầy Hy đều lấy chiếc xe đạp chở Hiền đi.

"Có hai lý do thầy đưa tôi đi là vì nhà tôi nghèo, không đủ ăn, lên những nơi như thế sẽ được ăn ngon miễn phí, thêm nữa là có phần thưởng mang về. Một kỷ niệm không thể nào quên là năm 1993 tôi học lớp 7, thầy chở tôi đi dự hội trại trên thị xã (nay là TP Quảng Ngãi), tôi được trao thưởng, khi mở ra là một cuốn sách về quân đội.

Thương tôi, thầy đã kể hoàn cảnh cho thầy giáo ở thị trấn Sông Vệ (huyện Tư Nghĩa) xin được đổi phần thưởng của tôi với phần thưởng là xấp vải của bạn. May sao nhà bạn đó khá nên đồng ý đổi ngay, hai thầy trò mừng lắm. 

Lúc về lại Thu Xà, thầy hỏi tôi ăn no không rồi căn dặn mang vải may chiếc quần mới mà mặc. Tôi biết ơn những yêu thương thầy dành cho mình", anh Hiền tâm tình.

Thầy Hy vốn nổi tiếng làm công tác thiện nguyện, nhưng khi nghe trò cũ kể mới hay việc ấy đã tồn tại 35 năm qua. Anh Hiền nhớ năm học lớp 7, thầy Hy kêu gọi được 100.000 đồng rồi làm sổ tiết kiệm trao cho anh. 

"Số tiền đó cực kỳ lớn, ba mẹ tôi cất rất kỹ vì sợ mất. Đó từng là tài sản lớn nhất của nhà tôi", anh Hiền trải lòng.

Nhưng năm học đó, mắt Hiền có vấn đề, luôn sưng húp kèm những cơn đau. Một năm vừa học vừa chịu đau chờ tự lành, bệnh không thuyên giảm, gia đình vội đưa đi bệnh viện. 100.000 đồng thầy Hy trao vừa đủ chi phí điều trị, mắt Hiền dần phục hồi. 

Đến giờ, anh cũng chẳng biết cuộc đời mình rẽ hướng nào nếu ca mổ không kịp thời, xóa bỏ cái u tấy mủ to trên mí mắt.

Học hết cấp II, cậu học trò Hiền thi đậu Trường THPT chuyên Lê Khiết và lên thị xã học rồi đỗ đại học Bách khoa TP.HCM. Thầy trò xa cách dần, thầy Hy mải miết dạy chữ và lo cho những học sinh khốn khó khác, còn Hiền cũng lao vào học tập, làm thêm, lo cho tương lai. 

Nhưng anh khẳng định: "Tôi luôn nhớ từng hành động yêu thương thầy dành cho mình. Tôi yêu kính thầy như một người cha".

Trang FB của thầy Hy luôn đẫm những hình ảnh yêu thương, sẻ chia như thế này Ảnh FB

Trang FB của thầy Hy luôn đẫm những hình ảnh yêu thương, sẻ chia như thế này Ảnh FB

Trò theo thầy làm thiện nguyện

Thầy Hy có một quỹ từ thiện cá nhân lúc nào cũng "dồi dào" tiền. Khi cần giúp ai, chỉ cần viết vài dòng lên Facebook, học trò cũ lập tức góp, gửi tiền về phụ thầy. Có sự trợ sức này, thầy Hy đứng ra nộp toàn bộ chi phí học tập cho bất kỳ học trò khó khăn nào ở Trường THPT Thu Xà.

Học trò ở xa góp tiền, gạo, sữa. Học trò ở gần góp công. Học trò Nguyễn Văn Ban (44 tuổi), bán tạp hóa ở chợ Thu Xà, nói chỉ cần thầy đi làm từ thiện, xa gần gì anh cũng theo giúp. Từ chuyển gạo đến phân chia quà, nhận hàng, đi phát đến từng người anh đều không từ nan. 

Anh Ban vì kính trọng thầy mà tình nguyện đồng hành rồi trở thành "đệ tử ruột" lo chuyện phân phát quà để thầy đỡ cực.

Thầy Hy đến thăm và trao quà cho mẹ con chị Đặng Thị Thanh Dung có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: T.M.

Thầy Hy đến thăm và trao quà cho mẹ con chị Đặng Thị Thanh Dung có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: T.M.

"Mấy chục năm qua, học trò nào cũng kính trọng thầy Hy. Nhiều chuyến làm thiện nguyện ở vùng cao, thầy vừa viết lên Facebook cần xe chở hàng, lập tức học trò có ô tô nhắn xin đi cùng, thành ra dư xe. Với chúng tôi, thầy Hy không phải là thầy cũ mà là người thầy trọn đời", anh Ban chia sẻ.

Thầy Hy nghe học trò nói về mình tỏ ra ngại ngùng, nói chưa khi nào nghĩ việc làm của mình là lớn lao. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, xã Nghĩa Hòa còn nhiều khó khăn. Thương trò, thầy cố giúp được gì giúp, từ lời động viên đến lon gạo sẻ chia. Những chuyện ấy cứ lặp đi lặp lại như lẽ thường tình. 

"Tôi chưa bao giờ đếm giúp bao nhiêu người. Tôi chỉ tiếc là hồi đó không có mạng xã hội nên chẳng giúp trò nhiều hơn", thầy Hy nói.

Như cậu học trò Phạm Hùng Huynh (nay 42 tuổi) mất cả cha lẫn mẹ trong đợt lũ lịch sử năm 1999, biến cố này đã cắt đứt hành trình con chữ của anh Huynh ngay thời điểm sắp tốt nghiệp THPT. 

Chặt trái dừa bên đìa cá mời thầy uống, anh Huynh kể: "Năm đó, cha mẹ đột ngột mất, tôi bơ vơ và phải lo cho hai đứa em. Thầy Hy thương tôi lắm, thường xuyên động viên, xuống tận nơi xem tôi làm gì, ăn trưa chưa".

"Thầy dạy tôi về sự yêu thương, chia sẻ, tôi kính trọng điều đó. Tôi theo thầy làm việc thiện vì không muốn những người như mình ngày xưa bị bỏ lại phía sau", anh Huynh tâm tình. Có trò đi cùng, thầy Hy đỡ cực nhọc và mạnh dạn nhận quà hỗ trợ từ phương xa hơn. Bởi nếu một mình, thầy chẳng thể khuân vài tạ gạo đi phát khắp nơi...

Mỗi học trò lại góp nhặt kỷ niệm về thầy mình. Nhưng điểm chung là sự tôn kính, yêu thương. Chị Phạm Thị Anh Thi (42 tuổi) kể kỷ niệm của chị về thầy là những lần "báo tin mật" mình có đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh hay không.

Nhớ nhất là năm chị Thi học lớp 6, đại diện trường đi thi cờ vua. Với năng lực của mình, chị tự tin giành giải nhất. Nhưng kết quả chỉ đoạt giải ba, thất vọng, chị khóc thật nhiều. Lúc chở trò từ điểm thi về, thầy Hy đã vỗ về "Đoạt giải ba là quá giỏi rồi. Mình ở quê sao bì được với các bạn trên thị xã. Thầy hãnh diện về em", chị Thi nhớ lại.

Những lời động viên của thầy Hy đã cứu lấy khoảng hụt hẫng trong lòng đứa trẻ.

Không khí tâm sự ấm áp, chân tình. Bên đìa tôm nhà anh Huynh, thầy trò bàn tính kế hoạch phát quà cho người nghèo dịp Tết năm nay...

****************

Thầy nói cuối buổi tôi xuống phòng thầy nhờ tí việc. Tôi dạ, cuối buổi xuống phòng thầy ở khu nội trú. Thầy gửi tôi một xấp vải trắng và dặn về may áo mặc nha, Tết nhất rồi.

>> Kỳ tới: Thưa thầy, tụi em đã về đây

Đạo Thầy Trò - Kỳ 1: Người trò 73 tuổi quỳ gối vấn an thầyĐạo Thầy Trò - Kỳ 1: Người trò 73 tuổi quỳ gối vấn an thầy

Trên mạng xã hội, người ta vẫn còn chuyển cho nhau hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi quỳ gối để thăm hỏi một cụ già. Người đó chính là PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, năm ấy 73 tuổi, đang vấn an thầy giáo cũ của mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên