25/07/2024 10:02 GMT+7

Đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam: Quá nhiều vấn đề tồn đọng

Không chỉ khâu đào tạo có vấn đề về chất lượng, bóng đá Việt Nam cũng không tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ được ra sân thi đấu để phát triển chuyên môn do các CLB chạy theo thành tích.

Đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam: Quá nhiều vấn đề tồn đọng- Ảnh 1.

U19 Việt Nam (giữa) thắng U19 Lào 4-1 trước khi rời giải U19 Đông Nam Á 2024 - Ảnh: VFF

Thất bại ở Giải U16 và U19 Đông Nam Á 2024 trong vòng ba tuần qua là lời cảnh báo cho bóng đá Việt Nam nếu không có thay đổi.

Không có dấu ấn đào tạo trẻ

U19 Việt Nam bị loại từ vòng bảng Giải U19 Đông Nam Á 2024 với trận hòa Myanmar 1-1 và thua 2-5 trước Úc. Màn trình diễn của các học trò HLV Hứa Hiền Vinh bị chê là không có mảng miếng. Hai trong ba bàn thắng của đội đến từ hai cú sút xa của Quang Dũng.

Ngoài ra, thể trạng và thể lực của các cầu thủ U19 Việt Nam không vượt trội trước Myanmar và thua xa Úc. Kỹ thuật cá nhân, sự nhanh nhẹn vốn là đặc điểm của cầu thủ Việt Nam cũng không được thể hiện.

Khá hơn một chút, U16 Việt Nam do HLV Trần Minh Chiến dẫn dắt đạt hạng 4 ở giải U16 Đông Nam Á. Tuy nhiên, đội lại có những kết quả không tốt như hòa U16 Campuchia 1-1, thua 1-2 trước U16 Thái Lan và thua 0-5 trước U16 Indonesia. Nhìn chung, thất bại của hai đội tuyển trẻ Việt Nam đến từ chất lượng chuyên môn thua sút đối thủ. 

Thực trạng đáng lo

Trong danh sách 23 cầu thủ U19 Việt Nam tham dự Giải U19 Đông Nam Á 2024 chỉ có 10 cầu thủ được thi đấu ở giải hạng nhất và V-League 2023 - 2024. Nhưng không phải ai trong số 10 cầu thủ này cũng được ra sân nhiều ở CLB. Thủ môn số 1 của U19 Việt Nam Cao Văn Bình chỉ có một trận bắt chính cho CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA) ở V-League 2023 - 2024. 

Tương tự, tiền vệ tấn công Nguyễn Công Phương chỉ có năm trận vào sân thay người cho CLB Thể Công - Viettel. Hai hậu vệ Tuấn Khải (Huế) và Lê Khả Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ đá có 9/20 trận của Giải hạng nhất 2023 - 2024.

Đáng nói hơn, bốn tiền đạo của U19 Việt Nam là Phùng Văn Nam (SLNA), Nguyễn Hoàng Anh (PVF), Nguyễn Đăng Khoa (Huế) và Đinh Quang Kiệt (Hoàng Anh Gia Lai) đều vẫn còn ở đội trẻ. Đáng báo động hơn khi các CLB mạnh về đào tạo trẻ như Hà Nội, Hoàng Anh Gia Lai, B.Bình Dương, SHB Đà Nẵng cũng không giới thiệu được cái tên nào đáng chú ý cho U19 Việt Nam.

U16 Việt Nam vừa thất bại tại Giải U16 Đông Nam Á - Ảnh: VFF

U16 Việt Nam vừa thất bại tại Giải U16 Đông Nam Á - Ảnh: VFF

Không có sân đấu để cọ xát

Đừng nói đến Giải hạng nhất hay V-League, các cầu thủ trẻ cũng không có nhiều cơ hội chơi bóng ở giải hạng nhì và ba. Điều này do nhiều CLB vì chạy theo thành tích nên dùng toàn cầu thủ lớn tuổi thay vì trao cơ hội cho cầu thủ trẻ cọ xát. 

Chẳng hạn đội hình CLB Định hướng Phú Nhuận thi đấu ở Giải hạng ba quốc gia 2023 gồm các cựu cầu thủ chuyên nghiệp đã lớn tuổi như Hoàng Danh Ngọc, Hoàng Nhật Nam, thủ môn Lê Văn Hưng... Với đội hình như thế, CLB Định hướng Phú Nhuận dễ dàng giành quyền chơi ở Giải hạng nhì 2024 và mới nhất là Giải hạng nhất 2024 - 2025.

Đội Trẻ TP.HCM cũng giành quyền lên chơi ở Giải hạng nhất 2024 - 2025 với nhiều cựu cầu thủ chuyên nghiệp. Trong đó, nổi bật là hai lão tướng nhập tịch Huỳnh Kesley và Đỗ Merlo từng ghi bàn khét tiếng ở V-League. Lẽ ra, lứa cầu thủ trẻ trưởng thành từ chương trình hợp tác với CLB Lyon (Pháp) cần phải được trao cơ hội ra sân thi đấu để trưởng thành.

Trên con đường của bóng đá chuyên nghiệp, một CLB sẽ chơi từ hạng thấp nhất, đào tạo cầu thủ trẻ, khi đủ năng lực thì nỗ lực giành quyền thăng hạng. Quá trình thăng hạng theo từng năm sẽ làm dày thêm lực lượng cầu thủ cây nhà lá vườn. 

Và sau đó sẽ kết hợp với việc mua vài ngôi sao để tạo sức hút cho đội bóng. Đó là sự phát triển bền vững. Nhưng bóng đá Việt Nam dù đã mang mác chuyên nghiệp hơn 20 năm nhưng vẫn còn tình trạng mua bán đội bóng, mua suất thăng hạng, nhiều CLB không có đầy đủ các tuyến trẻ.

Cụ thể, Giải hạng nhì 2024 có đến ba CLB mua suất thi đấu là Bắc Ninh, Đại học Văn Hiến, Tây Nguyên Gia Lai. Trong đó, CLB Bắc Ninh là cái tên mới toanh, không có cầu thủ nào. Vì vậy, phải góp nhặt các cựu cầu thủ chuyên nghiệp hoặc cầu thủ ở các CLB với mục tiêu thăng hạng nhất 2024 - 2025. Tiếc (hoặc may) là đội bóng do ông Park Hang Seo làm cố vấn này đã thua Trẻ TP.HCM ở trận quyết định.

Đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam: Quá nhiều vấn đề tồn đọng- Ảnh 4.

HLV Hoàng Anh Tuấn chia tay VFF, không dẫn dắt các đội trẻ giữa chừng - Ảnh: HOÀNG TÙNG

Cần chú trọng HLV

Trước khi dự các giải Đông Nam Á, bất cập đã đến ngay trong khâu chọn HLV. Do HLV Hoàng Anh Tuấn, người được VFF giao hai đội U16 và U19 từ chức hồi giữa tháng 5-2024. VFF phải bổ nhiệm HLV Trần Minh Chiến (U16 Việt Nam) và HLV Hứa Hiền Vinh cho U19 Việt Nam.

Trong khi đó, bốn đội tuyển giành quyền vào bán kết U19 Đông Nam Á đều có các HLV gắn liền với công tác đào tạo cầu thủ trẻ đi lên. Theo đó, HLV U19 Indonesia là ông Indra Sjafri, trợ lý ông Shin Tae Yong kiêm HLV U23 Indonesia. HLV U19 Úc là Trevor Morgan, kiêm nhiệm đội U20. HLV U19 Malaysia là ông Juan Torres Garrido, nhiều năm gắn bó với bóng đá trẻ Malaysia.

Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương: "Chúng ta thường bổ nhiệm HLV trẻ chỉ trước giải đấu khoảng mấy tháng. Trên thế giới, người ta không làm vậy. Nếu là HLV một đội tuyển trẻ, họ sẽ nhận lương cả năm và chịu trách nhiệm các đội U17 của các CLB trên toàn quốc. Khi đó, lối chơi, phong cách thi đấu mới được thống nhất.

Ở Việt Nam, mỗi CLB làm bóng đá trẻ một kiểu. Khi gom quân lên đội tuyển, HLV chỉ có 10 - 20 ngày thì làm sao mà có lối chơi. Do đó, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần đưa ra quy trình đào tạo có tính hệ thống để các HLV áp dụng".

Bóng đá trẻ Việt Nam: Tụt dốc không phanhBóng đá trẻ Việt Nam: Tụt dốc không phanh

Chỉ trong vòng 3 tuần, bóng đá Việt Nam đã chứng kiến sự sa sút của hai đội tuyển trẻ ở Giải U16 rồi U19 Đông Nam Á 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên