25/04/2015 10:27 GMT+7

​Đào tạo sinh viên kiểu “được mùa mất giá”

L.KIÊN
L.KIÊN

TT - Đó là bình luận của một đại biểu Quốc hội công tác trong ngành giáo dục, ông Nguyễn Xuân Trường - giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phạm Vũ Luận. Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Xuân Trường đã nói như trên tại phiên giải trình của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng về việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật giáo dục đại học và vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngày 24-4.

Trình bày tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết trong giai đoạn 2011-2014, trung bình mỗi năm có trên 400.000 sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học.

Tuy nhiên, số sinh viên tốt nghiệp không có việc làm ngày càng tăng, trong đó số thất nghiệp năm 2014 tăng gần gấp đôi năm 2010.

Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này vẫn là do kinh tế khó khăn; công tác dự báo chưa tốt nên đào tạo không sát với thị trường lao động; nhiều cơ sở đào tạo chưa chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo...

“Đào tạo nghề ở nước ta chẳng khác gì nền sản xuất nông nghiệp, bao năm cứ loay hoay với cảnh “được mùa mất giá”. Đào tạo thì cứ đào tạo, còn khâu giải quyết việc làm thì chẳng giải quyết được bao nhiêu. Chúng ta cứ kêu là do đào tạo không chuẩn vậy thì cái gì dẫn đến không chuẩn. Chúng ta thiếu cái gì ở đây mà cứ để loay hoay mãi vậy” - đại biểu Nguyễn Xuân Trường đặt vấn đề.

Trong khi phó chủ nhiệm ủy ban, bà Ngô Thị Minh đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính và các bộ liên quan trước tình trạng các cơ sở giáo dục đào tạo hằng năm vẫn cho “ra lò” hàng trăm ngàn sinh viên không xin được việc làm nhưng vẫn đều đều nhận ngân sách cấp cho việc đào tạo.

Phúc đáp lại ý kiến đại biểu Quốc hội, tuy nhận trách nhiệm tới đây sẽ “dự báo thị trường dài hạn hơn”, nhưng Thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Nguyễn Thanh Hòa cho rằng Nhà nước không thể làm hết được, không thể đi tìm việc cho từng người.

Theo ông, quan trọng nhất là tạo tính chủ động cho sinh viên, người lao động vì nếu đào tạo tốt thì người ta không những tìm được việc làm cho mình mà còn tạo việc làm cho người khác.

Ông Nguyễn Xuân Trường cho rằng các bộ phải có cơ chế phối hợp, ví dụ Bộ Lao động - thương binh và xã hội không dự báo tốt nhu cầu thị trường, đòi hỏi chất lượng lao động, thì làm sao Bộ Giáo dục - đào tạo có được kế hoạch, chương trình đào tạo sát với thực tế.

“Dưa hấu ế, chúng ta cố gắng mua để động viên người nông dân. Nhưng đây chỉ là động viên thôi, làm sao có thể ăn dưa hấu mãi được.

Giáo dục đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cũng phải như thế, phải giải quyết từ gốc chứ không thể từ ngọn” - ông Trường bày tỏ.

 

L.KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên