Trung tâm dạy nghề Chiến Thắng, nơi có nhiều học viên xuất ngũ tham gia học nghề - Ảnh: CHÍ HẠNH
Ngày 6-4, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cho biết đang rà soát lại toàn bộ danh sách người tham gia sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an để báo cáo UBND TP Cần Thơ trình Bộ Tài chính xem xét, có phương án giải quyết.
Khoảng 1 năm nay, trên địa bàn TP Cần Thơ xảy ra nhiều trường hợp sau khi nghĩa vụ quân sự gặp khó khăn trong việc học nghề theo chính sách của nhà nước.
Mới đây nhất còn có việc 21 chiến sĩ công an nghĩa vụ của TP sau khi xuất ngũ mang thẻ đào tạo nghề sơ cấp đi học nghề nhưng bị từ chối.
Anh Võ Huỳnh Quân (ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ), cho biết đợt xuất ngũ tháng 2-2017 nhóm của anh có khoảng 70 người đăng ký vào học lái xe hạng B2 và hạng C tại một số trung tâm dạy nghề ở TP Cần Thơ.
Sau khi đăng ký, chờ mỏi mòn suốt nhiều tháng trời nhưng chưa ai được đào tạo.
Tương tự, anh Hồ Thanh Hiệu (ngụ huyện Châu Thành, Sóc Trăng) cho biết thêm: "Sau khi làm mọi thủ tục nhập học nhưng không thấy trường gọi lên học, mọi người muốn lấy lại phiếu học nghề để đi nơi khác nhưng không được. Một số khác được nhận, nhưng dạy được 2 tháng thì ngưng hẳn".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thượng tá Trần Văn Dương - trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Cần Thơ - cho biết theo một số nghị định, thông tư, những chiến sĩ gồm cả quân đội và công an sau khi hoàn thành nghĩa vụ sẽ được cấp thẻ học nghề.
Vừa qua, Công an TP có tổng cộng 75 chiến sĩ xuất ngũ, đây cũng là đợt đầu tiên được cấp thẻ học nghề sau nghĩa vụ.
"Sau đợt đầu tiên, có một số em bị cơ sở đào tạo nghề từ chối nhận. Ngay sau có thông tin phản ánh, Công an TP đã làm việc với các cơ sở đào tạo nghề và đã có 21 anh em được nhận. Số còn lại đang chọn học nghề khác ngoài lái xe", thượng tá Dương thông tin.
Theo Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, thực trạng xảy ra như vừa qua là do thiếu nguồn ngân sách phân bổ cho đơn vị, dẫn đến việc không thể quyết toán lại kinh phí đào tạo cho các trung tâm, cơ sở dạy nghề cho người xuất ngũ.
Cụ thể, quyết định số 1918 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguồn kinh phí đào tạo nghề sơ cấp cho chiến sĩ nghĩa vụ quân sự sau khi xuất ngũ được đưa vào dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Quốc phòng.
Trong khi đó, thông tư số 46 của Bộ LĐ-TB&XH có nêu các trường hợp nghĩa vụ công an, nghĩa vụ quân sự đều được đào tạo nghề sau khi xuất ngũ. Nhưng nguồn kinh phí đào tạo này do cả địa phương, trung ương và các bộ ngành liên quan đảm trách.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận