"Thầy không bảo các em háo thắng nhưng cần cố gắng, thầy không khuyên các em ganh tị nhưng phải tranh đua. Và hôm nay, cũng như bao nhiêu ngày qua, nhìn các em tung tăng vô tư như những con sáo, các thầy cảm thấy nhẹ nhàng và cứ muốn trẻ mãi với các em. Các thầy cũng còn thấy hãnh diện đã được đảm nhiệm một thiên chức cao quý và chẳng bao giờ nghĩ rằng đó là một công việc bạc bẽo...".
Những lời tha thiết đó trích từ bảng tưởng thưởng học sinh học tốt mà thầy giáo Lê Phỉ đọc trước học sinh niên khóa 1958-1959.
Cuộc gặp gỡ bất ngờ
Tháng 11-2023, tôi cùng nhà văn Nguyễn Tường Thiết trở lại Đà Lạt.
Ông Thiết đến Đà Lạt lần đầu vào khoảng 1955 đến 1958, khi còn là cậu học sinh. Thời gian này, ông theo cha - nhà văn Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam - chủ soái Tự Lực văn đoàn, cũng là chính trị gia gãy cánh chọn Đà Lạt làm nơi ẩn dật.
Rồi những cơ duyên khác đưa đẩy, sau này ông Thiết lại có những chặng quay lại Đà Lạt trong vai trò một giáo sư. Đặc biệt, vào nửa đầu thập niên 1960, ông có thời gian dạy môn vật lý ở Trường Việt Anh do ông Lê Phỉ làm hiệu trưởng.
Trong chuyến trở về này, ông Thiết mong muốn được gặp lại những bạn bè cũ, nhưng nhân vật mà ông ước ao được hạnh ngộ chính là cụ Lê Phỉ, người mà ông luôn gọi là thầy với sự tôn kính nhất của từ này, dù chưa từng được ông Phỉ dạy một ngày nào. Mối quan hệ của họ là giữa một giáo viên trẻ với một vị hiệu trưởng.
Chúng tôi đến gõ cửa lần thứ hai thì cánh cổng khóa trái của ngôi nhà đầu đường Tương Phố mới mở ra.
Người nhà dẫn chúng tôi vào căn phòng riêng, nơi những đồ đạc, huy hiệu hướng đạo, quần áo, hộp thuốc đông y, hộp kim châm cứu... được treo đầy trên tường và bày đầy trong các tủ kệ. Trên chiếc giường nhỏ, người thầy xưa gầy gò, nước da xanh bủng trong bộ pijama, áo khoác phông và đầu đội chiếc mũ beret của hướng đạo sinh.
Ông cần người đỡ lưng để ngồi dậy tiếp khách. "Thầy còn nhớ con không?". "Ai đây?". "Dạ Thiết, con là Nguyễn Tường Thiết, con trai của cụ Nhất Linh. Ngày trước con từng dạy Trường Việt Anh của thầy đây". "À, à, nhớ chứ, làm sao tôi quên anh được...".
Họ tay bắt mặt mừng, người xưng là trò năm nay đã 84 tuổi, người gọi là thầy năm nay tới tuổi trời 94. Như đã nói, thực tế họ chưa từng là thầy trò dạy học, mà cái cung cách tôn kính tao nhã của họ đã kéo tôi về với một bối cảnh tôn sư của trường học ngày cũ.
Ngôi trường Việt Anh trở về trong từng lớp ký ức được gợi lại từ câu chuyện của họ trong cuộc hạnh ngộ đặc biệt.
Trường tư thục Việt Anh được thành lập ngày 24-4-1958, tồn tại cho đến 1975. Với người sống ở Đà Lạt trước 1975, thì hai ngôi trường tư thục gắn với hai vị hiệu trưởng danh tiếng luôn được kể cùng nhau, đó là Việt Anh của thầy Lê Phỉ và Văn Học của thầy Chử Bá Anh.
Trong câu chuyện, họ cũng nhắc đến đã có những lúc hai ngôi trường có sự "cạnh tranh nhẹ" trong việc chiêu mời giáo viên giỏi về dạy học cho mình, nhưng môi trường giáo dục thời ấy hài hòa và cởi mở nên mọi chuyện diễn ra cũng nhẹ nhàng, bặt thiệp.
Trong thời gian Trường Việt Anh mở cửa, ông Lê Phỉ vừa là hiệu trưởng vừa là giáo sư lý hóa. Ông tuyển dụng được nhiều giáo sư tâm huyết về dạy trong trường, phải kể đến: Tôn Thất Thanh, Mai Liệu, Lê Văn Phổ, Nguyễn Văn Cẩn, Dương Kỵ (dạy văn chương), Trần Thị Xuân An (dạy nữ công gia chánh), Lê Văn Luyện (thể dục, nhu đạo)... và đặc biệt là mời được thi sĩ Phạm Công Thiện về dạy sinh ngữ (những năm 1962-1964) hay nhà nhiếp ảnh Trần Văn Châu về dạy nhiếp ảnh.
Trong các tài liệu nói về giáo dục Đà Lạt, Trường Việt Anh được ghi nhận là ngoài giáo dục kiến thức giáo khoa theo chương trình học phổ thông các cấp (gồm tư thục trung học đệ nhất, đệ nhị cấp, mẫu giáo và tiểu học), còn có các khóa đào tạo nghề như kế toán, đánh máy, tốc ký, vô tuyến điện, máy nổ, chụp ảnh, nhạc lý...
Về chương trình giáo dục phổ thông, vào năm 1970 trường có 20 lớp, chia làm các phân ban A, B và C.
Riêng ông Lê Phỉ, ngoài vai trò là một nhà giáo, ông còn được người dân Đà Lạt biết đến là một nhân sĩ trí thức nhiều năm làm chủ tịch Hội đồng thành phố (đầu thập niên 1960) và là huynh trưởng hướng đạo của đạo Lâm Viên.
Về sau, ông là một chứng nhân quan trọng của lịch sử đô thị, đồng thời cũng là người lưu trữ nhiều tài liệu hình ảnh về Đà Lạt.
Người cũ, trường xưa
Trong câu chuyện, người thầy năm nay 94 tuổi, dù giọng nói đã yếu đi trong từng hơi thở khó nhọc, nhưng vui vẻ nhắc lại từng người một trong ban giảng huấn và thăm hỏi cuộc sống của họ (đa phần đã sang nước ngoài và một số đã mất).
Trong câu chuyện, họ ôn lại hình ảnh thành phố thơ mộng ngày tháng cũ, những góc quán, con đường, cửa hiệu, những phòng học của ngôi trường nay đã không còn, nhắc cả đến đồng nghiệp của họ, ông Phạm Công Thiện - người được coi là thiên tài văn chương của miền Nam nhưng sống lơ đãng, thường hay quên lịch dạy...
Khi còn khỏe mạnh, ông Lê Phỉ sống xê dịch nhiều theo công việc huấn luyện của một huynh trưởng hướng đạo. Ông khỏe khoắn, cường tráng và có tính cách cương trực của người quê gốc miền Trung (Quảng Trị).
Khi về già, hạn chế đi lại, ông ẩn dật, nghiên cứu về đông y, châm cứu để chữa trị miễn phí cho nhiều người cần. "Tôi khỏe vậy cũng nhờ chính tôi tự chữa bệnh cho mình bằng đông y", ông nói.
Trong ký ức học trò Việt Anh, ông là người gần gũi, đáng kính. Trên trang của cựu học sinh Việt Anh xưa, thường có những tâm tình của học trò cũ nhắc đến thầy Lê Phỉ.
Trong đó, tôi chú ý đến một trang lưu bút mà thầy hiệu trưởng Trường Việt Anh viết cho một học trò tên Tuyết, vào hè năm 1972, có đoạn: "Đời không êm ả, không đẹp bằng chuỗi ngày học trò. Hai tiếng học trò sẽ để lại trong con nhiều màu sắc, nhiều hình ảnh. Thầy mong con hãy giữ lấy...".
"Thầy biết không, những người dạy Việt Anh thời những năm 1960 vẫn liên lạc với nhau, rồi học sinh ngày ấy cũng còn nhớ thầy cô cũ, thăm hỏi tình cảm lắm và ai cũng mong có dịp được gặp lại thầy...", ông Nguyễn Tường Thiết nói lúc chia tay.
Và ông giữ chặt bàn tay người lớn hơn ông 10 tuổi, nhưng ông gọi là thầy, nhắc đi nhắc lại trong xúc động: "Em thật may mắn vì gặp lại được thầy trong chuyến này. Thầy gắng khỏe để còn dịp gặp lại em và đồng nghiệp, học trò cũ của Việt Anh ngày xưa thầy nhé...".
Người thầy cười và nhìn ra khung cửa sổ trong một buổi chiều mưa bay. Cái cười nhẹ hẫng của người đã tri thiên mệnh.
____________________________________
Cái thuở trò nghèo, thầy cô cũng nghèo lắm, nhưng mỗi ngày đến trường là một ngày vui và ấm áp vô cùng...
Kỳ tới: Những ngày vui đến trường
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận